Trưa 6.2 (ngày 16 tháng giêng), Ban Tổ chức Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ X trong khuôn khổ Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc tổng kết và trao giải.
Ông Nguyễn Trường Thắng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Tổ chức liên hoan pháo đất giới thiệu với đoàn khách TP Suwon (Hàn Quốc) về trò chơi dân gian pháo đất của Hải Dương
Ở giải tập thể nội dung pháo đại, đội pháo xã Nghĩa An (Ninh Giang) vô địch với tổng số thành tích 527,2 thước; giải nhì và giải ba lần lượt thuộc về đội pháo 2 xã của huyện Tứ Kỳ, gồm: Quang Khải (515,2 thước), Minh Đức (407,7 thước). Nội dung pháo tiểu, đội pháo xã Đức Xương (Gia Lộc) vô địch với 423,9 thước; giải nhì, giải ba thuộc về đội pháo các xã Đại Hợp (Tứ Kỳ) 411,9 thước, Tân Quang (Ninh Giang) 285,6 thước.
Các pháo thủ nặn pháo chuẩn bị bước vào thi đấu
Tại giải cá nhân, pháo thủ có dây dài nhất thuộc về anh Phạm Văn Đông, đội pháo xã Nghĩa An (Ninh Giang) với tổng số 26,5 thước; 2 pháo thủ của các xã Tân Kỳ, Quang Khải (Tứ Kỳ) giành giải nhì, ba, lần lượt với 26,4 và 26,1 thước.
Pháo đất là trò chơi dân gian có từ lâu đời ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hải Dương. Trò chơi được bảo lưu và trao truyền qua nhiều thế hệ tại nhiều xã của các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc.
Pháo thủ xã Đại Hợp (Tứ Kỳ) thi đấu nội dung cá nhân
Lịch sử trò chơi pháo đất có nhiều nguồn tư liệu khác nhau, nhưng có 2 truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi. Đó là nhân dân ném đất xuống khúc sông Hóa (tiếp giáp với Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình) để cứu voi chiến của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn trong trận đánh năm 1288. Từ đó, khi nông nhàn, nhân dân thường tụ tập diễn lại cảnh này và dần hình thành trò chơi pháo đất. Truyền thuyết thứ hai kể rằng, pháo đất có từ thời Hai Bà Trưng, khi nữ tướng Lê Chân dùng pháo đất với mục đích nghi binh để đánh giặc Đông Hán.
Cháu Hà Công Vịnh, 5 tuổi, ở xã Tân Hương (Ninh Giang) gieo pháo tiểu biểu diễn
Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ 10 không chỉ là sân chơi rèn luyện sức khỏe, mà còn thể hiện sự kế thừa, phát huy di sản văn hóa của thế hệ cha ông ta để lại.
Pháo thủ Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã, thành viên đội pháo xã Tân Hương (Ninh Giang) cho biết chơi pháo đất từ năm 10 tuổi và đã nhiều lần tham dự liên hoan tại Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc. Ngoài các lễ hội trong tỉnh, đội pháo xã Tân Hương còn nhiều lần giao lưu tại Thái Bình. Tại xã Tân Hương, phong trào chơi pháo đất rất phát triển và thường chơi vào tháng 8, tháng 9 âm lịch. Có những cụ già 85 tuổi vẫn gieo pháo. Trong thời gian nghỉ hết hiệp 1, cháu Hà Công Vịnh, 5 tuổi, ở xã Tân Hương (Ninh Giang) đã gieo pháo tiểu biểu diễn và đạt thành tích cao. Bố cháu Vịnh là anh Hà Văn Quang cũng trong đội pháo thủ của xã đang thi đấu.
Pháo thủ Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã, thành viên đội pháo xã Tân Hương (Ninh Giang) cho biết chơi pháo đất từ năm 10 tuổi và đã nhiều lần tham dự liên hoan tại Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc. Ngoài các lễ hội trong tỉnh, đội pháo xã Tân Hương còn nhiều lần giao lưu tại Thái Bình. Tại xã Tân Hương, phong trào chơi pháo đất rất phát triển và thường chơi vào tháng 8, tháng 9 âm lịch. Có những cụ già 85 tuổi vẫn gieo pháo. Trong thời gian nghỉ hết hiệp 1, cháu Hà Công Vịnh, 5 tuổi, ở xã Tân Hương (Ninh Giang) đã gieo pháo tiểu biểu diễn và đạt thành tích cao. Bố cháu Vịnh là anh Hà Văn Quang cũng trong đội pháo thủ của xã đang thi đấu.
Các đội thi nhận được sự cổ vũ từ đông đảo khán giả
Để chuẩn bị cho liên hoan này, do chất đất tại xã Tân Hương không phù hợp nên đội pháo của xã phải đi mua đất từ nơi khác với giá 300.000 đồng/quả.
Tại liên hoan lần này, cụ Bùi Xuân Thắm, 75 tuổi ở thôn Thọ Sơn, xã Tân Quang (Ninh Giang) làm nhiệm vụ gõ thanh la cổ vũ đội nhà. Cụ Thắm cho biết từng chơi pháo đất từ thời trẻ. Đất dùng chơi pháo là loại đất thịt lẫn phù sa. Khi lấy về, đất trải qua nhiều công đoạn “chế biến”. Đất được thái nhỏ, cho vào cối dùng vồ đập đất giã nhuyễn, pha nước nhào nặn, cán mỏng. Đất có thể dùng lại nhiều lần.
Tại liên hoan lần này, cụ Bùi Xuân Thắm, 75 tuổi ở thôn Thọ Sơn, xã Tân Quang (Ninh Giang) làm nhiệm vụ gõ thanh la cổ vũ đội nhà. Cụ Thắm cho biết từng chơi pháo đất từ thời trẻ. Đất dùng chơi pháo là loại đất thịt lẫn phù sa. Khi lấy về, đất trải qua nhiều công đoạn “chế biến”. Đất được thái nhỏ, cho vào cối dùng vồ đập đất giã nhuyễn, pha nước nhào nặn, cán mỏng. Đất có thể dùng lại nhiều lần.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Trường Thắng
trao giải nhất pháo đại và pháo tiểu cho đội pháo xã Nghĩa An (Ninh Giang) và Đức Xương (Gia Lộc)
Liên hoan pháo đất lần thứ X được tổ chức sáng 6.2, với sự có mặt của 210 pháo thủ các đội: Quang Khải, Minh Đức, Đại Hợp (Tứ Kỳ); Nghĩa An, Tân Hương, Tân Quang (Ninh Giang) và Đức Xương (Gia Lộc). Điều hành giải có 28 trọng tài. Mỗi đội thi đấu 3 dây pháo, mỗi dây chỉ được gieo 25 pháo/25 pháo thủ, trong thời gian 45 phút.
Ban Tổ chức trao giấy khen cho 7 đội pháo đất tham dự liên hoan
Chiều cùng ngày sẽ diễn ra Giải vô địch vật dân tộc tỉnh Hải Dương mở rộng, tại khu di tích Côn Sơn. Giải sẽ được livestream trên Fanpage Báo Hải Dương.
Nguồn: https://baohaiduong.vn