Sơ đồ tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc thờ anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; thời Trần thuộc Hương Vạn Kiếp, Lộ Lạng Giang; thời Lê, Nguyễn thuộc trấn Kinh Bắc (nay thuộc Hưng Đạo, Chí Linh, Hải Dương).
Trần Quốc Tuấn là con của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh), quê làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường thời Trần (nay thuộc Tức Mặc, Lộc Vượng, Nam Định). Trần Quốc Tuấn sinh năm Mậu Tý (1228). Từ nhỏ, ông có tư chất hơn người, thông minh tài trí, lại được rèn luyện giáo dục toàn diện sớm trở thành một trang tuấn kiệt “võ công, văn trị”; Ông có công lao to lớn trong 3 cuộc kháng chiến chống đế quốc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII của vương triều nhà Trần.
Vạn Kiếp là đầu mối huyết mạch giao thông thuỷ, bộ trấn giữ cửa ngõ phía Đông kinh thành Thăng Long. Nơi đây, trời bày, đất dựng, vị trí đắc địa về phong thuỷ, hình thế hiểm yếu về quân sự, có tứ linh quần tụ, chung đúc khí thiêng, địa linh nhân kiệt, danh sơn huyền thoại… Sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo đã chọn Vạn Kiếp lập đại bản doanh; xây dựng phòng tuyến quân sự vùng đông bắc, kéo dài từ biên giới Lạng Sơn qua ải Chi Lăng, Nội Bàng theo sông Lục Nam, qua Lục Đầu Giang, Bạch Đằng ra biển Đông… trong đó, căn cứ địa Vạn Kiếp là trung tâm chỉ huy. Đây là trận đồ “thuỷ bộ hợp thành, tiến thế công, thoái thế thủ” để chống quân xâm lược Nguyên Mông.
Hệ thống căn cứ quân sự Vạn Kiếp được xây dựng với nhiều phân khu chức năng khác nhau: Hố Thóc, Hang Tiền, Hành Cung, Sông Vang, Xưởng Thuyền, Lò Gốm, Hố Dầu, Cửa Khâu, Hố Máng Nước, Ao Cháo, Núi thuốc (Dược Sơn), Trại Lính, Trung Quê… Tại căn cứ địa Vạn Kiếp, Hưng Đạo Vương đã viết những trước tác bất hủ như: “Vạn Kiếp Tông bí truyền thư”; “Hịch Tướng sĩ văn”, định ra đường lối quân sự chiến lược, sách lược… khích lệ tinh thần “Sát Thát” của quân dân Đại Việt.
Đền Kiếp Bạc năm 1895
Tháng 6 năm 1285, tại đây Hưng Đạo Vương đã tập hợp 20 vạn quân, hơn 1000 thuyền chiến đánh trận Vạn Kiếp, tiêu diệt hơn 20 vạn quân Nguyên Mông, kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ 2 một cách nhanh gọn. Tháng 3 năm 1288, từ căn cứ Vạn Kiếp, Hưng Đạo Vương cùng vua Trần Nhân Tông, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông tổ chức phản công, đánh trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng, tiêu diệt 30 vạn quân giặc. Toàn bộ tướng chỉ huy quân Nguyên Mông gồm: Thoát Hoan, Ô Mã Nhi, Trịnh Bằng Phi, Phàn Tiếp… bị tiêu diệt, bắt sống. Trận Bạch Đằng lịch sử đã kết thúc thắng lợi 3 lần kháng chiến chống đế quốc Nguyên Mông vĩ đại của dân tộc.
Đất nước thanh bình, Trần Hưng Đạo cùng gia quyến về sống tại phủ đệ Vạn Kiếp. Vua Trần cho lập Đền thờ ngay từ khi Ngài còn sống gọi là “Sinh Từ”; Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông đích thân soạn văn bia ca ngợi công đức Hưng Đạo Vương gọi là “Sinh Bi”. Lúc Ngài lâm bệnh sắp qua đời, vua Trần Anh Tông về thăm và hỏi kế sách giữ nước, Hưng Đạo Vương trả lời: “Giặc cậy trường trận, ta dùng đoản binh, lấy đoản chế trường là việc thường trong binh pháp. Nếu quân giặc kéo đến ồ ạt như lửa cháy gió thổi, thì dễ bề chế ngự. Nhược bằng chúng kéo đến chậm, dần dà như tằm ăn lá, không lấy của dân, không cần thắng chóng thì giặc đó mới là khó trị; phải dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến như đánh cờ vậy tùy thời mà làm, có được đạo quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, phải khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc, đó mới là thượng sách giữ nước”. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).
