TÔN TẠO TÒA CỬU PHẨM LIÊN HOA CHÙA CÔN SƠN

Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn có từ thời Trần do Đệ Tam Thánh Tổ Huyền Quang tôn giả xây dựng. Sang thời Lê, tòa Cửu phẩm đã bị mất, về sau được quốc sư Mai Trí Bản tôn tạo lại trên nền vị trí cũ

http://consonkiepbac.org.vn/Content/Images/UserFiles/image/2016/thang%208/th%E1%BB%A5%20tr%E1%BB%A5.jpg

Lễ Thụ trụ tòa Cửu Phẩm Liên Hoa

         Theo văn bia còn lưu giữ tại Côn Sơn , thời Trần (thế kỷ XIII, XIV), chùa có bình đồ kiến trúc nội công ngoại quốc. Quy mô di tích khá lớn với đầy đủ các công trình kiến trúc đồ sộ và hoành tráng từ Hồ Bán Nguyệt lên đỉnh núi Côn Sơn và núi Ngũ Nhạc. Trong đó, toà Cửu Phẩm Liên Hoa do Quốc sư Huyền Quang xây dựng vào đầu thế kỷ XIV là công trình kiến trúc Phật giáo có giá trị văn hoá đặc sắc.

Dưới thời Lê (thế kỷ XVI, XVII, XVIII), triều đình cử trực tiếp các vị Quốc sư về trụ trì như Thiền sư Mai Trí Bản, Đỗ Công Triều, Hải Ấn, Bùi Trù… Giai đoạn này, Côn Sơn được trùng tu, xây dựng lớn với nhiều hạng mục kiến trúc, trong đó có phục dựng lại tòa Cửu Phẩm Liên Hoa. Bia Hoàng Định 15 (1614) ghi: “Việc hưng công sửa chữa chùa của nhà sư họ Mai được tổng kết gồm có toà Cửu phẩm liên hoa, nhà Thiêu hương, Tiền đường, hành lang trái phải đằng trước, hành lang trái phải đằng sau, tam quan, trùng tu thượng điện, cộng đến 83 gian, làm mới các chư phật trên cửu phẩm tới 385 vị, tạc mới tượng Quan Âm Bồ Tát thiên thủ thiên nhãn, 2 tượng hộ pháp thiện – ác, 1 tượng chủ núi, 3 tượng cô hồn, trùng tu tượng phật trên thượng điện là 18 vị sơn son, thếp lại 3 vị tam thế…”.

Sang thời Nguyễn (thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX), quy mô kiến trúc lớn thời Trần, thời Lê không còn. Tuy nhiên, chùa Côn Sơn vẫn nổi danh là một trong những chốn tổ linh thiêng. Ngày 15 tháng 2 năm 1965, Chủ tịnh Hồ Chí Minh về thăm Côn Sơn. Người đã căn dặn nhân dân Hải Dương hãy “Xây dựng Côn Sơn thành chốn Tùng lâm đẹp của đất nước”. Năm 2012, chùa Côn Sơn được Nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt và Lễ hội Côn Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong lịch sử chùa Côn Sơn, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa có ý nghĩa đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật và ý nghĩa Phật giáo. Cửu Phẩm Liên Hoa là biểu tượng tối cao của thế giới Cực Lạc, thế giới của cõi Niết Bàn, nơi có Phật Adiđà thường trú. Cửu Phẩm Liên Hoa gồm có tám mặt, biểu hiện cho tám hướng, chín tầng đài sen tượng trưng cho chín cấp trong thế giới Tịnh Độ tức Cực Lạc quốc của Đức Phật A Di Đà. Thế giới của A Di Đà Phật là thế giới gắn với các kiếp đời đã qua cho nên tòa Cửu Phẩm Liên Hoa còn gọi là Cửu Phẩm vãng sinh (sự qua lại sinh ra, tức là: theo quan niệm Phật giáo sống một ngày là chết một ngày, chết một ngày ở kiếp này là đang sinh ra một ngày ở kiếp khác). Cửu phẩm vãng sinh được chia thành ba bậc từ trên xuống là: thượng phẩm vãng sinh, trung phẩm vãng sinh, hạ phẩm vãng sinh. Mỗi bậc lại chia làm thượng, trung, hạ sinh như: thượng phẩm thượng sinh, thượng phẩm trung sinh, thượng phẩm hạ sinh… Theo nghiệp tu thiện ác mà chúng sinh được sinh ra ở các đài cao thấp khác nhau. Điều đó có nghĩa rằng, đài sen là nơi thường trụ của những linh hồn bất diệt, tự nhiên tự tại, không bị ràng buộc bởi tham, sân, si… bởi quy luật vô thường.

Với những ý nghĩa như vậy, Phật giáo quan niệm rằng: nếu vừa đi vừa đẩy tòa Cửu phẩm quay vừa niệm Nam mô A di đà Phật thì mỗi vòng quay tương ứng 3.542.400 câu niệm Phật, cứ như vậy đến lúc nào đó sẽ được lên cõi niết bàn.

