LỄ HỘI ĐÌNH TRẦN XÁ

Đình Trần Xá thuộc thôn Trần Xá, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Trần Xá là mảnh đất được hình thành sớm, với truyền thống lịch sử và văn hoá lâu đời. Thời Lý, Trần Xá có tên gọi Trần Xá trang là vùng đất bồi ven sông Thái Bình và sông Kinh Thầy

Đình Trần Xá thuộc thôn Trần Xá, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Trần Xá là mảnh đất được hình thành sớm, với truyền thống lịch sử và văn hoá lâu đời. Thời Lý, Trần Xá có tên gọi Trần Xá trang là vùng đất bồi ven sông Thái Bình và sông Kinh thầy nên từ rất sớm dân cư đã tụ cư đông đúc lập thành làng mạc với một thiết chế xã hội chặt chẽ. Theo Ngọc phả tại đình Trần Xá cho biết: Đời vua Lý Nhân Tông (niên hiệu Long Phù thứ 3 – 1103), giặc Ai Lao sang xâm chiếm nước ta, nhà vua đích thân dân quân đi đánh giặc. Vua tiến binh đến địa phận trang Trần Xá thì trời đã tối bèn lập đóng quân nghỉ tại đây. Đêm đó vua nằm mơ thấy 3 người mũ áo chỉnh tề, quỳ trước mặt vua tâu rằng: “Chúng thần là ba anh em họ Phạm ở trang này, nay thấy Hoàng đế dẫn quân đi đánh giặc, xin nguyện theo trợ giúp, nhờ hồng phúc của nước nhà nhất định giặc sẽ tan”. Nhà vua tỉnh dậy biết thần báo mộng, sáng hôm sau cho mời các bô lão trong làng vào yết kiến. Được các bô lão kể lại đầu đuôi sự tích ba anh em họ Phạm, nhà vua làm lễ tạ rồi xuất quân đi đánh Ai Lao.

Sau khi chiến thắng trở về, vua sai sứ thần phụng sao sắc chỉ phong tặng phúc thần cho ba anh em họ Phạm. Cho phép trang Trần Xá lập miếu phụng thờ.

Thời Trần, tại Trần Xá loan vụng sông ở phía bắc trang (theo Hán tự “loan” có nghĩa là chỗ nước hõm vào), vào năm 1282 vua tôi nhà Trần đã họp hội nghị vương hầu bách quan bàn kế sách đánh giặc Nguyên Mông lần thứ 2. Về sự kiện này sách “Đại Việt sử ký toàn thư” tập II trang 118 xuất bản năm 1998 ghi rõ: “Mùa đông, tháng 10, vua ngự ra Bình Than, đóng ở vũng Trần Xá, họp các vương hầu trăm quan, bàn về kế sách công thủ và chia đi đóng giữ những nơi hiểm yếu”. Trần Xá Loan chính là vụng Trần Xá ngày nay, đây là nơi hợp lưu của hai sông Thái Bình và sông Kinh Thầy. Ngày nay tại đống Khoai Nợ (xưa gọi là gò Khai Quang) thôn Trần Xá còn 2 cây Ruối cổ dân địa phương vẫn gọi là cọc bọc ngựa, tương truyền đây là nơi buộc ngựa của các tướng lĩnh khi xuống thuyền họp hội nghị Trần Xá Loan. Sau hội nghị và trong suốt thời gian của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2, Trần Xá trở thành nơi tập kết, đồn trú quân lương của nhà Trần.

Sang thời Hậu Lê (thế kỷ 18), Trần Xá thuộc tổng Cao Đôi, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Vào nửa đầu thế kỷ XVIII, do chính sách hà khắc, sự suy yếu của triều đình vua Lê, chúa Trịnh, nhân dân tổng Cao Đôi đứng lên khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ. Cuộc khởi nghĩa thất bại, cả vùng Trần Xá bị triệt hạ, nhân dân ly tán đi các nơi. Đến đời vua Quang Trung (1788- 1792) với chính sách khuyến nông, nhân dân quay về làng cũ sinh sống xây dựng lại làng quê sau một thời gian dân ly tán.

Thời Nguyễn, Trần xá tách thành 2 thôn là Quảng Trạch và Nhân Lý thành lập đơn vị hành chính cấp xã với tên gọi xã Trần Xá, thuộc tổng Cao Đôi, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, Trần Xá chuyển thành một thôn thuộc xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương và ổn định cho đến nay.

Đình Trần Xá thờ ba vị thần thời Lý là Phạm Cẩm, Phạm Lang và Phạm Huy và phối thờ Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Theo các cụ cao niên địa phương kể lại: Đình Trần Xá được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Vị trí của di tích khi đó nằm trên một gò đất cao giữa làng, cách vị trí đình hiện nay trừng 500m về phía tây. Hiện nay, tại di tích còn giữ được tấm bia thời hậu Lê.

Sang thời Nguyễn, do vị trí chật hẹp; phía sau là ao lớn của làng, phía trước là đất thổ cư của dân nên các kiến trúc thời Lê đã bị phá dỡ và di tích được di chuyển đến vị trí đất chùa của làng như hiện nay. Tại vị trí cũ nhân dân vẫn gọi là đống đình. Vào đầu thế kỷ XX, đình Trần Xá được trùng tu lớn. Công việc do hai giáp của thôn đảm nhiệm, ngôi đình khi đó được kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung bề thế uy nghi. Các cấu kiện của công trình được trạm trổ tinh sảo rồng phượng, hoa lá. Năm 1953, ngôi đình bị thực dân pháp phá huỷ. Sau kháng chiến nhân dân đã dựng tạm 3 gian hậu cung để thờ tự. Năm 1999, nhân dân địa phương đóng góp công đức cùng sự hỗ trợ kinh phí của chính quyền địa phương, đình Trần Xá được trùng tu, tôn tạo lại. Hiện nay đình Trần Xá bao gồm các hạng mục chính: Cổng đình, toà đại bái 5 gian 2 chái và 2 gian hậu cung.

          Hàng năm hội đình Trần Xá diễn ra nhiều kỳ đại lễ nhưng quan trọng nhất là hai kỳ lễ: Lễ kỵ nhật: kỷ niệm ngày mất của ba vị thành hoàng làng vào mồng 12 tháng 3 âm lịch và lễ kỷ niệm ngày sinh Phạm Lang, Phạm Cẩm từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 2 âm lịch. Lễ nhật kỵ tổ chức mở cửa đình từ ngày 11 để làm lễ tế, chiều ngày 13 đóng cửa đình, không có các trò chơi dân gian, quy mô lễ hội nhỏ. Lễ kỷ niệm ngày sinh của hai vị thành hoàng Phạm Cẩm và Phạm Lang, được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 2 âm lịch. Hàng năm đến kỳ lễ hội các vị bô lão, kỳ mục, chức dịch trong làng đã họp bàn để chuẩn bị cho công việc này. Việc đầu tiên là bầu ra ban trị sự với 12 thành viên gồm các bô lão, chức dịch và những người có vai vế trong làng và chỉ những người đàn ông mới được tham gia. Ban tổ chức đã bầu ra một người đứng đầu gọi là ông cai đám hay “Ông thượng” có trọng trách toàn quyền quyết đoán, tổ chức các hoạt động trong lễ hội. Sau khi ban tổ chức họp bàn xong, các đầu việc được giao tới các giáp và các thành viên cụ thể. Hai giáp đông và giáp tây phải trực tiếp lo sắm lễ phẩm chuẩn bị cho hội. Trong các công việc trên, việc chuẩn bị lễ phẩm, lễ tế và lễ rước của làng là quan trọng nhất, kế đó là việc tổ chức các trò chơi trong lễ hội…

Theo lệ xưa quy định lễ phẩm dâng tế của làng gồm lễ chay, lễ mặn quy định như sau:

Ngày sinh của hai ông em (lễ hội chính): 13 tháng 2 lễ cúng gồm 3 con lợn một mầu lông, 3 bàn xôi đỏ, 7 quả trứng, muối tinh và các mâm ngũ quả… rước tế xong ca hát 3 ngày.

Ngày sinh của ông anh: 22 tháng 4 lễ cúng như trên

Ngày hoá của ba ông ngày 12 tháng 3 lễ cúng gồm 3 con lợn một mầu lông, 3 bàn xôi đỏ, 7 quả trứng, muối tinh và các mâm ngũ quả…Ngày này quy định cấm ca hát.

Trong lễ hội đình Trần Xá tế lễ và lễ rước là 2 nghi lễ quan trọng nhất năm nào cũng được tổ chức. Lễ rước được tiến hành vào 2 buổi. Lễ rước ngày 12 tháng 2 làng tiến hành rước về tế nhập tịch xin mở hội. Ngày 13 diễn ra lễ rước tứ bàng do bốn làng đồng tổ chức rước giao hiếu.