Ngày 20 tháng 8 năm Hưng Long thứ 8 (1300), Hưng Đạo Đại Vương qua đời tại tư dinh Vạn Kiếp. Sau khi mất Ngài được Triều đình phong tặng: “Thái Sư Thượng Phụ, Thượng Quốc Công, Bình Bắc Đại Nguyên Suý, Vĩ Liệt Hồng Huân Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương”. Vua Trần sắc chỉ cho nhân dân Vạn Kiếp lập đền thờ tại thái ấp của Người, nay là Đền Kiếp Bạc.
Nền móng phủ đệ của Hưng Đạo Đại Vương thời Trần – Khai quật Khảo cổ học năm 1972
Vạn Kiếp là nơi hội tụ của 2 long mạch lớn. Phía Đông bắc, vòng cung Yên Tử tụ mạch về đột khởi thành núi Rồng; Phía Tây bắc mạch núi Nham Biền (từ vòng cung Bắc Sơn) còn gọi là dãy núi Neo gồm 100 ngọn, tựa như 100 con Phượng Hoàng “bay” về Vạn Kiếp; 99 con chim phượng ở lại bên hữu ngạn sông Lục Đầu thuộc đất Bắc Giang; Con Phượng Hoàng đầu đàn thứ 100 bay sang tả ngạn sông Lục Đầu là núi Phượng Sơn chầu về đền Kiếp Bạc. Trước cửa đền Kiếp Bạc, sông Lục Đầu uốn khúc hình chữ Ất, tựa như cung “Thái Ất Kim Tinh”, nước sông chia làm hai dòng, dòng trong, dòng đục như sự hoà hợp của âm dương vậy!
Toàn cảnh đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc ở trung tâm thung lũng Vạn Kiếp, nhìn ra sông Lục Đầu – nơi tụ thuỷ, tụ phúc; Lấy núi Trâu Sơn làm tiền án; núi Trán Rồng làm hậu chẩm. Long mạch toả ra từ đỉnh núi Rồng kéo xuống thành tay long – núi Nam Tào, tay hổ – núi Bắc Đẩu, tạo thế tay ngai đăng đối âm dương. Xét về ngũ hành, đền Kiếp Bạc là trung tâm – Tượng thổ; hậu chẩm núi Trán Rồng – Tượng Mộc; Sông Lục Đầu – Tượng Kim; Tả Thanh Long núi Nam Tào – Tượng hoả; hữu Bạch Hổ núi Bắc Đẩu – Tượng Thuỷ. Theo thuyết phong thuỷ đây là thế đất Đế Vương, có đủ ngũ hành, tứ linh quần tụ, âm dương đối đãi. Sách “Cao Biển Di Cảo” viết về thế đất Vạn Kiếp như sau: “Đất Chí Linh núi sông kỳ hình, kỳ dạng, mạch có long bàn, hổ cứ; khí có âm dương. Tả có núi cao, hữu có sông rộng. Dòng chảy chia 9 khúc; Thiên Binh ngàn Tướng bày trận; vạn Thần đều chầu bái, bách Quan hướng tiền nghinh. Nếu chăm đất này tốt, quốc gia hưng thịnh mãi trường tồn”.
Đền Kiếp Bạc ở trung tâm, bên tả là chùa Nam Tào, bên hữu chùa Bắc Đẩu. Hệ thống các công trình kiến trúc ở đền Kiếp Bạc được xây dựng tuân thủ theo nguyên tắc âm dương, ngũ hành bao gồm các hạng mục: cổng tứ trụ, đường thần đạo, Thủy Đình, Nghi môn, Tả hữu thành các, giếng Mắt Rồng, Tả hữu giải vũ, nhà Bạc, Đền chính…
Nghi môn đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc hiện nay mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn, theo lối thức “tiền nhất hậu đinh”, gồm 3 toà: Tiền tế, Trung từ, Hậu cung. Toà Tiền tế thờ Công Đồng bách Quan; toà Trung từ thờ Vệ Suý Điện Tiền Tướng Quân Phạm Ngũ Lão, hai bên tả, hữu thờ gia tướng Yết Kiêu và Dã Tượng. Tòa Hậu cung, cung ngoài thờ Trần Hưng Đạo Đại Vương và tứ vị Vương Tử là 4 con trai Đức Thánh Trần gồm: Hưng Vũ vương, Hưng Hiến Vương, Hưng Nhượng Vương, Hưng Trí Vương. Cung trong thờ gia tiên; thờ Đức Quốc Mẫu Thiên Thành Thái Trưởng Công Chúa – Phu nhân Đức Thánh Trần; bên tả là ban thờ Vương Cô Đệ Nhất Quyên Thanh Công Chúa – phu nhân Đức vua Trần Nhân Tông; bên hữu thờ Vương Cô Đệ Nhị Nữ Đại Hoàng Anh Nguyên Quận Chúa – phu nhân tướng quân Phạm Ngũ Lão.
