Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là vị anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà tư tưởng lớn, nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự kiệt xuất của dân tộc ta. Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của ông để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, đặc biệt là tư tưởng chính trị thân dân, khoan thư sức dân và tư tưởng quân sự kiệt xuất được thể hiện qua các tác phẩm đặc sắc của mình. Bài viết phân tích và làm rõ những nội dung tư tưởng chính trị, quân sự cơ bản của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời rút ra các đặc điểm và giá trị lịch sử.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (1232-1300) là con của Yên Sinh vương Trần Liễu. Ông sinh tại làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông vốn có tài quân sự, là tôn thất nhà Trần nên cả ba lần quân Nguyên- Mông xâm lược Đại Việt, ông đều góp sức đánh giặc giữ nước. Với sự chỉ đạo chiến lược thiên tài, ông và quân dân Đại Việt làm nên chiến thắng hiển hách ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi quân Nguyên- Mông xâm lược ra khỏi bờ cõi Đại Việt. Mùa Thu tháng 8, ngày 20 năm Canh Tý (5/9/1300), Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp. Ông được triều đình phong tặng Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc Công, nhân vũ Hưng Đạo đại vương. Tác phẩm của ông gồm có: Binh gia diệu lý yếu lược còn gọi là Binh thư yếu lược; Dụ chư tỳ tướng hịch văn, còn gọi là Hịch tướng sĩ; Vạn Kiếp tông bí truyền thư- là một tác phẩm về nghệ thuật quân sự của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã bị thất lạc chỉ còn lưu giữ được lời đề tựa Vạn kiếp tông bí truyền thư tự của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Ngoài ra, ông còn để lại nhiều lời nói có ý nghĩa huấn dụ với người nắm vận mệnh xã tắc như: Đáp quốc vương tặc thế chi vấn (Trả lời nhà vua hỏi về thế giặc); Lâm chung di chúc (Căn dặn trước khi mất).
1. TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CỦA HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN
Tư tưởng chính trị là một hệ thống những quan điểm phản ánh quan hệ chính trị, kinh tế giữa các tầng lớp, các giai cấp, các quốc gia, các dân tộc mà cốt lõi của nó là vấn đề giành và giữ chính quyền, tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Tư tưởng chính trị bao giờ cũng nảy sinh từ những điều kiện kinh tế- xã hội nhất định, phản ánh và đáp ứng các quan hệ kinh tế- xã hội của một xã hội nhất định. Sau hàng ngàn năm gian khổ lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường, bền bỉ để thích nghi với tự nhiên, người Việt đã xây dựng được cho mình một nền văn hóa đặc sắc, nền văn minh sông Hồng phát triển rực rỡ, một tổ chức chính trị- xã hội thống nhất dẫn đến sự ra đời của công xã nông thôn- là một trong những tiền đề cho sự hình thành và phát triển nhà nước Văn Lang (700- 258 trước Công nguyên) và nhà nước Âu Lạc (257- 208 trước Công nguyên). Sự xuất hiện của nhà nước Văn Lang- Âu Lạc tạo ra bước phát triển mới có ý nghĩa mở đầu thời đại dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng thời đánh dấu sự ra đời của chính trị và hình thành tư tưởng chính trị. Tư tưởng chính trị thời kỳ Lý- Trần đánh dấu bước ngoặt phát triển mới về tư duy chính trị, bước chuyển căn bản từ tư tưởng chủ quyền, độc lập dân tộc sang tư tưởng xây dựng một quốc gia bền vững, phong tục phồn vinh; từ triết lý