KHÁM PHÁ NHỮNG THẠCH BÀN Ở CÔN SƠN

Thạch Bàn tại Côn Sơn không chỉ là tạo vật của tự nhiên mà đã trở thành địa danh lịch sử gắn với các danh nhân.

http://consonkiepbac.org.vn/Content/Images/UserFiles/image/2017/Th%C3%A1ng%20%202/thach%20ban%20con%20son.jpg

Bia trước Thạch Bàn lớn

          Xoay quanh các Thạch Bàn là những câu chuyện vừa thực vừa hư, càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của khu di tích.

          Giấc mơ của Nguyễn Trãi

Một trong những điểm du khách thường ghé thăm khi tới Côn Sơn là Thạch Bàn, trong dân gian gọi là hòn đá năm gian, diện tích khoảng 200m2, nằm cạnh suối Côn Sơn, ngay trước nền nhà Nguyễn Trãi. Thạch Bàn gắn với tuổi thơ của Nguyễn Trãi khi về sống với ông ngoại là Đại tư đồ Trần Nguyên Đán tại Thanh Hư động ở Côn Sơn. Những ngày còn bé, ông thường nằm trên phiến đá lớn ấy để đọc sách, ngâm thơ. Thạch Bàn đã xuất hiện trong những câu thơ hay nhất ông viết về Côn Sơn: “Côn Sơn có đá rêu phơi. Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm” (Côn Sơn ca). Bài thơ Côn Sơn ca đã được đưa vào sách giáo khoa trong trường phổ thông nên khi đến khu di tích Côn Sơn, nhiều du khách nhớ đến những câu thơ này đã tìm thăm suối Côn Sơn và hòn đá Thạch Bàn. Chị Nguyễn Hồng Hạnh ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Tôi rất thích phong cảnh Côn Sơn, đặc biệt là lối đi bên bờ suối. Thạch Bàn không chỉ tô điểm cho phong cảnh ở đây thêm đẹp mà còn là một chứng tích về các bậc tiền nhân”.

Trong những năm tháng đánh giặc cùng Lê Lợi, rất nhiều lần Nguyễn Trãi mong muốn khi có điều kiện sẽ về Côn Sơn uống nước chè pha với nước suối Côn Sơn, nằm nghỉ trên Thạch Bàn tận hưởng cảnh thanh nhàn. Trong bài thơ Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác (Sau loạn về Côn Sơn), Nguyễn Trãi có nhắc tới ước mơ của cuộc đời ông là: “Bao giờ dưới núi mây về ở/ Nước suối chè tươi ngủ Thạch Bàn”. Hình ảnh Thạch Bàn không chỉ là một phần phong cảnh của Côn Sơn mà trở thành một biểu tượng về sự thanh bình, là giấc mơ của Nguyễn Trãi trong những năm tháng chiến chinh. Có lẽ trong tâm thức ông, khi ông được về ngủ trên Thạch Bàn là khi đất nước đã yên ổn, không còn giặc ngoại xâm. Giấc mơ về Thạch Bàn là giấc mơ chung cho toàn dân tộc chứ không còn là giấc mơ riêng về cảnh thanh nhàn của bản thân ông. Sau thời Nguyễn Trãi, có nhiều thư tịch cổ cũng nhắc đến Thạch Bàn – một di tích cổ rất đẹp của Côn Sơn như sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (thế kỷ 19), Chí Linh phong vật chí…
Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã cho xây một khu vực quây bảo vệ Thạch Bàn, trên có tấm bia, khắc một đoạn trong bài thơ Côn Sơn ca. Nhờ có Thạch Bàn mà các nhà khoa học mới xác định được vị trí nền nhà Nguyễn Trãi vì trong thơ văn Nguyễn Trãi có viết về việc ông về Côn Sơn dựng một ngôi nhà cạnh suối Côn Sơn nhìn ra Thạch Bàn để dạy học trò. Năm 1979, Bảo tàng Hải Hưng (nay là Bảo tàng Hải Dương) khai quật tại vị trí cạnh Thạch Bàn lớn, phát hiện dấu tích ngôi nhà xưa của Nguyễn Trãi với một cấp nền kiến trúc có diện tích dài 17m, rộng 7m và nhiều hiện vật niên đại thế kỷ XV. Năm 2005, Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã tôn tạo khu vực này, kè đá xung quanh và xây dựng một nhà bia ghi dấu ấn di tích nền nhà Nguyễn Trãi, nằm ngay cạnh Thạch Bàn lớn.

