CÔN SƠN – NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA VƯỢT THỜI GIAN

Không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp tươi mát, u tịch của núi rừng, Côn Sơn còn mang trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử có sức sống vượt thời gian. Nơi đây là một trong những trung tâm Phật giáo, gắn với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm và tên tuổi của ba vị tổ là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang.

conson3.jpg

Đất Phật

conson5.jpg
Chùa Côn Sơn

Khu di tích Côn Sơn có diện tích khoảng 413 ha, nằm trên địa bàn phường Cộng Hòa (Chí Linh) với các điểm di tích như: Chùa Côn Sơn, Bàn Cờ Tiên, Giếng Ngọc, Đền thờ Nguyễn Trãi, Ngũ Nhạc linh từ, Đền Thanh Hư, suối Côn Sơn, cầu Thấu Ngọc… Trong đó, chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, tục gọi là chùa Hun là di tích quan trọng.

conson12.jpg

Vào cuối thế kỷ XIII, trên cơ sở tiếp thu tư tưởng của các giáo phái đương thời, vua Trần Nhân Tông đã sáng lập dòng Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt. Ngay từ khi thành lập tông phái, đệ nhất tổ Trần Nhân Tông đã chọn Côn Sơn xây dựng liêu Kỳ Lân làm nơi hành đạo, giáo độ tăng đồ, đặt nền móng cho sự phát triển của dòng Phật giáo Trúc Lâm. Năm 1305, tại tăng viện Kỳ Lân, Trần Nhân Tông đã đích thân truyền giới Thanh văn và Bồ Tát cho Đồng Kiên Cương rồi ban cho pháp hiệu là Pháp Loa tôn giả.

conson7.jpg
Tượng thờ Trần Nhân Tông

Năm 1308, Pháp Loa được Điều Ngự Trần Nhân Tông trao quyền nối dõi tông phái, trở thành Đệ nhị tổ thiền phái Trúc Lâm. Chùa Côn Sơn dưới thời Pháp Loa được xây dựng, tôn tạo trở thành một trong những trung tâm Phật giáo của thiền phái Trúc Lâm. Năm 1329, Pháp Loa tôn giả mở mang phong cảnh Côn Sơn; không chỉ xây dựng các công trình kiến trúc, hoàn thiện các cơ sở hành đạo, Đệ nhị tổ Pháp Loa còn cho xây dựng Côn Sơn thành đại danh lam thắng cảnh.

conson8.jpg
Tượng thờ Pháp Loa

Năm 1330, thiền sư Huyền Quang kế tiếp tông phái Trúc Lâm, trở thành Đệ tam tổ Trúc Lâm. Cùng năm đó, ông về trụ trì chùa Côn Sơn, mở mang cảnh chùa, lập đài Cửu Phẩm liên hoa, mở rộng tăng viện Kỳ Lân…

conson9.jpg
Tượng thờ Huyền Quang

Tổ Huyền Quang cũng là người phát hiện ra Giếng Ngọc. Chuyện kể rằng, vào đêm rằm tháng Bảy, Huyền Quang mơ thấy một tiên ông râu tóc bạc phơ, xưng là “Chủ thần long mạch núi Côn Sơn”, chỉ cho viên ngọc sáng lấp lánh dưới lùm cây sau chùa. Huyền Quang định với tay nhặt viên ngọc thì tiếng chuông chùa vang lên, làm ông thức giấc. Trời sáng, ông cùng các tăng ni lên núi xem chỗ có viên ngọc thì phát hiện ra mạch nước trong vắt, ngọt mát. Huyền Quang làm lễ tạ Sơn thần và cho khơi sâu, dùng kè đá thành giếng, đặt tên là Giếng Ngọc. Hơn 700 năm qua, nước giếng vẫn tràn đầy, được dùng vào các lễ tiết của chùa. Cũng tại Côn Sơn, Huyền Quang tôn giả in kinh, thuyết pháp, sáng tác nhiều bài kệ và thơ thể hiện tình cảm gắn bó với đạo, và tư tưởng triết lý Thiền sâu sắc.

conson10.jpg
Giếng Ngọc

Ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334), Huyền Quang tôn giả viên tịch tại chùa Côn Sơn. Ngày viên tịch của ông sau thành nguồn gốc lễ hội mùa xuân Côn Sơn. Hội bắt đầu từ rằm tháng Giêng và kéo dài đến cuối tháng.

conson13.jpg

Trải qua trên 700 năm phát triển, chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc đã trở thành quốc tự, điểm hành hương có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của tăng ni, phật tử và đồng bào cả nước.

Giá trị vượt thời gian

“Từ năm 1979 đến nay, hàng chục cuộc thám sát, khai quật khảo cổ đã được tiến hành tại khu di tích Côn Sơn. Kết quả đã phát hiện nền móng kiến trúc các công trình tả hữu hành lang, tổ đường, tòa Cửu Phẩm liên hoa… Ngoài ra hệ thống di vật tìm thấy rất phong phú, đa dạng như gạch, ngói, bát, đĩa, tước, lon sành, bình lọ, bát hương… được xác định có niên đại từ thế kỷ XIV – XIX phù hợp với ghi chép trong văn bia về quá trình xây dựng, tu bổ chùa Côn Sơn trong các thời kỳ lịch sử. Đây là tư liệu quan trọng minh chứng về quá trình hình thành, phát triển của chùa Côn Sơn và thiền phái Phật giáo Trúc Lâm, chứng minh tính xác thực của di tích theo tiêu chí của UNESCO về di sản thế giới”. (PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam).

conson17.jpg
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam phát biểu tham luận
tại Hội nghị tham vấn sơ bộ xác định giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể di tích và danh thắng
Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương)

Trong số hàng nghìn di vật, dấu tích và nền móng kiến trúc được phát hiện, Đăng Minh bảo tháp là phát hiện có giá trị và ý nghĩa quan trọng.

conson15.jpg
Đăng Minh bảo tháp thời Trần (thế kỷ XIV), phát hiện khảo cổ học tại di tích Côn Sơn năm 1979, được phục chế, trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam
conson16.jpg
Đăng Minh bảo tháp được nhà sư Hải Ấn xây dựng năm 1719 còn tồn tại cho tới ngày nay

Sau khi Đệ tam tổ Huyền Quang viên tịch tại chùa Côn Sơn (1334), vua Trần Minh Tông cúng dường 10 lạng vàng xây tháp cho thiền sư, đặt tên là Đăng Minh bảo tháp. Trải qua thời gian, tháp đã bị hủy hoại. Năm Kỷ Hợi (1719), nhà sư Hải Ấn xây dựng lại Đăng Minh bảo tháp. Tháp hình chữ nhật, 3 tầng, được ghép bởi những phiến đá xanh, lên cao thu nhỏ dần. Tầng giữa khắc nổi bốn chữ: “Đăng Minh bảo tháp”, mặt sau khắc bài minh ca ngợi Huyền Quang. Trong lòng tháp đặt pho tượng Huyền Quang bằng đá ngồi kiết già, tay kết ấn tam muội (hiện pho tượng đã được chuyển về tổ đường chùa Côn Sơn). Năm 1979, Bảo tàng tỉnh đã khai quật cạnh Đăng Minh bảo tháp, phát hiện những di vật kiến trúc của ngôi tháp bằng đất nung ba tầng, cấu trúc hình vuông. Căn cứ đặc điểm vật liệu, kiến trúc, hoa văn và thư tịch cổ, các nhà khảo cổ học nhận định đây là Đăng Minh bảo tháp được xây dựng ở thế kỷ XIV, đặt xá lỵ của Huyền Quang tôn giả.

Kết quả khai quật này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử di tích và nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc thời Trần.

conson19.jpg
Dấu tích trụ móng tòa Cửu phẩm Liên hoa thời Trần (thế kỷ XIV – vạch liền)
và trụ móng thời Lê (thế kỷ XVII – vạch đứt)
conson18.jpg
Tòa Cửu phẩm Liên hoa mới được phục dựng

Một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng khác phải kể đến là tòa Cửu Phẩm liên hoa. Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn do Đệ tam tổ Huyền Quang xây dựng vào đầu thế kỷ XIV (tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Côn Sơn hiện nay là công trình được phục dựng). Sang thời Lê (thế kỷ XVII – XVIII) tòa Cửu phẩm liên hoa được các thiền sư trụ trì chùa Côn Sơn tu bổ, tôn tạo nhiều lần. Trong kháng chiến chống Pháp, tòa Cửu phẩm liên hoa không còn. Năm 2012 – 2014, Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật tại sân nhà tổ chùa Côn Sơn, theo vị trí văn bia ghi lại. Kết quả, phát hiện 2 lớp kiến trúc của tòa Cửu phẩm Liên hoa thời Trần và thời Lê (thế kỷ XVII, XVIII). Hai lớp kiến trúc xây cùng trên một địa điểm, có cấu trúc hạt nhân trung tâm tương tự nhau.

la-de.jpg
Lá đề trang trí đất nung thời Trần (thế kỷ XIV) phát hiện tại chùa Côn Sơn năm 1979
dau-dao(1).jpg
Đầu đao đất nung thời Trần (thế kỷ XIII) phát hiện tại chùa Côn Sơn năm 2005
ngoi-trang-men.jpg
Ngói tráng men hoa nâu thời Trần (thế kỷ XIV)
phát hiện tại khu vực lầu đức phật Quán thế âm Bồ tát năm 2018
ngoi-mui-hai.jpg
Ngói mũi hài kép thời Trần (thế kỷ XIV) phát hiện tại chùa Côn Sơn năm 2006
binh-gom.jpg
Bình gốm thời Lê (thế kỷ XVII) phát hiện tại khu vực Thanh Hư Động năm 2000
dat-nung.jpg
Đất nung trang trí hình rồng thời Lê (thế kỷ XVII) phát hiện tại Côn Sơn năm 2012
chu-tich-ho-chi-minh.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm di tích Côn Sơn ngày 15.2.1965

Trong các cuộc khai quật từ năm 2005 đến nay, các nhà khảo cổ còn phát hiện nền móng kiến trúc của tòa hậu đường chùa Côn Sơn, mặt bằng kiến trúc chùa Côn Sơn thời Trần cùng các tầng văn hóa từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX, hai lớp móng kiến trúc cũ của tả hữu hành lang chùa Côn Sơn được xây dựng ở thế kỷ XIV và thế kỷ XVI-XVII cùng hàng nghìn hiện vật có kích cỡ, chất liệu, loại hình và niên đại khác nhau.

Bên cạnh những di sản vật chất còn là hệ thống các giá trị văn hóa phi vật thể mà Thiền phái Trúc Lâm và các vị sư tổ đã để lại như hệ thống kinh sách, khoa cúng, nghi lễ vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay.

TS LÊ DUY MẠNH – LÊ HƯƠNG – THÀNH CHUNG

Nguồn: baohaiduong.vn

Để lại một bình luận