Chùa Côn Sơn thời Trần thuộc xã Chi Ngại, huyện Phượng Sơn; nay thuộc phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của vùng đông bắc. Trải qua hàng nghìn năm tồn tại phát triển, mỗi giai đoạn lịch sử Côn Sơn đều có những dấu ấn lịch sử, văn hóa. Thời Trần, đây là một trong những trung tâm Phật giáo Trúc Lâm, gắn với tên tuổi của ba vị tổ là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Di sản mà Tam tổ Trúc Lâm để lại với lịch sử chùa Côn Sơn gồm những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đặc sắc.
Vào cuối thế kỷ XIII, trên cơ sở tiếp thu tư tưởng của các giáo phái đương thời, Đức vua Trần Nhân Tông đã sáng lập dòng Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt. Ngay từ khi thành lập tông phái, đệ nhất tổ Trần Nhân Tông đã chọn Côn Sơn làm nơi hành đạo, giáo độ tăng đồ. Dưới thời đệ nhất tổ, cơ sở kiến trúc thợ tự ban đầu ở Côn Sơn còn nhỏ hẹp với tên gọi liêu Kỳ Lân. Trần Nhân Tông trong quá trình đi tìm người kế tiếp dòng phái, chính tại Côn Sơn Điều Ngự đã thụ giới Tỳ kheo và giới Bồ Tát và ban pháp hiệu cho Pháp Loa. Bia “Viên Thông Thanh Mai Tháp Bi” có ghi: “khi trở về liêu Kỳ Lân núi Linh Sơn (Côn Sơn), Điều Ngự xuống tóc, trao áo tu hành cho Sư (Pháp Loa)…Năm Ất Tỵ, niên hiệu Hưng Long thứ 13 (1305), Điều Ngự đích thân truyền giới Thanh văn và Bố Tát cho Sư tại liêu Kỳ Lân (Côn Sơn)”. Theo “Tam Tổ thực lục”, Nhân Tông đã soạn nhiều tác phẩm kinh sách Phật giáo. Trong đó, tác phẩm Thạch thất mị ngữ được Điều Ngự viết lúc rời viện (Kỳ Lân) khi về ở núi. Như vậy, dưới thời đệ nhất tổ, chùa Côn Sơn với tên gọi liêu Kỳ Lân đã được Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành, giáo hóa tăng đồ. Đặt cơ sở nền móng cho sự phát triển đạo pháp của dòng Phật Giáo Trúc Lâm.
Năm 1308, Pháp Loa được Điều Ngự Trần Nhân Tông trao quyền nối dõi thừa kế tông phái trở thành đệ nhị tổ Trúc Lâm. Trong quá trình hành pháp và phát triển đạo pháp, Pháp Loa đã “tạo hơn 1.300 tượng Phật lớn nhỏ, hai bộ tượng sơn mài, hơn 100 tượng bằng đất, dựng hai cảnh chùa lớn và 5 ngôi tháp, lập hơn 200 tăng xá, độ hơn 15.000 tăng, ni, in một bộ đại tạng kinh. Những đệ tử đắc pháp hơn 30 người đã liệt kê ở lược đồ. Pháp sư có 6 người, nhú Tuệ Nhiên, Tuệ Chúc, Hải Ấn… đều hành pháp đắc lực”. Ngoài việc dựng chùa, tố tượng, Pháp Loa cũng rất quan tâm và chú trọng đến việc in kinh sách, mở giảng các lớp thuyết pháp về Phật pháp. Năm đầu Khai Hựu (1329), đệ nhị tổ Pháp Loa cho xây dựng cảnh Côn Sơn và Thanh Mai, làm thành đại danh lam thắng cảnh. Tại Côn Sơn, Pháp Loa đã cho mở các cuộc đại hội chúng tăng, nghe các quốc sư giảng kinh thuyết pháp. Xây dựng nơi đây thành tăng viện đào tạo tăng ni, giảng kinh thuyết pháp. Dưới thời trụ trì của Pháp Loa, Phật giáo phát triển rộng khắp, tăng ni đệ tử nhiều, văn bia “Thanh mai Viên Thông tháp bi” ghi: “Các đệ tử của Sư (Pháp Loa) có: Quang ở Côn Sơn, Ngung ở Quế Đường, Huy ở Ngân Sơn, Ngân ở Diễn Châu, Thuần ở Nhân Kiệt, Nhãn ở Quỳnh Lâm… Đệ tử trên 3000 người đều liệt kê trong đồ tịch”. Như vậy, chùa Côn Sơn dưới thời Pháp Loa đã được xây dựng, tôn tạo trở thành một trong những trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm. Pháp Loa đã phát triển các công trình kiến trúc, hoàn thiện các cơ sở Phật giáo ở Côn Sơn.