Lễ rước ngày 12 tháng 2: Đây là lễ rước quan trọng nhất, công việc chuẩn bị cho lễ rước sẽ được tổng duyệt vào buổi trước hôm lễ rước diễn ra. Các chân khiêng long kiệu, long đình, cầm tán tàu cờ quạt, bát bửu đã được cắt cử rõ ràng. Chỉ những nam thanh, nữ tú đồng trinh mới được vào các chân khiêng này. Chiều hôm trước cờ hoa đã được trang hoàng đầy đủ tại đình và dọc theo tuyến rước. Dân làng mang long đình, cờ quạt, bát bửu chiêng, trống đến nhà ông Lý Trưởng rước sắc của các vị thành hoàng ra đình để chuẩn bị cho lễ rước sáng hôm sau. Sáng sớm ngày 12 dân làng đủ các thành phần kéo ra đình dự lễ. Theo quy định, các vị trí đã được phân công sẵn, đúng 6 giờ sáng, lễ rước được cử hành: Rước từ đình ra đống Mả Giao xin phép thần linh rồi rước trả lại đình làm lễ tế nhập tịch xin mở hội. Sở dĩ hành trình lễ rước như vậy vì các vị thành hoàng thờ tại đình đều hoá cùng ngày tại đống Mả Giao là nơi giáp danh giữa khu thượng và khu hạ trang Trần Xá xưa. Lễ rước cổ truyền tại Trần Xá được tổ chức với quy mô lớn. Từ sáng sớm các ngả đường đã chật cứng người, tiếng nhạc, chiêng trống rộn rã. Đi đầu đoàn rước là đội múa lân. Sau đó là tám lá cờ bát quái. Tiếp theo là đôi cờ tuyết mao, năm lá cờ ngũ hành. Kế đến 4 lá cờ tứ linh tương trương cho sự giao kết, hoà hợp giữa âm dương, trời đất, sự kiểm soát tâm linh người đi rước bằng hình ảnh các linh vật long, lân, quy, phượng. Đi sau là ban nhạc lễ gồm trống, chiêng. Tám người trong phường bát âm đi sau trống chiêng chia làm hai hàng điều khiển các nhạc cụ, vừa đi vừa cử những bản nhạc vui như: Kim tiền, Lưu thuỷ… Sau đó là hàng bát bửu do tám cô gái trẻ mặc áo nậu đỏ, quần trắng đầu chít khăn mang. Đứng trước hàng bát bửu là hai biển Tĩnh túc (tức trang nghiêm, kính cẩn) và Hồi tỵ (tức tránh xa đoàn rước). Đi sau bát bửu là hàng chấp kích do tám chàng trai trẻ mặc áo nậu đỏ, quần trắng đầu chít khăn mang. Kế đến là phường đồng văn, sau là long đình. Long đình đặt bát hương và hòm sắc vua ban cho các vị thành hoàng, sắc của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Hai bên long đình có tàn, quạt, lọng, cờ vải che kín rất tôn nghiêm. Sau long đình là đội nghi lễ gồm chấp kích, bát bửu rồi đến long kiệu đều được trang trí vải đỏ lộng lẫy. Hai Long kiệu đặt hương hoa và chiếc mũ quan tượng trương cho thần thánh ngự trị. Sau long kiệu là các bô lão, quan viên, chức dịch và dân bản trong làng và đoàn người tứ xứ với trang phục sặc sỡ. Như vậy lễ rước hội đình Trần Xá là rước sắc và rước thần. Đứng xa trông đoàn rước như một con rồng đang chuyển mình. Đặc sắc nhất phải kể đến tiết mục “Kiệu bay” với lối múa tạt ngang, tạt dọc, thoắt tới thoắt lui, chạy ào ào như bão tố, quay vòng như cơn lốc hết sức thú vị, hết thảy mọi người đứng xem chật lối chật đường cũng phải dạt ra khi kiệu bay tới. Không khí của buổi rước thật nô nức náo nhiệt trong tiếng nhạc, tiếng chiêng trống rộn rã. Ai cũng hả hê vui nhộn. Khi đoàn rước về tới sân đình, đội hình được tập kết trước sân. Dân làng rước lễ và văn chúc vào đình rồi tiến hành tế nhập tịch xin khai mở hội, lễ rước kết thúc.

