Cứ mỗi độ xuân về, du khách thập phương trên mọi miền tổ quốc lại nô nức về trẩy hội Côn Sơn. Côn Sơn hấp dẫn tín đồ và du khách thập phương không chỉ bởi nơi đây có cảnh đẹp núi xanh muôn lớp như bức bình phong vẽ, là danh lam đất bắc của trời nam mà nơi đây còn có một địa danh đầy sức hấp dẫn và bí ẩn khiến nhiều du khách muốn khám phá, đó là địa danh Ngũ Nhạc Linh Từ.
Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc
Núi Ngũ Nhạc thuộc xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Núi bắt nguồn từ dãy Huyền Đinh, Yên Tử đột khởi mà thành, người xưa từng ca ngợi:
Chí Linh vi chi huyện, thực dĩ Côn Sơn chân linh
Côn Sơn vi tối linh, chân ỷ Ngũ Nhạc kỳ tú.
Dịch nghĩa:
Đất Chí Linh được gọi là linh bởi do Côn Sơn linh thiêng
Côn Sơn linh thiêng bởi có núi Ngũ nhạc kỳ tú.
Núi Ngũ Nhạc nằm về phía Đông Bắc của Côn Sơn, xoải dài từ Bắc xuống Nam với chiều dài hơn 4 km, gồm có 5 ngọn, trên mỗi ngọn người xưa xây miếu thờ thần năm phương nên gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ.
Người xưa coi Ngũ Nhạc là ngọn núi linh thiêng mà khí thiêng của núi từ các phương hội tụ lại:
Phía Tây Nam là dãy núi Côn Sơn, có dáng giống hình con Kỳ Lân nằm phủ phục nên còn gọi là núi Kỳ Lân. Dưới chân núi có ngôi chùa cổ kính Côn Sơn Thiên Tư Phúc – là một trong ba chốn tổ của dòng Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm.
Phía Bắc là dãy núi Rồng với thế tay ngai ôm ấp quần thể khu di tích lịch sử đền Kiếp Bạc, nơi núi sông hùng vĩ tạo nên địa thế hiểm yếu về mặt quân sự, là đại bản doanh và thái ấp của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII.
Phía Nam là dãy núi Phượng Hoàng, thế núi quần sơn củng lập, hai cánh xòe ra như loạn liệng phượng múa, trên núi có đền thờ Vạn thế sư biểu Chu Văn An.
Ở sườn núi phía Đông Bắc Ngũ Nhạc có đền Sinh thờ Mẫu và đền Hóa thờ Phi Bồng tướng quân- người có công giúp Hưng Đạo Đại Vương đánh giặc; chân núi phía Nam là đền thờ anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Linh khí tứ phương hội tụ tạo thành một Ngũ Nhạc tối linh của vùng đất xứ Đông và đất nước. Người xưa thờ phụng Ngũ Nhạc không chỉ phân danh hiệu mà còn phân chia chức năng cho từng quả núi:
Thái Sơn Đông Nhạc tiêu biểu cho sự tôn nghiêm của Ngũ Nhạc nên quản việc cát, hung, họa phúc của nhân gian.
Hoành Sơn Nam Nhạc thống đốc các loài thủy tộc.
Hoa Sơn Tây Nhạc quản ngũ kim và họ nhà chim.
Hằng Sơn Bắc nhạc chủ quản sông biển, ao hồ, các loài thú, rắn rết côn trùng.
Tung Sơn Trung Nhạc quản cây cối, núi rừng, khe vực.
Năm ngọn núi tượng trưng cho 5 phương (Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung phương), mỗi phương ứng với một hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ).
Mỗi ngôi miếu mang những chức năng quản các việc cát, hung, họa, phúc, thống lĩnh muôn loài và chủ quản cây cối, núi rừng, khe vực. Vì thế mới lý giải được tại sao đường cao, dốc dài, dây gai chắn lối mà các tín đồ phật tử vẫn hành hương lên Ngũ Nhạc linh từ để cầu phúc, tránh họa, mong cho quốc thái dân an, phong đăng hòa cốc, mùa màng bội thu.
Trải qua thời gian, năm tháng những miếu thờ trên đỉnh Ngũ Nhạc chỉ là những ban thờ lộ thiên, kiến trúc đơn sơ. Với mục đích khôi phục lại những công trình văn hóa đặc sắc trên mảnh đất Côn Sơn, đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào cả nước, đồng thời giới thiệu với du khách thập phương về những nét văn hóa độc đáo của vùng đất đại linh nhân kiệt, UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định trùng tu năm ngôi miếu thờ cùng với hệ thống đường bộ hành lên núi Ngũ Nhạc. Sau hơn một năm thi công ngày 13/2/2006 lễ khánh thành công trình đã được long trọng tổ chức.
Năm ngôi miếu đều quay về hướng Nam, hướng của thánh nhân, nhìn ra hồ Côn Sơn, nơi tụ linh, tụ thủy, tụ phúc. Kiến trúc lộ thiên, kết cấu kiểu ngai thờ, được ghép hoàn toàn bằng đá xanh. Công trình được thiết kế công phu, đạt yêu cầu về kỹ, mỹ thuật, phù hợp với cảnh quan môi trường. Hệ thống đường bộ hành lên núi dài 1,8 km, lát hoàn toàn bằng đá xanh Thanh Hóa. Con đường ẩn mình dưới rừng thông khép tán xanh tươi, thấp thoáng như dải mây trắng nhẹ bay.