chính trị chủ yếu là bảo vệ đất nước sang triết lý xây dựng một quốc gia độc lập, cường thịnh, vận nước lâu dài, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Tư tưởng chính trị thời kỳ này được biểu hiện sinh động thông qua các quan niệm, triết lý chính trị sâu sắc về “ý dân”, “lòng dân”, “trọng dân”, “thân dân”, thể hiện một tầm nhìn chiến lược trong giai đoạn lịch sử mới: “khoan thư sức dân”, “chúng chí thành thành”, “đồng lòng”, “hòa mục”, … Sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhà Trần được tiến hành trong điều kiện mới là xây dựng nhà nước Đại Việt hùng mạnh về kinh tế, chính trị, xã hội, độc lập về chính trị, văn hóa, tư tưởng nhằm mục đích củng cố vương triều Trần, bảo vệ lợi ích của quý tộc Trần, xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền vững mạnh để phát triển kinh tế- xã hội của chính bản thân nó, cũng như bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc và đủ sức chống giặc ngoại xâm. Có thể nói, tư tưởng chính trị thời kỳ này nổi bật vẫn là tư tưởng yêu nước, thương nòi, căm thù quân xâm lược và quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc. Tư tưởng chính trị của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn không chỉ dựa trên những điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội mà còn là sự phản ánh những nhu cầu cấp thiết của xã hội Đại Việt. Tư tưởng chính trị của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn biểu hiện ở lòng yêu nước nồng nàn, ý thức về chủ quyền, độc lập dân tộc và lòng căm thù giặc sâu sắc: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù” (Viện Văn học, 1989, t. 2, tr. 391). Ông luôn đặt trách nhiệm bảo vệ đất nước lên trên hết và sẵn sàng hi sinh vì đất nước: “Dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm” (Viện Văn học, 1989, tập 2, tr. 391). Yêu nước, thương dân và căm thù giặc sâu sắc, ông kêu gọi các tỳ tướng của mình quyết tâm Sát Thát rửa nhục cho nước: “Giặc Mông Thát với ta, là kẻ thù không đội trời chung” (Viện Văn học, 1989, tập 2, tr. 391). Để làm được điều ấy, ông yêu cầu các tỳ tướng: “Phải huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho ai nấy đều giỏi như Bàng Mông, mọi người đều tài như Hậu Nghệ, có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai” (Viện Văn học, 1989, tập 2, tr. 392). Có lòng yêu nước và có niềm tin tất thắng vào cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc, ngay cả khi vận nước nguy nan nhưng Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn vẫn giữ vững khí tiết. Ông khảng khái nói với vua Trần: “Thần xin trước hết hãy chém đầu thần đi trước đã rồi sau hãy hàng giặc” (Thần thỉnh tiên trảm thần đầu, nhiên hậu hàng tặc) (Viện Văn học, 1989, tập 2, tr. 386). Tư tưởng chính trị của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn hình thành trong điều kiện phát huy, củng cố đoàn kết toàn dân tộc để chống lại quân Nguyên- Mông xâm lược. Trước họa ngoại xâm, nhà Trần đã giải quyết thích đáng mối quan hệ giai cấp và dân tộc như chia sẻ, điều hòa lợi ích, thậm chí hy sinh lợi ích giai cấp của mình và đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Bởi lẽ, đất nước, dân tộc mất đi thì lợi ích của giai cấp cũng mất đi, có bảo vệ được lợi ích dân tộc thì mới bảo vệ lợi ích giai cấp nên nhà Trần đã đưa lợi ích dân tộc lên trên lợi ích giai cấp, đồng thời thi hành nhiều chính sách tiến bộ, hạn chế sự bóc lột phong kiến của các vương hầu, quý tộc nhờ đó mà quy tụ được sức mạnh toàn dân để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước. Biểu hiện ở tư duy chính trị sắc bén của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là ở chỗ ông gắn thái ấp của các vương hầu và bổng lộc của các tướng sĩ với vận mệnh của đất nước, của vương triều. Lợi ích của các tầng lớp, của mỗi cá nhân gắn liền với lợi ích tối cao của dân tộc, của đất nước. Do vậy, tướng sĩ và nhân dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược không chỉ là bảo vệ miếu đường của tông tộc, thái ấp của vương hầu, bổng lộc của tướng lĩnh, mà cũng là bảo vệ mồ mả tổ tiên, nhà cửa, xóm làng của nhân dân. Lợi ích của mỗi người gắn liền với lợi ích tối cao của Tổ quốc, sự còn mất của mỗi người gắn liền với sự được thua của cuộc chiến. Nếu thắng được giặc thì: “Chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền, mà bổng lộc các ngươi cũng suốt đời tận hưởng; chẳng những gia thuộc ta được ấm êm giường nệm, mà vợ con các ngươi cũng trăm tuổi sum vầy; chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu mà tổ tiên các ngươi cũng bốn mùa thờ cúng; chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí, mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm; chẳng những thuỵ hiệu của ta không hề mai một, mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền” (Viện Văn học, 1989, tập 2, tr. 392). Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn thấu hiểu vị trí, vai trò to lớn của dân, đoàn kết toàn dân và bồi dưỡng sức dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Ông khẳng định: “Dân là gốc của nước” (Viện Sử học, 1977, tr. 249). Ông đề ra đường lối chiến tranh giữ nước dựa vào lòng yêu nước của toàn dân, vào ý chí quật cường bất khuất của dân tộc. Ông chỉ ra nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên- Mông xâm lược là do “dân chúng làm kế “vườn không nhà trống”; “cả nước dồn sức” (Viện Văn học, 1989, tập 2, tr. 397). Ông nhận thấy vĩ nhân, anh hùng làm nên công nghiệp là nhờ có sự ủng hộ của nhân dân, đồng lòng của quần chúng nhân dân: “Chim hồng hộc bay cao được là nhờ ở sáu cái lông cánh, nếu không có sáu cái lông cánh ấy thì cũng chỉ như chim thường thôi” (Đại Việt sử ký toàn thư, 2009, tr. 304). Về đoàn kết nhân dân, ông đánh giá cao yếu tố “đồng lòng”, “hòa mục”: “Mới rồi Toa Đô và Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, nhờ vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước dồn sức lại mà bọn chúng đành phải chịu trói” (Viện Văn học, 1989, tập 2, tr. 397). “Trên dưới cùng ý nguyện, lòng dân không chia lìa, xây thành bình lỗ mà phá được quân Tống” (Viện Văn học, 1989, tập 2, tr. 397). “Phải gây dựng được một đội quân cha con” (Viện Văn học, 1989, tập 2, tr. 397). Để dựa vào dân, ông chủ trương: “Nuôi khí dân, định khí quân” (Viện Sử học, 1977, tr. 36). Ông xem nhân dân là chủ thể, là lực lượng chủ yếu để tiến hành cuộc chiến tranh giữ nước. Nghệ thuật quân sự của ông là việc phát động toàn dân và thực hiện chiến tranh nhân dân trên nền tảng tư tưởng chính trị “lòng dân không chia”, “cả nước dồn sức”, đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân “cả nước đón giặc”, “cả nước chống giặc”, đánh giặc ở khắp nơi, đánh giặc từ nhiều phía, quét sạch quân Nguyên- Mông xâm lược ra khỏi bờ cõi. Lịch triều hiến chương loại chí có viết: “Đời Trần nhân dân ai cũng là binh, nên mới phá được giặc dữ, làm cho thế nước được mạnh” (Phan Huy Chú, 2007, tập 