Lễ rước tứ bàng ngày 13 tháng 2:Trong lễ hội tại Trần Xá thường diễn ra lễ rước tứ bàng (còn gọi là rước giao hiếu). Đây là nghi lễ đặc biệt ít nơi có được. Sở dĩ có tên gọi này là do 4 làng (Trần xá, Quảng Tân, Linh Xá, Đột Lĩnh) của tổng Cao Đôi, huyện Chí Linh xưa liên kết với nhau đồng tổ chức rước giao hiếu. Theo quy ước mỗi năm tổ chức rước một lần luân phiên về các làng vào dịp lễ hội chính. Khi đến phiên của làng nào thì làng đó đứng ra đăng cai tổ chức. Như vậy, cứ 4 năm trong kỳ lễ hội, Trần Xá lại đứng ra đăng cai đại lễ rước tứ bàng của bốn làng. Với tâm thức hướng về cội nguồn, lễ rước tứ bàng của 4 làng của tổng Cao Đôi được tổ chức trên tinh thần cộng đồng với việc ứng xử giao tiếp giữa các làng, ý thức về gìn giữ phát triển các giá trị văn hoá cộng đồng. Vào ngày trọng hội các làng rước Thánh, các vị Thành Hoàng làng lễ tại đình làng mình rồi rước tới đình làng đăng cai lễ hội năm đó. Cách sắp xếp đội hình, vị trí từng làng đã được qui định trước. Khi rước tới đình làng chủ hội các làng tập trung làm lễ tế thành hoàng. Đây là nghi lễ chung của cả tổng. Đôi tế do các làng đồng cử các thành viên tham gia. Chủ tế và đội tế cũng phải được lựa chọn kỹ càng, khắt khe. Văn chúc phải soạn thảo nội dung nêu rõ được năm tháng, địa danh, tên, công đức các vị Thánh, thành hoàng của từng làng và chuyển lời cầu xin tới thánh thần, mong các Ngài ban phúc lành cho dân, cầu cho mưa gió thuận hoà, mùa màng bội thu… tới chiều thì lại rước Thánh làng nào về làng ấy. Theo thường kỳ cứ vào năm Trần Xá đứng ra đang cai thì lễ rước của làng cũng được chuẩn bị chu đáo. Quy trình lễ rước cũng được tiến hành trang nghiêm theo đúng quy định. Lễ rước cũng tiến hành rước từ đình ra đống Mả Giao rồi rước trở lại tập kết với bốn làng trước sân đình cùng làm lễ tế. Lễ rước tứ bàng khác chỉ có long đình và một long kiệu. Long đình đặt bát hương và kiệu bài vị các thành hoàng. Trong tâm thức của người dân thì lễ rước tứ bàng của 4 làng được tổ chức nhằm mục đích để các vị thành hoàng, các thánh của 4 làng được gặp gỡ hàn huyên với nhau. Vì theo truyền thuyết và các Thần phả, Sắc phong còn lại tại các di tích cho biết các vị Thánh, các vị Thành Hoàng của 4 làng đều là những linh thần, những anh hùng dân tộc, có công đánh đuổi giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi nên khi dân làng tổ chức lễ hội cũng là dịp để tưởng nhớ công ơn các vị tiền bối. Đây là hoạt động văn hoá dân gian hết sức độc đáo, nó không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn thể hiện rõ tinh thần của cộng đồng làng xã.

Sau lễ rước diễn ra lễ tế. Đây là một nghi lễ rất quan trọng. Đội tế được thành lập gồm từ 15 đến 17 thành viên. Theo lệ xưa, trước kỳ hội diễn ra, đội tế đ­ược duyệt lại thành viên, hoặc bổ sung thành viên mới. Đội gồm các chức danh: 1 mạnh bái là ngư­ời đứng đầu đội tế, đứng chấp bái mang trọng trách tế thần. 4 bồi tế là những ng­ười có phận sự giúp chủ tế trong quá trình hành lễ. 1 đông xướng và 1 tây xư­ớng đứng đối xứng hai bên hương án, đông xướng đứng bên phải, tây x­ướng đứng bên trái, chịu trách nhiệm xướng trong khi hành lễ. 2 nội tán đứng hai bên chủ tế, phụ giúp chủ tế khi hành lễ. Các quan viên chấp sự đứng ở hai bên hương án phụ giúp chủ tế như­ dâng hương, dâng r­ượu và chuyển chúc, đọc chúc. Trong các chấp sự này đ­ược cử ra một người có nhiệm vụ độc chúc, hoá chúc khi tiến hành lễ. Thành viên đội tế đều phải mặc trang phục tế khi bước vào khoá tế. Theo truyền thống, chủ tế mặc áo lương bên trong màu trắng bên ngoài màu tím, đội mũ tím hoặc đen, quần trắng đi hia đen hoặc đỏ. Bồi tế trang phục như­ chủ tế, các quan viên mặc quần áo tế màu tím hoặc đen. Văn chúc th­ường do ngư­ời giỏi văn ch­ương chữ nghĩa soạn bằng hán tự. Người này phải có chân trong hội tư văn, được dân làng cử để tả văn. Nội dung văn tế th­ường nêu rõ công trạng và ca ngợi công đức cao dầy của vị Thành Hoàng và chuyển lời cầu xin của làng xã tới các Ngài.