Cửu Phẩm Liên Hoa là một thức kiến trúc kép giữa cây phẩm chín tầng và tổng thể của toà nhà chứa cây Phẩm đó. Chức năng của tháp Cửu Phẩm Liên Hoa là biểu dương Phập pháp và ca ngợi thế giới Niết Bàn, Cực Lạc – nơi đón rước những linh hồn thiện tâm, thiện đức đến vãng sinh sau khi sang thế giới bên kia, tránh rơi vào kiếp địa ngục luân hồi.

Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn có từ thời Trần do Đệ Tam Thánh Tổ Huyền Quang tôn giả xây dựng. Sang thời Lê, tòa Cửu phẩm đã bị mất, về sau được quốc sư Mai Trí Bản tôn tạo lại trên nền vị trí cũ. Trong kháng chiến chống Pháp tòa Cửu Phẩm không còn. Để tìm lại dấu vết kiến trúc toà Cửu Phẩm Liên Hoa, năm 2012, Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ tại sân nhà tổ chùa Côn Sơn, theo vị trí văn bia ghi lại. Diện tích khai quật 171m2 (19m x 9m) theo hướng đông bắc – tây nam, cách thềm nhà tổ 0,6m và cách phía sau nền Thượng điện chùa 2,8m. Kết quả khai quật đã phát hiện 2 lớp kiến trúc của tòa Cửu Phẩm Liên Hoa thời Trần và thời Lê. Hai lớp kiến trúc xây cùng trên một địa điểm có cấu trúc hạt nhân trung tâm tương tự nhau.

http://consonkiepbac.org.vn/Content/Images/UserFiles/image/2016/h%E1%BB%87%20th%E1%BB%91ng%20n%E1%BB%81n%20m%C3%B3ng%20t%C3%B2a%20c%E1%BB%ADu%20ph%E1%BA%A9m%20li%C3%AAn%20hoa.jpg

Hệ thống nền móng tòa Cửu Phẩm Liên Hoa

Lớp kiến trúc thứ nhất có niên đại thế kỷ XIV bao gồm các trụ móng được xử lý kỹ thuật tương đồng bằng sỏi hạt nhỏ, cát được đầm nèn chặt. Trung tâm hệ thống trụ móng nằm ở chính gồm 5 trụ. Bốn trụ phân bố cân xứng hình thành khung hình vuông với diện tích 16m2, chính giữa là trụ móng làm tâm phân cách đều bốn trụ xung quanh. Lớp trụ móng chịu lực này được chôn sâu dưới lớp cát nguyên thuỷ màu vàng nhạt, dày. Đây được coi là lớp kiến trúc đầu tiên của tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn do Huyền Quang xây dựng.

Lớp kiến trúc thứ hai được xây kế thừa lớp kiến trúc thứ nhất, có mặt bằng tương đối hoàn chỉnh. Mặt bằng kiến trúc này cho thấy công trình có 3 gian chính và hai gian phụ cân đối hai bên. Với chiều dài 16,2m chiều rộng 7m cho thấy diện tích mặt bằng là 112m2. Các gian đều được phân cách bằng bờ kè móng với những kỹ thuật khác nhau. Đặc biệt gian chính giữa để lại dấu vết các trụ móng khá hoàn chỉnh với 5 trụ phân bố khoảng cách khá đều nhau. Hệ thống trụ chịu lực có kết cấu giống nhau, lớp trên là ngói gạch vỡ được đầm lèn chặt tạo nên lớp liên kết vững chắc dày 5 đến 10cm, lớp dưới là sỏi trộn cát đầm chặt tạo nên. Trên lớp trụ này đặt các chân tảng đỡ cột chống bộ mái kiến trúc. Mặt trụ lớp kiến trúc còn 2 chân tảng đá giữ nguyên vẹn tại chỗ. Căn cứ theo dấu vết kiến trúc, địa tầng, hiện vật có thể thấy đây là dấu vết của tòa Cửu Phẩm Liên Hoa thời Lê.

Cửu Phẩm Liên Hoa là công trình kiến trúc độc đáo, đặc sắc có giá trị tâm linh và nghệ thuật bậc nhất ở khu di tích Côn Sơn. Vì vậy, việc xây dựng tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn không chỉ phục hồi lại tổng thể kiến trúc của chùa đã bị thời gian và chiến tranh tàn phá mà còn góp phần phát huy giá trị văn hoá của khu di tích danh thắng Côn Sơn để nơi đây trở thành một trong những trung tâm văn hoá tâm linh hướng về cội nguồn của đất nước.

Căn cứ vào kết quả khai quật khảo cổ học, tư liệu văn bia ghi chép, năm 2014, UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định số 2699/QĐ-UBND cho phép phục dựng lại tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn. Thời gian xây dựng trong 2 năm (2015, 2016) do Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư để thực hiện là trên 76 tỷ đồng. Số vốn trên được trích từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, nguồn công đức nộp vào ngân sách Nhà nước, nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ và từ nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân. Vị trí xây toà Cửu Phẩm Liên Hoa nằm giữa nhà Tổ và Thượng điện.