2, tr. 316). Ông chú ý xây dựng tình đoàn kết quân dân, quân đội và chính quyền: “Binh đi đến đâu thì người cày không bỏ ruộng, người buôn không bỏ hàng, sĩ đại phu không bỏ chức, người trong thiên hạ đều thân yêu cả” (Viện Sử học, 1977, tr. 51). “Lúc lâm trận mạc thì cùng nhau sống chết; được nhàn hạ thì cùng nhau vui cười” (Viện Văn học, 1989, tập 2, tr. 391). Trong quân có người ốm, “tướng phải thân hành đem thuốc điều trị; quân có người chết, tướng phải khóc thương; phàm có khao thưởng thì chia đều cho quan và quân; khi có hành động thì phải họp cả tướng tá để bàn, mưu đã định rồi sau mới đánh. Cho nên tướng với binh có cái ơn hòa rượu và hút máu… Tướng súy coi quân sĩ như cỏ rác thì quân sĩ coi tướng súy như cừu thù” (Viện Sử học, 1977, tr. 64-65). Chiến thắng quân Nguyên- Mông xâm lược đã để lại bài học lớn về sự đoàn kết toàn dân: “Một khi nhân dân đã đoàn kết thành một khối quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệđất nước thân yêu của mình thì có thể chiến thắng bất kỳ kẻ thù nào, dù kẻ thù đó lớn mạnh gấp mấy lần” (Hà Văn Tấn- Phạm Thị Tâm, 2003, tr. 384). Ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề bồi dưỡng sức dân. Bồi dưỡng sức dân là nền tảng cho việc cứu nước, bảo vệ độc lập dân tộc, ông chủ trương: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước” (Viện Văn học, 1989, tập 2, tr. 397). Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã khuyên can vua Trần: “Việc sửa chữa kinh thành không cần kíp lắm. Việc cần kíp triều đình phải làm ngay không chậm trễ được là ủy lạo nhân dân… Người xưa nói: “Chúng chí thành thành”, ý chí của dân chúng là bức thành kiên cố, đó mới là cái cần sửa chữa ngay. Xin nhà vua xét kỹ” (Phạm Ngọc Phụng, 1975, tr. 195).
2. TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ CỦA HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN
Qua hàng ngàn năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm, dân tộc ta để lại nhiều triết lý quân sự, tư tưởng quân sự đặc sắc. Tư tưởng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa, tổng kết tư tưởng quân sự qua các thời đại cùng với tri thức và kinh nghiệm của bản thân soạn ra hai tác phẩm quân sự nổi tiếng là Binh gia diệu lý yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Sự ra đời của các trước tác này đã khai sinh ra nền khoa học quân sự nước nhà và ông được coi là tập đại thành binh pháp truyền thống. Nghệ thuật quân sự và tài dụng binh của ông rất đặc sắc: “Phàm người khéo cầm quân thì không cần bày trận, khéo bày trận thì không cần giao chiến. Khéo giao chiến thì không thể thất bại, khéo thất bại thì không thương vong” (Viện Văn học, 1989, tập 2, tr. 600). Sự tinh diệu của các trận pháp của Trần Quốc Tuấn được Trần Khánh Dư hết lòng ca ngợi: “Quốc công ta bèn so sánh, kê cứu trận đồvà binh pháp của các nhà, tổng hợp lại thành một bộ sách… lại còn thêm bớt với chiến thuật của thời Tam đại, nhờ đó trăm trận trăm thắng. Cho nên đương thời phía bắc làm cho Hung Nô phải sợ, phía tây làm cho Lâm Ấp phải kinh” (Viện Văn học, 1989, tập 2, tr. 600). Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn chú ý đến xây dựng quân đội hùng mạnh, coi trọng chất lượng hơn số lượng và quý ở sự tinh nhuệ: “Quân cần tinh không cần nhiều” (Đại Việt sử ký toàn thư, 2009, tr. 312). Quân quý ở sự tinh nhuệ, thiện chiến: “Quân cần giỏi không cần nhiều. Nên chọn những người khỏe mạnh mà dùng, không lấy nhiều người nhỏ yếu để thêm số lượng” (Viện Sử học, 1977, tr. 34). Ông cho rằng: “Ít có thể thắng nhiều, yếu có thể thắng mạnh” (Viện Sử học, 1977, tr. 224). Quân được hay thua là ở tướng: “Người tướng giỏi đứng đắn mà hay biến hóa, cứng cát mà hay thương người, nhân từmà hay quyết đoán, dũng cảm mà hay tường tất, lấy sách lược mà chế ngự quan quân” (Viện Sử học, 1977, tr. 60). Cho nên: “Tướng giỏi là người giữ tính mệnh của dân, là người chủ an nguy của nhà nước vậy” (Viện Sử học, 1977, tr. 114). Ông đề cao vai trò của tướng sĩ tinh nhuệ trong chiến đấu: “Kể ra, tướng là chí, ba quân là khí. Khí dễ động mà khó chế. Do tướng chế mà trấn tĩnh thì sợ hãi có thể định, phản trắc có thể yên, trăm vạn quân có thể tiêu diệt được. Chí ngay thẳng mà mưu có một, khí phấn khởi mà dũng gấp đôi thì thắng” (Viện Sử học, 1977, tr. 68). Ông cho rằng, một quân đội mạnh cần hội đủ 5 yếu tố: “Sửa sang binh khí; có đủ quân lính và xe cộ; súc tích nhiều; rèn luyện sĩ tốt; kén được tướng giỏi”. Ông đưa ra 8 tiêu chí chọn người và tuyển người: “Hỏi bằng lời nói xem trả lời có rõ ràng không; gạn gùng bằng lời lẽ xem có biến hóa không; cho gián điệp xem có trung thành không; hỏi rõ ràng tường tất để xem đức hạnh thế nào; lấy của mà thử xem có thanh liêm không; lấy sắc đẹp mà thử xem có đứng đắn không; lấy việc khó khăn mà thử xem có dũng cảm không; cho uống rượu say xem có giữ được thái độ không” (Viện Sử học, 1977, tr. 35). Ông quan tâm chăm lo rèn luyện tướng sĩ để họ nâng cao trình độ, ý thức và khả năng chiến đấu. Ông đã dày công nghiên cứu binh pháp để soạn ra bộ Binh thư yếu lược và sưu tập binh pháp các nhà, làm thành Bát quái cửu cung đồ, đặt tên là Vạn Kiếp tông bí truyền thư để truyền dạy cho các tướng lĩnh tôn thất nhà Trần, luyện tập quân sự cho tướng sĩ và đào tạo nhiều võ quan cho nhà nước. Ông căn dặn: “Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là nghịch thù” (Viện Văn học, 1989, tập 2, tr. 392). Ông răn dạy các tướng của mình: “Thanh liêm về của cải, tiết kiệm về tiêu dùng, lơ là về rượu, giữ mình theo lễ, thờ bề trên lấy trung, vui lo cùng quân lính, lấy của địch mà không tích trữ, bắt phụ nữ địch mà không giữ riêng, nghe mưu mà dùng người, gặp ngờ mà phán đoán, dùng mà không lấn người, nhân mà không bỏ phép, giấu tội nhỏ răn tội lớn, phạm lệnh không kể là thân, thưởng không nghĩ đến thù, người già thì nâng đỡ, người trẻ thì vỗ về…” (Viện Sử học, 1977, tr. 62). Ông lên án những kẻ “lo làm giàu mà quên việc nước” và đòi hỏi quân sĩ phải đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Trong xây dựng quân đội, ông đề nghị vua Trần kén chọn người tài, người hiền mà trao cho quyền bính, xây dựng đội quân cha con rồi mới dùng thì mới tạo nên sức mạnh “chúng chí thành thành”. Thực tiễn cuộc kháng chiến chống quân Nguyên- Mông đã cho thấy tổ chức quân đội và xây dựng lực lượng vũ trang của ông là đúng đắn, sáng tạo. Ông đã để lại cho dân tộc ta những tư tưởng chính trị, quân sự tiến bộ làm nền tảng cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn chủ trương thực hiện chiến lược: “Giặc cậy trận dài, ta cậy binh ngắn, lấy ngắn chế dài là lẽ thường của binh pháp” (Bỉ thị trường trận, ngã thị đoản binh, dĩ đoản chế trường, binh pháp chi thường dã) (Viện Văn học, 1989, tập 2, tr. 397). Thực chất tư tưởng “dĩ đoản chế trường” là “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh lấy nhỏ thắng lớn, dùng quân được trang bị yếu hơn để đánh đối phương có trang bị mạnh, phát