Năm 1330, Huyền Quang kế tiếp tông phái Trúc Lâm trở thành vị đệ tam Tổ Trúc Lâm. Cùng năm đó, Huyền Quang về trụ trì chùa Côn Sơn. Đệ tam tổ Huyền Quang đã cho xây dựng, mở rộng kiến trúc, phát triển đạo pháp. Trong ngọc phả chùa Côn Sơn cho biết, Ngài đã:“lập ra Cửu Phẩm liên hoa, giảng các phẩm kinh để truyền cho bậc hậu học”. Cửu Phẩm liên hoa là một kiến trúc đặc biệt của Phật giáo. Đây là biểu tượng tối cao của thế giới Cực Lạc. Năm 2012, khi khai quật khảo cổ tại Côn Sơn, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu tích kiến trúc của tòa Cửu Phẩm liên hoa thời Trần do Huyền Quang xây dựng. Dấu tích kiến trúc gồm các trụ móng được xử lý kỹ thuật tương đồng bằng sỏi hạt nhỏ, cát được đầm nèn chặt. Trung tâm hệ thống trụ móng nằm ở chính gồm 5 trụ. Bốn trụ phân bố cân xứng hình thành khung hình vuông với diện tích 16m2, chính giữa là trụ móng làm tâm phân cách đều bốn trụ xung quanh. Lớp trụ móng chịu lực này được chôn sâu dưới lớp cát nguyên thuỷ màu vàng nhạt, dày. Năm 2014, UBND tỉnh Hải Dương đã cho phục dựng lại tòa Cửu Phẩm liên hoa chùa Côn Sơn trên nền cũ.
Ở Côn Sơn, Huyền Quang đã phát hiện ra Giếng Ngọc. Một công trình có ý nghĩa quan trọng về tâm linh của di tích Côn Sơn. Chuyện kể rằng, vào đêm rằm tháng 7, Huyền Quang mơ thấy một tiên ông râu tóc bạc phơ tự xưng là “Chủ thần long mạch núi Côn Sơn”, chỉ cho viên ngọc sáng lấp lánh dưới lùm cây sau chùa. Huyền Quang định với tay nhặt viên ngọc thì tiếng chuông chùa vang lên. Trời sáng, Sư cùng các tăng ni lên núi xem chỗ có viên ngọc đã phát hiện ra mạch nước trong vắt, nước ngọt, mát. Huyền Quang về chùa làm lễ tạ Sơn thần, cho khơi sâu, mở rộng, dùng đá kè thành giếng và đặt tên là Giếng Ngọc. Hơn 700 năm qua, nước Giếng vẫn tràn đầy, được dùng vào các lễ tiết của chùa. Tại Côn Sơn, Huyền Quang còn cho dựng Am Bạch Vân trên đỉnh núi Côn Sơn, làm nơi tụng kinh, tu thiền thuyết pháp. Trải qua năm tháng, kiến trúc Am Bạch Vân không còn. Qua khảo sát, các nhà khảo cổ đã phát hiện một nền kiến trúc cổ hình chữ Công (I), là dấu tích của Am Bạch Vân. Hiện nay, tại Am Bạch Vân có dựng một nhà bia theo kiểu vọng lâu, hai tầng tám mái cổ kính. Bên cạnh đó, đệ tam tổ Huyền Quang đã cho tôn tạo Ngũ Nhạc linh từ. Trên đỉnh có năm miếu thờ thần ngũ phương gọi là “Ngũ Nhạc năm phương”. Đây là vùng đất phúc mà các thần tiên ngự trị. Huyền Quang đã cho tôn tạo vùng Ngũ Nhạc, hàng năm lập đàn tế lễ cầu phúc, tránh hoạ, mong cho phong đăng hoà cốc, quốc thái dân an. Về sau quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán khi về Côn Sơn cũng cho lập Đàn Tinh Đẩu trên núi Ngũ Nhạc. Ngày nay, Ngũ Nhạc đã được tôn tạo khang trang, vào dịp lễ hội Nhà nước đều làm lễ tế trời đất mong cầu quốc thái dân an.