Hồ sen Kiếp Bạc
Theo văn bia và sử cũ còn ghi năm 1427, kháng chiến chống quân Minh thắng lợi vua Lê Thái Tổ đã cử quan Bộ lễ là Dương Thái Nhất sửa đền thờ Hưng Đạo Vương, cấm không được chặt cây cối ở các đền miếu. Dưới triều Nguyễn, đền Kiếp Bạc được trùng tu tôn tạo lớn ở các năm 1847; 1879; 1895; 1906; 1916; 1919; 1920; 1938…Trong kháng chiến chống Pháp, đền Kiếp Bạc bị tàn phá, các công trình kiến trúc nguy nga, lộng lẫy không còn, chỉ còn lại toà Hậu cung, Tiền bái và Nghi môn. Các công trình kiến trúc hiện nay được Nhà nước trùng tu tôn tạo từ năm 1962 đến nay.
Hơn 7 thế kỷ qua, trong tâm thức người dân Việt, Trần Hưng Đạo Đại Vương là Thanh Tiên Đồng Tử giáng trần để giúp dân diệt trừ giặc ngoại xâm. Sau khi hoá Ngài là Cửu Thiên Vũ Đế, trông coi 3 cõi Thiên Phủ (thượng giới), Trần Gian (trung giới), Âm Phủ (hạ giới) diệt trừ yêu ma, tà đạo… để giúp nước hộ dân.
Hàng năm, lễ hội đền Kiếp Bạc diễn ra từ ngày 15-20 tháng 8 âm lịch, tưởng niệm ngày hóa của Đức Thánh Trần, nhân dân cả nước về trẩy hội đền Kiếp Bạc. “Tháng 8 giỗ Cha” đã trở thành Quốc lễ, đi vào tâm thức thiêng liêng của dân tộc.
Hội quân trên sông Lục Đầu
Lễ cầu an và hội hoa đăng đền Kiếp Bạc
Liên hoan diễn xướng hầu thánh đền Kiếp Bạc
Lễ hội truyền thống đền Kiếp Bạc bảo lưu, trình diễn nhiều hình thái văn hóa phi vật thể đặc sắc như: Lễ rước bộ, lễ tế, lễ dâng hương tưởng niệm, diễn xướng Hội quân, lễ cầu an – hội hoa đăng trên sông Lục Đầu, lễ khai ấn và ban ấn… Ngoài ra, còn có nhiều nghi lễ dân gian như: hầu Thánh, cầu duyên, cầu tự, bắt ma, trừ tà, chữa bệnh vô sinh tục gọi là “bệnh Phạm Nhan”…
Hội đền Kiếp Bạc có nhiều trò chơi như: nhảy phỗng, bắt vịt, đua thuyền, đấu vật… thể hiện tinh thần thượng võ để kính cáo với Đức Thánh, biểu dương tài năng, sức mạnh của quân dân Đại Việt sẵn sàng bảo vệ tổ quốc; cầu phúc, cầu mùa, cầu quốc thái dân an. Năm 2012, lễ hội Kiếp Bạc được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Biểu diễn múa rối nước đền Kiếp Bạc
Hội thi bắt vịt
Với những giá trị nổi bật, khu di tích Kiếp Bạc được lựa chọn đưa vào hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc đang trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đây là vận hội lớn để bảo tổn, phát huy giá trị khu di tích, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh và khu vực.
Hãy đến với Kiếp Bạc để khám phá, thưởng thức, chiêm ngưỡng vẻ đẹp uy linh của một vùng non nước xứ Đông kỳ vĩ.
Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc