ĐỘC ĐÁO TRÀ SEN KIẾP BẠC

Khu di tích quốc gia đặc biệt Kiếp Bạc nổi tiếng là vùng có hình sông, thế núi hiểm yếu về quân sự, đắc địa về phong thuỷ, có tứ linh quần tụ, chung đúc khí thiêng, địa linh nhân kiệt, danh sơn huyền thoại với những thắng cảnh đẹp, những di tích cổ kính gắn liền với thân thế, sự nghiệp của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Ngày nay, bằng sự tích cực cải tạo cảnh quan môi trường của Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, cảnh sắc nơi đây ngày càng rực rỡ, tố hảo với những vườn hoa Phúc, Lộc, Thọ, vườn lan, vườn hồng… đặc biệt hồ sen Kiếp Bạc với diện tích 5 ha không chỉ là nơi tham quan, ngắm cảnh mà còn là nơi du khách được thưởng thức hương vị trà sen đặc trưng của Kiếp Bạc.

Trà sen Kiếp Bạc, từ lâu đã trở thành một tinh thần đặc trưng của văn hóa trà Việt, mang trong đó nhiều triết lý nhân sinh và lòng tôn kính thiêng liêng. Trà sen Kiếp Bạc, không chỉ đơn thuần để thưởng thức mà còn là “vật phẩm” kết tinh tinh hoa của trời đất cùng tình cảm “phụ – tử” thiêng liêng của con dân vùng Vạn Kiếp kính dâng lên Đức Thánh Trần. Bởi vậy, quy trình ướp trà sen ở Kiếp Bạc luôn được thực hiện một cách cẩn trọng và công phu.

Hàng năm, khoảng giữa tháng 5, khi sen hồ Kiếp Bạc rực rỡ với hàng nghìn bông hoa vươn cao trên mặt nước, bắt đầu hé nở những cánh hoa đầu tiên cũng là lúc quy trình ướp trà sen được bắt đầu. Trước tiên, chọn loại trà mộc thơm ngon, được sao theo cách truyền thống, không có hóa chất, búp loại “một tôm hai lá” có vị chát dịu. Sau đó, tiến hành ướp hương sen. Thông thường, trà sen Kiếp Bạc được ướp theo hai cách:

Cách thứ nhất: Ướp trà trong bông sen (ướp xổi)

Từ chiều hôm trước, khi ánh nắng mặt trời đã tắt, đi thuyền xuống hồ, chọn những bông sen dầy cánh, hé nở, còn ngậm hương, dùng tay tách nhẹ nhàng những cánh hoa sen ra cho đến khi nhìn thấy đài hoa và nhị hoa màu vàng, cho trà khô vào (khoảng 15 đến 20g mỗi bông), sau đó xếp lại cánh hoa, dùng lá gói trọn bông hoa cho kín, để giữ được hương thơm của trà và tránh bị ẩm bởi sương đêm. Sáng hôm sau, khi mặt trời chưa mọc, đi thuyền xuống hồ ngắt những bông sen ướp trà. Sau đó, chọn một vài bông sen, tháo bỏ lá, bổ đôi bông hoa sen, gạt trà vào ấm, pha trà dâng Thánh, Phật tại Kiếp Bạc và Côn Sơn. Số còn lại để nguyên lá, bọc vào túi nilon, hút chân không để phục vụ cho du khách thưởng trà tại hồ sen đồng thời là sản phẩm đặc sắc để dâng Thánh, Phật, gia tiên hay làm quà biếu của du khách mỗi khi đến tham quan, chiêm bái tại Kiếp Bạc

Cách thứ hai: Sao khô

Đây là cách thức ướp trà sen cầu kỳ, đòi hỏi rất nhiều công sức từ người làm nhưng thành quả thì không thể tuyệt vời hơn. Thay vì trực tiếp cho trà vào trong bông hoa, cách ướp trà này sử dụng gạo của hoa sen để ướp. Gạo sen là phần lưu hương thơm đượm nhất của cả bông, chính vì thế, khi ướp kèm gạo sen, các cánh trà sẽ đượm hương mà không lẫn vị ngai ngái của cánh sen. Vào sáng sớm, khoảng 4- 5h sáng, khi mặt trời chưa mọc và sương vẫn chưa tan, chọn những bông hoa sen mới hé nụ, còn ngậm hương, hái nhẹ nhàng và mang về thật nhanh để giữ cho hoa còn nguyên hương vị. Người  làm trà sen tỉ mỉ tách gạo ra khỏi bông sen, người làm phải nhanh tay, khéo léo để hạt gạo không nát, bay mất mùi hương. Sau đó, dùng giấy nến hoặc lá sen rải một lớp gạo sen xuống dưới, rồi rải một lớp trà lên trên, rồi lại một lớp gạo sen…, ướp trong vòng từ 18- 24h tùy thuộc độ ẩm của gạo sen, sau đó mang ra sao khô.  Công đoạn này cứ lặp đi lặp lại tới 5 – 7 lần trong vòng 15 -20 ngày để mỗi cánh trà đều đượm hương sen và lưu giữ lâu hơn. Với quy trình này để thành phẩm 1kg trà ướp sen phải sử dụng từ 1000- 1500 bông hoa sen.

Không chỉ kỳ công ở công đoạn ướp hương sen, cách pha trà và thưởng trà tại Kiếp Bạc cũng rất độc đáo. Nước pha trà được lấy từ Giếng Mắt Rồng, mạch nước ngầm linh thiêng của dãy núi Rồng, quanh năm xanh mát, ngọt lành. Ấm pha trà sen phải dùng ấm sành, trời nóng dùng chén miệng loa để trà tỏa nhiệt nhanh, trời lạnh chọn chén miệng khum nhằm giữ nhiệt. Một bộ ấm chén pha trà gồm: 1 ấm lớn và 1 ấm chuyên (hoặc chén tống để rót trà từ ấm lớn ra rồi chia ra các chén), 1 thanh tre nhỏ để lấy trà. Các dụng cụ đều phải tráng nước sôi trước khi dùng.

Nước được đun sôi, để khoảng 90- 95 độ C để nước trà không quá đậm, ảnh hưởng đến vị trà. Đổ nước cao tay thành dòng lớn để cánh trà được đảo đều. Khi gần đầy miệng ấm thì đổ nhẹ tay cho bọt trào qua miệng ấm, vòi ấm rồi lau khô, như thế ấm trà mau có lớp cao trà thơm bóng.

Ủ trà 10 giây rồi rót hết ra ấm chuyên (hoặc chén tống) để nước trà hòa đều mới rót ra các chén nhỏ, như thế các chén nước không bị đậm nhạt. Pha trà cách này thời gian ngâm trà ngắn, nước xanh đẹp, hương không nồng gắt, bảo tồn dược tính của trà.

Sau đó mở nắp ấm, dùng que tre đảo trà cho tơi để không bị om nhiệt, trà không bị nồng. Rót nước nóng vào ấm lần 2, ngâm lâu hơn lần 1vài giây.

Cách thứ hai thưởng trà cả bông sen (trà sen tươi, đài sen, gạo sen, tâm sen):

          Nước 1: Pha trà như trên để thưởng lãm trà sen tươi nguyên chất.

          Nước 2: Tách gạo sen cho vào ấm trà, hương sen sẽ thơm hơn cả nước 1.

          Nước 3: Tách riêng tâm sen cho vào ấm ngâm 15 giây rồi rót ra thưởng thức.

          Nước 4: Lấy phần đài sen vàng tước nhỏ cho vào ấm ngâm.

Cách thưởng trà ở Kiếp Bạc bao gồm ba cung bậc: Độc ẩm, đối ẩm và quần ẩm. Dù ở cung bậc nào, được thưởng trà nơi phủ đệ của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương, thánh địa của dòng Đạo Nội Việt Nam, trong không gian linh thiêng, bên cạnh hồ sen xanh mát, thoang thoảng hương đưa, nhâm nhi chén trà thơm ngát, vị chát nơi đầu lưỡi, thưởng thức cùng vị ngọt thanh của bánh đậu xanh, lòng người hòa quyện trong chén trà, lan tỏa khắp không gian, thư thái và thanh thản đến lạ lùng.

Trà sen Kiếp Bạc là kết hợp sự tinh túy của hoa sen nơi phủ đệ Vạn Kiếp và cả một nghệ thuật ướp trà đầy công phu, tinh tế, tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, hội tụ cho tất cả những gì thiêng liêng, tôn kính và quý giá nhất, xứng đáng trở thành thức uống thượng hạng không thể thiếu trong văn hóa trà Việt.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ TRÀ SEN KIẾP BẠC

http://consonkiepbac.org.vn/wp-content/uploads/2021/04/sen-2.jpg

Tin bài: Phòng Nghiệp vụ

 

 

 

Để lại một bình luận