Một công trình gắn với Huyền Quang ở Côn Sơn là Đăng Minh bảo tháp. Ngày 23 tháng Giêng năm Khai Hựu thứ 6 (1334), Tổ Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn, Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông đã ban tước hiệu là: Côn Sơn Chân Phúc Viện, Đăng Minh Bảo Tháp Đệ Tam Thánh Tổ Trúc Lâm Đầu Đà Huyền Quang Tôn Giả, Quốc Tứ Đặc Phong Tam Giáo Trạng Nguyên Thiền Tọa Hạ và xuất ngân quỹ ban cho 10 lạng vàng, sai các tăng ni xây tháp ở sau chùa gọi là Đăng Minh bảo tháp. Về sau tháp Đăng Minh xây thời Trần bị mất. Năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719), sư Hải Ấn xây dựng Đăng Minh bảo tháp bằng đá. Trong tháp có tượng Huyền Quang bằng đá ngồi kiết già. Năm 1979, Bảo tàng tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương) đã phát hiện một tháp mộ bằng đất nung có 3 tầng ngay dưới chân tháp đá. Ngôi tháp đẹp có hoa văn phong phú, hoa dây lá đề cách điệu, hoa sen nhẵn có 4 lá cách điệu, rồng chầu trong hình lá. Các nhà khảo cổ kết luận đây là tháp Huyền Quang xây bằng đất nung thời Trần. Hiện chùa còn lưu giữ được nhiều di vật như ngói mũi hài, ngói tráng men, tảng kê chật cột, bia đá, tháp mộ đất nung thời Trần. Những di vật này minh chứng một thời vàng son của chùa Côn Sơn.
Bên cạnh những di sản vật chất, những đóng góp của Tam tổ Trúc Lâm với lịch sử chùa Côn Sơn còn gồm hệ thống các giá trị văn hóa phi vật thể. Các giá trị văn hóa ấy là cả một bề dầy lịch sử của Phật giáo gắn liền với hành trạng của Tam tổ Trúc Lâm. Dưới thời Huyền Quang, khi về trụ trì chùa Côn Sơn, Ngài đã soạn nhiều kinh sách, khai tràng thuyết pháp, tiếp tăng độ chúng, đào tạo hàng ngàn tăng ni, giảng các phẩm kinh để truyền cho bậc hậu học. Vua Trần khen “Các sách vở nói về đạo Phật do chính Huyền Quang viết ra thì không nên thêm bớt một chữ nào”. Những khoa giáo nhà Thiền đều phải qua tay Ngài cả. Nhiều khoa cúng Phật như: “Thuỷ Lục Chư Khoa”, “Đại khoa cúng Phật, dâng lục cúng Dàng – Mông Sơn thí thực chẩn tế cô hồn, kỳ nguyện quốc thái dân an” được Ngài sáng lập tại Côn Sơn. Tại Côn Sơn, Huyền Quang đã mở các cuộc đại hội chúng tăng, nghe các quốc sư giảng kinh thuyết pháp. Dưới sự trụ trì của đệ tam tổ, chùa Côn Sơn đã đi vào nếp với những sinh hoạt Phật giáo phong phú. Huyền Quang đã xây dựng Côn Sơn thành đại tùng lâm Kỳ Lân Viện, sánh vai cùng Vĩnh Nghiêm, Yên Tử, Quỳnh Lâm…
“Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm;
Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa đành”.
