Chùa – đền Bắc Đẩu thuộc thôn Bắc Đẩu, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh. Chùa – đền Bắc Đẩu nhìn hướng Tây nam (cùng hướng với đền Kiếp Bạc – quẻ tốn). Sau lưng gối núi Bắc Đẩu (tay ngai bên hữu của dãy núi Rồng), phía trước nhìn ra sông Thương (nơi sơn triều thuỷ tụ).
Chùa – đền Bắc Đẩu thuộc thôn Bắc Đẩu, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh. Chùa – đền Bắc Đẩu nhìn hướng Tây nam (cùng hướng với đền Kiếp Bạc – quẻ tốn). Sau lưng gối núi Bắc Đẩu (tay ngai bên hữu của dãy núi Rồng), phía trước nhìn ra sông Thương (nơi sơn triều thuỷ tụ).
Chùa – đền Bắc Đẩu nằm trong một quần thể các di chỉ, di tích thời Trần, từ trên núi Bắc Đẩu có thể bao quát cả một khu vực rộng lớn xung quanh: toàn cảnh đền Kiếp Bạc, sông Thương. Phía bắc chùa – đền có thung lũng Vạn Yên, một cánh đồng rộng và lưu giữ khá nhiều dấu tích gắn liền với cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông vĩ đại của dân tộc như: Sông Vang, Xưởng Thuyền, Hành Cung, có xóm Hống – một trung tâm sản xuất gốm thời Trần – Lê sơ … phía nam là thung lũng đền Kiếp Bạc, Hang Tiền. Phía đông xa hơn về hai mạn Bắc Nam là hai dãy Kỳ Lân và Phượng Hoàng, bộ phận kéo dài của dãy Yên Tử đổ về bao bọc khu vực Kiếp Bạc.
Núi Bắc Đẩu
Cùng với dòng chảy lịch sử chùa – đền Bắc Đẩu cũng chịu tác động mạnh mẽ của các biến cố lịch sử, sự bao trùm của các lớp văn hoá qua các thời kỳ. Những cứ liệu xa xưa về di tích lịch sử quá ít ỏi chỉ có thể nhận biết được một số nét khái quát về ngôi chùa vào những thập niên 30 – 40 của (thế kỷ XX).
Chùa thờ phật, thờ mẫu và đặc biệt trong chính điện có phối thờ thần Bắc Đẩu. Về sự tích thờ thần Bắc Đẩu, một số tư liệu Hán nôm như: ”Hải Dương phong vật chí”, ”Lục Nam địa chí ” có chép như sau: Vạn Kiếp có núi Bắc Đẩu . Tục truyền có nhà buôn đêm đỗ thuyền ở dưới núi nghe thấy tiếng người nói về sự thiện ác, thọ yểu của nhân gian đến lúc gà gáy bỗng nổi cơn gió lớn, mây hống nổi lên văng vẳng có tiếng vòng ngọc rồi thấy một người cao lớn trên đỉnh núi đội mũ sao, mặc áo vóc, ngồi xe mây bay thẳng lên trời. Sớm hôm sau thuật lại truyện như thế, thổ dân bèn dựng đền ở đấy để thờ phụng gọi là đền Bắc Đẩu.
Đền, chùa Bắc Đẩu
Để hiểu được bản chất của hiện tượng thờ thần Bắc Đẩu, phải đặt chùa – đền Bắc Đẩu với chùa Nam Tào trong tương quan với đền Kiếp Bạc nơi thờ phụng người anh hùng Trần Hưng Đạo.
Đền, chùa Bắc Đẩu
Như đã biết văn hoá tâm linh Phương Đông Nam Tào – Bắc Đẩu là 2 vị thần của đạo giáo. Nam Tào còn gọi là thần sinh, coi sự sống ở phương nam. Bắc Đẩu là vị thần tử, coi về sự chết ở phương bắc. Ở các đạo quán hay ở nhiều ngôi chùa Việt thường có tượng hai vị thần này là được đặt bên Ngọc Hoàng thượng đế, trong đó tượng thần Nam Tào đặt bên tả, tượng thần Bắc Đẩu đặt bên hữu.
Tại Kiếp Bạc, chiếm vị trí trung tâm là Trần Hưng Đạo, tả hữu là hai ngôi chùa phối thờ thần Nam Tào và thần Bắc Đẩu. Thực chất bộ ba này là một đơn nguyên lớn của đạo giáo mà ở đó vị trí của Đức Thánh Trần đã được đưa lên vị trí cao nhất: Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Từ lâu, trong tâm thức dân gian Đức Thánh Trần không phải là một con người trần tục và xuất thân từ thượng giới. Điều đó thể hiện trước tiên thể hiện qua những truyền thuyết dị thường đậm chất đạo giáo. Trong Việt Điện u linh, Trần triều hiển thánh, Nam Hải dị nhân…. đều có chép sự xuất thế của Trần Hưng Đạo là do vị Thánh Thanh Tiên đồng tử đầu thai xuống hạ giới.