Nghi môn chính kiến trúc hai tầng tám mái, kết cấu kiểu “tam sơn” với “núi giữa” cao, “núi bên” thấp, tượng trưng cho gạch nối sinh lực của trời truyền xuống trần gian, phản ánh ước vọng ngàn đời của con người mong sao sức mạnh của những siêu lực vũ trụ góp phần vào sự đối đãi âm dương sinh ra muôn loài, muôn vật, đảm bảo cho hạnh phúc trường tồn.
Từ Nghi môn, theo đường bộ hành sẽ đưa chúng ta lên Ngũ Nhạc linh từ, bao gồm:
Đông Nhạc miếu tượng trưng cho hành mộc, thờ thần Thanh Long Thanh Đế, có tượng là hình rồng, màu xanh, ứng với mùa xuân, cai quản toàn bộ họa phúc trong nhân gian. Bởi vậy, tế lễ ở miếu này để cầu mong được giải hạn trừ tai, cầu công danh tiến phát.
Nam Nhạc Miếu thờ thần Xích đế, có màu đỏ, là màu của hành hỏa đại diện cho mùa hạ, có chức năng cai quản các sinh vật hai chân và lửa. Vì vậy tế lễ ở Nam Nhạc miếu là cầu mong tránh được hỏa hoạn.
Tây Nhạc Miếu thờ thần Bạch Hổ Thánh Đế, có tượng hình hổ màu trắng bạch, là màu của hành kim ở phương Tây, tương ứng với mùa thu, có chức năng cai quản ngũ kim. Tế lễ ở Tây nhạc miếu là để cầu mong các nghề buôn bán về luyện kim, khai khoáng cũng như cầu mong sự an toàn khi đi trong không gian
Bắc nhạc miếu thờ vị thần Hắc đế. Đây là vị thần có vị trí rất cao trong Đạo giáo, luôn có hai con vật linh thiêng ở bên cạnh là Linh Quy và Thần Xà tượng trưng cho sự trường tồn và trí tuệ. Bắc nhạc miếu tương ứng với hành thủy màu đen, đại diện cho mùa đông. Tế lễ ở Bắc Nhạc Miếu là cầu mong cho mưa thuận gió hòa.
Trung Nhạc Miếu là trung tâm của Ngũ Nhạc nên các vị tiên thánh thường hội tụ tại đây. Từ xưa, Trung Nhạc Miếu là nơi diễn ra tế lễ cầu đảo. Lệ xưa, mỗi khi đất nước gặp hạn hán mất mùa, chiến tranh, giặc dã thì các vương triều đều cử các quan đầu triều đến Trung Nhạc miếu tế lễ cầu các vị tiên thánh phù hộ cho đất nước được thái bình, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Hàng năm, vào sáng ngày 17 tháng giêng âm lịch, Ban tổ chúc lễ hội và nhân dân thập phương lại long trọng tổ chức lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh… Lễ tế diễn ra long trọng, trang nghiêm, theo đúng nghi thức truyền thống với sự tham gia của các vị tăng ni, đội tế, đội múa lân, nhạc lễ cùng đông đảo du khách thập phương… Lễ tế được bắt đầu tại Bắc Nhạc miếu và kết thúc tại Nam Nhạc miếu, lễ vật dâng cúng bao gồm lễ chay, lễ mặn, hoa nghi, ngũ cốc… Kết thúc nghi lễ, các đồng chí lãnh đạo đại diện Đảng, Nhà nước sẽ ban ngũ cốc cho nhân dân về làm giống gieo trồng. Ngũ cốc gồm: Thóc, Lạc, Ngô, Đỗ, Vừng, được chọn lọc kỹ, đem lên dâng tế, được Phật, Thánh, Trời, Đất chứng giám… mang về trộn vào hạt giống gieo trồng; đất nước hưng thịnh, vạn vật sinh sôi nảy nở, phong đăng hòa cốc, mùa màng bội thu, muôn dân no ấm, thanh bình… để đầu xuân năm sau lại mang Ngũ Cốc lên tế tạ ơn Trời, Đất.
Lễ tế trên Ngũ Nhạc linh từ là một trong những nghi lễ chính, góp phần mở rộng không gian lễ hội linh thiêng, hoành tráng của lễ hội mùa xuân Côn Sơn- Kiếp Bạc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách thập phương.
Bên cạnh các công trình: Chùa Côn Sơn, Đền thờ Nguyễn Trãi và Đền Thanh Hư, các ngôi miếu thờ thần năm phương trên đỉnh núi Ngũ Nhạc đã tạo thêm những nét văn hóa tâm linh độc đáo làm hài lòng du khách thập phương đến chiêm bái khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc.
NGUYỄN THỊ THÙY LIÊN- Phó Trưởng Ban QLDT Côn Sơn- Kiếp Bạc
Bài đăng trên Tạp chí Thế giới Di sản, số 1+2-2017 (124+125).