Sau khi Huyền Quang viên tịch, chùa Côn Sơn thờ Tam tổ Trúc Lâm như những vị Phật tổ, vị Thánh cứu nhân độ thế. Sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng về Tam tổ Trúc Lâm hình thành, phát triển và lưu truyền. Trong bia “Đệ Tam tổ bảo tháp” lưu giữ tại chùa Đại Bi có ghi chi tiết ở chùa Côn Sơn có tàng xá lị Ngài (Huyền Quang) và gặp năm hạn hán, dân xã Chi Ngại xoa rước tượng Ngài cầu đảo xin mưa gió thì thấy ứng nghiệm, tượng đưa đi đến đâu, ở đó có mưa gió, xá lị bèn hiện ra…Ngày nay, trong lễ hội Côn Sơn, người ta vẫn tổ chức rước bài vị Tam tổ Trúc Lâm ra Hồ xin nước, nhằm cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Ngày mất của Huyền Quang trở thành ngày giỗ tổ của chùa Côn Sơn, trở thành lễ hội truyền thống. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân sang, thu về nhân dân thập phương lại nô nức về dự hội để cầu đức Phật phù hộ độ trì, ban cho sức khoẻ, trí tuệ, thành đạt trên con đường công danh sự nghiệp… Đây là nét văn hoá đặc sắc của chùa Côn Sơn.
Trong lễ hội mùa xuân Côn Sơn, nhiều nghi lễ do chính Huyền Quang sáng lập được tổ chức, tiêu biểu có lễ Mông Sơn thí thực. Đây là nghi thức đại chay đàn, mang tính phát chẩn quốc gia, diễn ra nơi quốc tự. Theo quan niệm Phật giáo, thế giới cõi âm có vô vàn cô hồn không nơi nương tựa. Lập đàn thí thực để thể hiện uy linh Phật pháp và tinh thần từ bi hỉ xả cứu độ chúng sinh, cứu vớt cô hồn tại chốn Phật đường. Ngày nay, lập đàn Mông Sơn thí thực là nét đẹp văn hoá Phật giáo, thể hiện uy linh của Tam tổ Trúc Lâm; bố thí cho các cô hồn âm thế để cứu độ chúng sinh, cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình…Ngoài ra, lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ cũng được Huyền Quang khởi xướng. Nghi lễ nhằm kính cáo với trời đất mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an. Trên 700 năm qua, lễ hội truyền thống Côn Sơn không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc. Năm 2012, lễ hội Côn Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Như vậy, lịch sử chùa Côn Sơn gắn liền với công trạng của Tam tổ Trúc Lâm. Nếu đệ nhất tổ Trần Nhân Tông chọn Côn Sơn làm cơ sở ban cho việc hành đạo, giáo hóa tăng đồ; thì đệ nhị tổ Pháp Loa là người xây dựng, tôn tạo Côn Sơn thành đại già làm, thành trung tâm Phật giáo Trúc Lâm với hệ thống các công trình kiến trúc quy mô. Đến đệ tam tổ đã trực tiếp trụ trì, phát triển Côn Sơn hoàn thiện cả về quy mô kiến trúc lẫn giáo lý kinh Phật. Trải qua trên 700 năm phát triển, Côn Sơn đã trở thành nơi “quốc lễ” của đất nước, điểm hành hương không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc. Ngày nay, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự hảo tâm công đức của du khách thập phương, khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn được tôn tạo ngày càng khang trang, tố hảo./.
NGUYỄN VĂN CƯỜNG- Trưởng phòng Nghiệp vụ, Ban QLDT Côn Sơn- Kiếp Bạc
Bài đăng trên Tạp chí Thế giới Di sản, số 1+2-2017 (124+125).