Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày “Di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương” |
Đây là một hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa nổi bật toàn cầu của khu di tích trong quá trình tỉnh Hải Dương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang trình UNESCO công nhận Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới tại Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2024.
Nội dung trưng bày gồm 2 chủ đề chính: Hải Dương trong quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận Di sản thế giới và Cổ vật tiêu biểu thời Trần và những phát hiện khảo cổ học thế kỷ XIII-XIV.
Trưng bày sẽ giới thiệu gần 200 đơn vị tài liệu, hình ảnh, hiện vật được nghiên cứu lựa chọn, sắp xếp khoa học, trưng bày giới thiệu khái quát về các di tích lịch sử văn hóa, địa điểm phát hiện và khai quật khảo cổ học, các cổ vật, hiện vật tiêu biểu thời Trần trên đất Hải Dương; giúp Nhân dân và khách tham quan hiểu hơn về mảnh đất và con người địa phương, về những di sản văn hóa tiêu biểu thời Trần đang còn hiện hữu. Các hiện vật được trưng bày còn khẳng định vị thế quan trọng của vùng đất Xứ Đông xưa – Hải Dương nay trong tiến trình lịch sử dân tộc…
Trưng bày diễn ra từ ngày 18 đến hết ngày 22/9.
Phát biểu khai mạc trưng bày, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, Hải Dương là vùng đất có bề dầy lịch sử và văn hiến, nơi hội tụ, nuôi dưỡng và tỏa sáng của nhiều danh nhân văn hóa lớn mà tầm ảnh hưởng tỏa rạng suốt lịch sử nước Việt.
Trải qua thời gian, đến nay Hải Dương vẫn bảo tồn, lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc với 3.199 di tích lịch sử, văn hóa, hơn 800 lễ hội truyền thống, hàng trăm nghề cổ truyền… Đặc biệt, với 129 di tích và 26 địa điểm phát hiện và khai quật khảo cổ học liên quan đến thời Trần – Di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương đã trở thành một bộ phận quan trọng cấu thành nên bản sắc văn hóa Xứ Đông xưa và Hải Dương ngày nay. Các giá trị di sản văn hóa này đã và đang được các thế hệ người Hải Dương trân trọng, gìn giữ, phát huy hiệu quả trong cuộc sống đương đại.