Kiến trúc tòa Cửu Phẩm Liên Hoa bao gồm cây Phẩm và nhà Phẩm. Nhà Phẩm có kết cấu ba tầng, 12 mái. Tầng thứ nhất gồm 5 gian 2 chái, đầu kìm tạo thủy quái Makara. Tầng thứ hai thu lại còn 1 gian 2 chái, đầu đao trang trí long, lân quy chầu. Tầng thứ ba chỉ có một gian, chính giữa bờ nóc đắp hổ phù ngậm chữ thọ. Đầu hổ phù đội bánh xe pháp luân được trang trí bởi hệ thống hoa, lá sen bao quanh. Đầu kìm là hình tượng thủy quái makara, đầu đao đắp long, phượng quy chầu. Toàn bộ hệ thống bờ dải, bờ guột của ba tầng mái trang trí gạch hoa chanh.

Mặt bằng của nhà Phẩm có bình đồ hình chữ nhật, tuy nhiên gian chồng diêm thứ hai và thứ ba được dựng lên từ khung của bốn cột cái trung tâm nên vẫn giữ dạng bình đồ vuông. Kết cấu này tạo độ giật cấp giữa các tầng mái được rõ nét hơn, kết hợp với những đầu đao cong vút khiến cho tòa nhà thêm phần thanh thoát, bay bổng. Nhìn từ trên cao, toàn bộ nhà Phẩm sẽ giống như một bông hoa sen đang nở với 3 lớp cánh khác nhau, tạo nên điểm nhấn đẹp đẽ cho khung cảnh thanh tịnh chốn quốc tự.

Chính giữa nhà Phẩm, bốn cột cái trung tâm chạy suốt từ tầng một lên đến tận tầng ba. Không gian giữa 4 cột cái đặt tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, đỉnh tháp là tượng Phật Adiđà. Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn có dạng hình bát giác. Tháp được thiết kế bằng gỗ với các tay đòn ăn mộng từ trụ chính ở giữa, vươn ra đỡ các tầng Cửu Phẩm. Kết cấu trụ là một thân gỗ lớn cao từ chân tháp đến đỉnh tháp, được chôn cố định xuống dưới đất tạo thế để toàn bộ cây tháp có thể quay xung quanh trục. Chân trục là cối quay bằng kim loại. Tháp Cửu Phẩm cao 7,6m với 9 tầng chạm sen, chân tháp gồm 3 cấp cao 0,78m. Mỗi mặt cạnh là 1,70m, mặt thân tháp là 0,87m. Ở các cạnh mặt tháp có hệ thống cột chạm đốt trúc, từ chân tháp lên đến đỉnh tháp làm tay vịn để quay cây phẩm. Riêng hệ thống cột nối từ bệ tháp lên đài sen tầng một chạm rồng.

Công trình sử dụng vật liệu truyền thống như gỗ lim, gạch Bát Tràng, ngói mũi hài, đá xanh Thanh Hóa. Phần kết cấu chịu lực của tháp Cửu Phẩm Liên Hoa được làm bằng gỗ lim, các thành phần trang trí được làm bằng gỗ mít rừng, sơn son thếp vàng. Phần nền móng sử dụng các vật liệu hiện đại tạo sự bền vững cho công trình như bê tông cốt thép.

Tòa Cửu Phẩm  hoa sau khi phục dựng

         Sau hơn một năm thi công dự kiến tháng 8/2016 công trình tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt, là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân cả nước. Đến nay, chùa Côn Sơn không những còn nguyên giá trị văn hóa tâm linh từ ngàn xưa, mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước hướng về cội nguồn của dân tộc. Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng và kiến trúc nghệ thuật, việc đầu tư phục hồi tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn là cần thiết nhằm hoàn thiện tổng thể một di sản văn hóa quốc gia, phát huy hết giá trị văn hóa, lịch sử của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc (2006), Di sản Hán Nôm Côn Sơn – Kiếp Bạc – Phượng Sơn, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc (2011), Hồ sơ khoa học Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.

3. Nguyễn Thị Thùy Liên (2006), Chùa Côn Sơn, Di sản văn hóa, số 1.

4. Viện Khảo Cổ, Báo cáo Khai quật khảo cổ học chùa Côn Sơn năm 2012, 2014, Tài liệu lưu tại Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc, số 6.

5. Nguyễn Văn Cường (2014), Di sản Hán Nôm văn bia chùa Côn Sơn, Tạp chí Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Dương, số 6.

6. Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

7. Dự án phục hồi tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn – Tài liệu Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Ngô Thị Lượng – Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc

Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa Thể thao & Du lịch, Số 4 (115) tháng 07 – 2016

 

 

 

 

Để lại một bình luận