Nội dung tế lễ chia làm bốn phần:

Thứ nhất là lễ nghênh thần, chủ tế phải làm bốn lễ.

Thứ hai là hiến lễ lên thần linh, lễ dâng ban lần, gọi là sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ, mỗi lần chủ tế và bồi tế phải quỳ để hiến lễ, mỗi lần phải lễ hai lễ, tổng cộng là 6 lễ.

Sau hiến lễ là đọc chúc văn và lễ tất. Lễ tất chủ tế phải lễ bốn lễ.

Nhìn chung cả ba khoá tế (nhập tịch, chính kỵ, tế tạ) được tiến hành giống nhau chỉ khác về phần chúc văn. Như Văn tế nhập tịch ngày 12 tháng 02, ngoài phần ghi rõ ngày, tháng, năm thì nội dung thường nêu rõ lý do, mục đích xin khai mở hội. Văn tế chính hội, thường nêu rõ công trạng các Ngài, mong ngài ban phát tài lộc tới muôn dân, mong cho sức khoẻ bình an tới muôn họ, cho quốc thái dân an. Văn tế giã đám (tế tạ) thì báo cáo thần linh kỳ lễ hội đã thành công và xin kết thúc hội. Nội dung một khóa tế thực hiện đầy đủ 54 bước xướng với một tuần dâng hương, ba tuần dâng rượu, đọc chúc văn và lễ tất… Trong suốt khóa tế trống nhạc tế được cử hành đều đặn theo từng nhịp xướng. Khóa tế được diễn ra trang nghiêm kính cẩn. Sau khi khoá lễ kết thúc dân làng và khách phập phương vào lễ bái mong cầu các vị thành hoàng ban phát phúc lộc, sức khoẻ. Sau buổi đại tế, người ta coi là thần linh luôn có mặt ở đình. Từ hôm mở hội, các chức sắc và bô lão phải chia nhau túc trực tại đình cho đến khi hết hội.

Ngoài ra vào những năm hạn hán, úng lụt, vào ngày 15 tháng 2 âm lịch, 9 làng của tổng Cao Đôi tiến hành rước lễ đến đình Trần Xá tập trung làm lễ tế cầu đảo. Khoá tế thường do hương lý tổ chức. Các thành viên của các làng cắt cử các thành viên của mình tham dự. Đây là điều đặc biệt tại Trần Xá. Trong khoá tế văn tế nêu rõ lời cầu xin của muôn dân tới các Ngài cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Một nghi lễ mang tính phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước.

          Trong lễ hội ngoài các nghi lễ tâm linh được tổ chức rất trang nghiêm, tôn kính thì hoạt động hội, các trò chơi dân gian cũng được tổ chức. Trong lễ hội một số các trò chơi thường xuyên được tổ chức như: cờ người, đi cầu thùm, tam cúc điếm, chọi gà, đấu vật, bắt vịt…ngoài ra còn tổ chức một số hoạt động văn nghệ như hát trống quân, hát đúm…

Lễ hội truyền thống đình Trần Xá là một lễ hội dân gian khá tiêu biểu trên đất Hải Dương. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng, có tác dụng gắn bó cộng đồng dân cư với quê hương, đất nước. Không khí lễ hội thật tưng bừng trong lễ rước, thật thiêng liêng khi tế lễ, thật vui tươi khi chơi hội. Lễ hội đình Trần Xá đã mang đầy đủ những giá trị truyền thống văn hoá được thể hiện rõ trong toàn bộ tiến trình của lễ hội. Thông qua các nghi lễ, các trò chơi dân gian nhiều hoạt động thông thường đã được nghệ thuật hoá, nghi thức hóa và mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc, đó là tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

 Nguyễn Văn Cường

Để lại một bình luận