Cũng theo truyền thuyết dân gian, sau khi hoàn thành nhiệm vụ Thanh Tiên đồng tử trở về trời và được phong là Cửu Thiên Vũ Đế với sứ mệnh diệt trừ yêu ma tà đạo ở cả 3 cõi: Thiên đình, trần gian và âm phủ. Nhưng trong tâm thức dân gian người được phong là Ngọc Hoàng Thượng đế cai trị chốn trần gian có quan Nam Tào, Bắc Đẩu giúp việc. Đã có một thời người ta cho rằng di tích Nam Tào có thể là nơi thờ Yếu Kiêu còn di tích Bắc Đẩu là nơi thờ Dã Tượng, hai người tướng trung thành của Trần Hưng Đạo.
Do vậy, có thể cho rằng sau khi Trần Hưng Đạo mất cùng với việc dựng đền Kiếp Bạc, nhân dân đã lập chùa trên núi Dược Sơn và núi Bắc Đẩu ngày nay trong đó phối thờ thần Nam Tào, thần Bắc Đẩu và coi đó là những vị thần giúp việc cho Đức Thánh Trần. Cũng không ngoại trừ giả thiết, trên núi Bắc Đẩu (ngày nay) đã từng cho một ngôi chùa cổ thờ phật, nhưng phải đến khi lập đền Kiếp Bạc hoặc ở giai đoạn muộn hơn với sự phát triển của tín ngưỡng Đức Thánh Trần, nhân dân đã phối thờ hai vị thần này trong chùa. Tại di tích chùa Nam Tào đã phát hiện những dấu vết kiến trúc thời Trần.
Với vai trò của một dòng đạo giáo Việt Nam, là hiện thân của Ngọc Hoàng Thượng đế cai trị chốn nhân gian, Đức Thánh Trần cần có sự giúp việc của hai vị thần Nam Tào, Bắc Đẩu. Do vậy, sự xuất hiện của hai vị thần này trong hai ngôi chùa ở thế chầu vào đền Kiếp Bạc chính là thể hiện tâm nguyện đó của dân gian.
Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, chùa – đền Bắc Đẩu có kiến trúc hình chữ Đinh, không gian thoáng đãng với một số công trình chính như tiền đường, chính điện, nhà tổ, cung thờ tam toà Thánh Mẫu. Trong chính điện tượng thờ được bài trí theo trật tự “tiền thần hậu phật” ở gian chính điện có tượng thờ quan Bắc Đầu bằng đồng. Trong kháng chiến chống Pháp, nhận thấy núi Bắc Đẩu có vị trí chiến lược quan trọng, thực dân Pháp đã đốt chùa, chặt cây rừng dựng bốt để trấn giữ con đường thuỷ (sông Thương).
Trước tình hình đó, nhân dân địa phương đã chuyển tượng thần Bắc Đẩu vào đền Kiếp Bạc trong suốt một thời kỳ dài hơn 30 năm, trên nền móng cũ của chùa Bắc Đẩu là một khu hoang phế. Năm 1989, được sự hỗ trợ kinh phí của UBND tỉnh Hải Dương, nhân làng Vạn Yên đã dựng lên kiến trúc 3 gian trên nền móng cũ của chính điện xưa và gọi là “Bắc Đẩu cung”. Thần Bắc Đẩu được dân làng rước ra đây để thờ phụng. Về cơ bản chùa được dựng trên nền móng cũ nhưng toạ lạc trên một không gian hẹp diện tích khoảng 1600m2 với một số công trình chính: Bắc Đẩu cung, cung thờ tam toà Thánh Mẫu, cung thờ Ngũ vị tôn ông. Trong chùa tượng được bài trí theo trật tự “tiền thần hậu phật”. Thần Bắc Đẩu được đặt ở gian chính giữa, phía sau là ban thờ phật.
Tháng 12 năm 2005, Viện khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc tiến hành khai quật khảo cổ học tịa di tích Bắc Đẩu. Kết quả bước đầu đã xác định được nền móng toà tiền tế, chân móng một số công trình phụ cận của chùa Bắc Đẩu và nhiều hiện vật, di vật có niên đại thời Trần, Lê. Dựa trên các cứ liệu khảo cổ học, tháng 1 năm 2007, Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã tiến hành trùng tu, tôn tạo chùa – đền Bắc Đẩu với hàng chục hạng mục công trình như cổng đền, tả hữu vu, đền chính, các công trình phụ trợ…
Hiện nay, lễ hội chùa – đền Bắc Đẩu gắn liền với các hoạt động của lễ hội Kiếp Bạc. Vào ngày 20 tháng 8 và 28 tháng 9 âm lịch hàng năm, nhân dân tổ chức rước lễ từ các giáp ra đền Kiếp Bạc tiến hành tế lễ, sau đó rước về chùa – đền Bắc Đẩu.