LỄ HỘI LÀM NỔI BẬT GIÁ TRỊ TOÀN CẦU CỦA DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT CÔN SƠN – KIẾP BẠC

Năm nay, Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc diễn ra trong thời điểm rất quan trọng, khi quần thể di tích quốc gia đặc biệt này cùng với Yên Tử (Quảng Ninh), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) đang trên hành trình trở thành di sản văn hóa của toàn nhân loại.

W_dsc_4919.jpg Lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu là nghi thức quan trọng, thể hiện tính nhân văn sâu sắc ở mỗi kỳ Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc. Trong ảnh: Lễ thả hoa đăng mùa lễ hội năm 2022. Ảnh: Thành Chung

Tháng tám giỗ Cha

Lễ hội là một trong những yếu tố quan trọng làm gia tăng giá trị lịch sử, văn hóa của mỗi di tích. Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc thể hiện rõ nhất điều này.

“Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”. Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm nay các hoạt động hầu hết diễn ra tại đền Kiếp Bạc, nơi thờ tự Anh hùng dân tộc, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đây cũng là nơi ghi dấu cuộc chiến không khoan nhượng của quân dân Đại Việt ở thế kỷ XIII chống các cuộc xâm lăng của Nguyên Mông – đạo quân hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc bấy giờ.

Lễ hội năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt quan trọng. Hải Dương sẽ thay mặt tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang tổ chức một lễ hội xứng tầm trước khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ để UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản văn hóa thế giới. Lễ hội mùa thu năm nay là thời điểm phù hợp để công bố với nhân dân, với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm tranh thủ sự ủng hộ vào hồ sơ di sản.

Theo kế hoạch của Ban Tổ chức, Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm nay được tổ chức đầy đủ các nghi thức truyền thống, gồm cả phần lễ và phần hội. Khác với nhiều năm, năm nay Lễ khai hội sẽ tổ chức vào buổi tối 30/9 (tối 16/8 âm lịch). Sáng cùng ngày sẽ khai mạc Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến thương mại. Tuần lễ sẽ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với trên 60 gian hàng của Hải Dương và các tỉnh, thành phố bạn. Cùng với đó là Lễ tưởng niệm 723 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Đêm cùng ngày sẽ là Lễ khai ấn đền Kiếp Bạc. Cũng như mọi năm, Lễ khai ấn là nghi thức cực kỳ quan trọng mỗi kỳ lễ hội mùa thu. Hàng vạn nhân dân địa phương và du khách luôn mong chờ sự kiện này và mong muốn được sở hữu 1 trong 4 ấn thiêng của Đức Thánh Trần.

Điểm nhấn của lễ hội mùa thu sẽ là màn hội quân hùng tráng, tái hiện Hào khí Đông A trên sông Lục Đầu, với sự tham gia của nhiều thuyền bè của ngư dân liên vùng, liên tỉnh.

Những nghi thức nâng tầm giá trị di sản

W_remotemediafile_6553828_0_2023_02_05_08_42_34.jpg Tại di tích Côn Sơn sẽ diễn ra nhiều hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc

Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc mang những giá trị đặc biệt và riêng có, đó là tính linh thiêng, tính nhân văn và tính độc đáo.

Về tính linh thiêng trong lễ hội, đó là nghi lễ khai ấn, lễ tế Đức Thánh. Các nghi thức đã cụ thể hóa từ vị nhân thần linh thiêng là Trần Hưng Đạo, người trực tiếp chỉ huy các trận chiến đấu của quân dân nhà Trần. Ngày nay, 4 ấn thiêng của Đức Thánh Trần đã trở thành công cụ vô cùng quan trọng, tạo dựng niềm tin để nhân dân mong cầu bình an, sát quỷ trừ tà, nhờ bảo trợ, hộ quốc an dân. Linh thiêng còn bởi nghi thức diễn trình từ đối tượng là chủ lễ thực hành nghi thức, dâng tế…

Theo các tài liệu, có 4 loại ấn gồm “Trần Triều Hưng Đạo vương chi ấn”, “Quốc pháp Đại vương”,“Vạn dược linh phù” và “Phi thiên Thần kiếm linh phù”. Bộ ấn là 1 trong 3 pháp khí linh thiêng đã được thờ từ cổ xưa gồm cờ thần, kiếm thần và phù ấn. Trước năm 1945, lễ hội đền Kiếp Bạc hằng năm do các quan trong triều hoặc quan tuần phủ, tri huyện về làm chủ lễ và trực tiếp đóng ấn vào các tấu chương để tế lễ cầu phù hộ cho đất nước thái bình, an lạc, mưa thuận gió hòa…

Lễ hội mùa thu còn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện qua lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu. Nghi thức cầu quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh này bản chất là cầu siêu quân dân nhà Trần, tướng sĩ các triều đại chiến đấu trên sông. Nhưng nhân văn và sâu sắc hơn là trong nghi lễ còn cầu siêu sinh tịnh độ cho cả tướng sĩ nhà Tống, Nguyên Mông đã bỏ mạng trên sông Lục Đầu. Tính nhân văn sâu sắc còn thể hiện ở chỗ vật phẩm, nghi trình, nghi thức chuẩn bị từng bông hoa đăng thả xuống dòng sông. Mỗi bông hoa đăng mang ý nguyện của người còn sống tri ân công lao của các thế hệ đi trước và bày tỏ quyết tâm của thế hệ sau này luôn gắng sức gìn giữ hòa bình thịnh trị của quốc gia dân tộc.

Năm 2006, tỉnh Hải Dương đã phục dựng thành công Lễ hội quân trên sông Lục Đầu. Đây là lễ hội quân duy nhất tại Việt Nam, thể hiện khí phách, một lòng đoàn kết của quân dân Đại Việt trước một kẻ thù hùng mạnh. Vào tháng tám hằng năm, không ai bảo ai, những người làm nghề sông nước liên vùng, liên tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang… dù đang đánh bắt xa bờ cũng gác chèo để hội quân trên sông Lục Đầu – dòng sông linh thiêng và huyền thoại. Các phương tiện được trang trí như những chiến thuyền thuở trước. Ngư dân hóa trang thành binh sĩ với hào khí ngút trời, giáo, gươm sáng rực. Tiếng hò reo khiến dòng sông cuộn sóng. Hào khí Đông A được tái hiện, thể hiện khí phách hiên ngang của quân và dân Đại Việt. Ngư dân liên vùng, liên tỉnh tề tựu về đây còn thể hiện lòng tri ân với Hưng Đạo Đại vương, người mà họ tôn làm ông tổ nghề sông nước.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, đến thời điểm này mọi công tác tổ chức đã hoàn tất cả về nội dung và hình thức, sẵn sàng cho một kỳ lễ hội thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với nhân dân và du khách. Trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc, trong khi tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang chỉ có lễ hội mùa xuân thì Hải Dương có lễ hội mùa thu. Đây là nét riêng có, là dịp để nâng tầm giá trị quần thể di tích và danh thắng trên con đường trở thành di sản sản văn hóa toàn nhân loại.

Nguồn: baohaiduong.vn

Để lại một bình luận