          Nơi Bác Hồ dừng chân

http://consonkiepbac.org.vn/Content/Images/UserFiles/image/thach%20ban%20con%20son_bac%20ho%201965.JPG

Thạch Bàn nhỏ, nơi Bác Hồ dừng chân khi về thăm Côn Sơn năm 1965

          Dọc theo dòng suối Côn Sơn dài 3 km còn có nhiều phiến đá khác. Cách Thạch Bàn lớn khoảng 70m có một phiến đá nữa gọi là Thạch Bàn nhỏ cũng có ý nghĩa đặc biệt vì là nơi lưu dấu một vị danh nhân, anh hùng dân tộc. Ngày 15-2-1965, khi Bác Hồ về thăm Côn Sơn, sau khi thắp hương trong chùa Côn Sơn, buổi chiều Bác lên suối Côn Sơn, ngồi nghỉ tại Thạch Bàn nhỏ. Tại đây Bác đã gặp đoàn học sinh Trường cấp 2 Văn Đức đi cắm trại. Bác nói chuyện với cán bộ, học sinh và căn dặn phải giữ gìn bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng nhiều cây để Côn Sơn trở thành chốn tùng lâm đẹp đẽ. Hơn 50 năm qua, thực hiện lời dặn của Bác, khu di tích Côn Sơn được giữ gìn, bảo vệ và tôn tạo, ngày càng đẹp đẽ, tươi xanh.
Hai Thạch Bàn là điểm nối giữa khu vực chân núi Côn Sơn và chân núi Ngũ Nhạc, từ đó có thể đi lên Bàn Cờ Tiên hoặc Ngũ Nhạc linh từ. Đó là những chứng tích lịch sử góp phần làm nên ý nghĩa đặc biệt cho khu di tích Côn Sơn.
Bên cạnh hai Thạch Bàn có thật, Côn Sơn còn có một Thạch Bàn trong tưởng tượng. Đó chính là Bàn Cờ Tiên. Vào thế kỷ 14, thời Trúc Lâm Đệ tam tổ Huyền Quang tu hành ở chùa Côn Sơn, trên đỉnh Côn Sơn có Am Bạch Vân là nơi các vị cao tăng thường lên tu luyện, giảng kinh, thuyết pháp cho môn đệ. Sau đó trải qua thời gian, khu đó bị hoang tàn. Năm nọ có 1 đoàn danh nhân Kinh Bắc đến thăm Côn Sơn, sáng sớm vân du lên đỉnh núi, gần lên đến nơi thì thấy có tiếng nói cười xôn xao, lên đến nơi thì chỉ thấy 1 bàn cờ đang đánh dở. Các danh nhân cho rằng đêm qua trời đất giao hòa, các vị tiên xuống đàm đạo đánh cờ, khi thấy có người lên thì bỏ dở ván cờ để về trời. Từ đó có tên gọi Bàn Cờ Tiên. Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cho biết: “Bàn Cờ Tiên là tên gọi khu đất bằng phẳng trên đỉnh núi xuất phát từ câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Tuy đỉnh núi Côn Sơn có những khu vực đá xếp như ghế nhưng không có phiến đá cụ thể nào được gọi là Bàn Cờ Tiên”. Dù vậy, Bàn Cờ Tiên trong tưởng tượng đó đã tạo nên sức hấp dẫn đầy tính huyền hoặc cho đỉnh núi này, gọi mời biết bao du khách lên tận nơi khám phá mỗi khi tới Côn Sơn.
Hiện nay, hai Thạch Bàn lớn và nhỏ đều có bia và ghi chú nhưng đã mờ và bị nhiều du khách ý thức kém vạch lên. Để giữ gìn di tích và giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về Thạch Bàn, Ban Quản lý di tích cần khôi phục hai tấm bia với ghi chú rõ ràng hơn và có các biện pháp bảo vệ.

VIỆT HÒA

Nguồn: baohaiduong.vn

Để lại một bình luận