huy mặt mạnh của ta, hạn chế mặt mạnh của đối phương để thắng địch” (Từ điển thuật ngữ quân sự, 2007, tr. 209). Nghệ thuật “dĩ đoản chế trường” của ông mà vấn đề nổi bật là tránh cái mạnh của địch, lấy cái mạnh của ta để đánh cái yếu của địch. Trong Binh thư yếu lược, ông viết: “Phàm hay lấy ít mà thắng nhiều, lấy yếu mà địch mạnh, lấy nhỏ mà chế lớn, thế mới gọi là thiện chiến” (Viện Sử học, 1977, tr. 236). Trên nền tảng quân sự “dĩ đoản chế trường”, trong thực tiễn chỉ đạo các cuộc kháng chiến, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã tạo nên một nghệ thuật quân sự độc đáo: Nghệ thuật chỉ đạo rút lui chiến lược; Nghệ thuật tạo thế, tạo thời cơ phản công chiến lược; Nghệ thuật tạo thế trận cả nước đón giặc, cả nước chống giặc, trăm họ đều là quân lính (Bách tính giai binh). Đó là những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, mãi mãi trường tồn với thời gian. Quân Nguyên- Mông sang xâm lược nước ta, chúng phải đi xa và mệt mỏi nên ông chủ trương: “Lấy gần đợi xa, lấy nhàn đợi nhọc, lấy no mà đợi đói” (Viện Sử học, 1977, tr. 228). Quân giặc đông lại mạnh và thiện chiến nên khi giao tranh với giặc, ông chủ trương tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu của địch: “Việc binh nên nhằm vào chỗ dễ mà tránh chỗ khó. Uy dữ thì tan, sắc nhọn thì gãy. Cho nên, địch mang quân đến, thế không ở lâu được. Thế bách, kíp muốn thắng ngay, thì ta cầm. Địch đánh có lợi, ta đánh không có lợi, thì ta cầm… Cầm cho nó đã mệt, bấy giờ ta nổi dậy mà đánh, thì sức vẹn mà công nhiều. Đánh gấp thì thừa cơ, lợi hoãn thì cầm lại. Thấy chắc thì phòng, thấy mạnh thì tránh, trêu cho nó tức, nhún cho nó kiêu, nó nhàn thì khiến cho nó nhọc kéo dài để bền sức mình, cầm lâu để cầm khốn địch. Dùng sau làm trước, đó là điều bí của phép binh” (Viện Sử học, 1977, tr. 190).Cầm để cho giặc khốn, nó khốn thì ta nhàn, “lấy nhàn mà đánh khốn” để làm giảm nhuệ khí của chúng vừa đánh vừa lui đưa chúng vào thế của ta rồi mới phản công và tiến công. Phải đối phó với một đội quân xâm lược hùng mạnh, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn phát huy nghệ thuật chỉ đạo rút lui chiến lược một cách chính xác để bảo toàn lực lượng là nét nổi bật trong tài năng quân sự của ông nhằm “tránh cái thế hăng hái lúc ban mai” của địch, nhử cho chúng vào trận địa của ta, phân tán và chia cắt lực lượng làm cho đội kỵ binh địch bị dàn mỏng trên địa hình sông ngòi chật hẹp mà không phát huy được tác dụng. Lợi dụng sở đoản, kiềm chế sở trường của địch, phát huy sở trường của ta là quen đánh giặc ở vùng sông nước và ven biển, buộc địch phải bị động tác chiến theo ý định tác chiến của ta. Dùng kế “thanh dã”, thực hiện chiến tranh nhân dân đánh địch từ nhiều phía, nhân dân đánh trả quyết liệt những nơi mà giặc tới hoặc khi chúng đi qua làm cho chúng không cướp được lương thực, muốn đánh chiến lược cũng đánh không được, triệt lương thực và cắt đường tiếp tế, giặc luôn bị đánh du kích từ nhiều phía nên tinh thần nhuệ khí giảm sút, sinh lực bị tiêu hao, khốn đốn về lương thực đẩy chúng vào cái thế “khí tàn lụi lúc chiều tối”, nắm thời cơ khi địch quẫn bách để phản công chiến lược, phục kích, tập kích, đánh những trận chiến lược mang tính quyết định để giành toàn thắng. Ông từng nói: “Bậc thánh võ trị đời, đánh ở chỗ không thành, công ở chỗ không có lũy, chiến ở chỗ không có trận. Nhẹ nhàng như mưa rơi trên không, dựng nên cuộc đời vô sự” (Viện Sử học, 1977, tr. 39). Ông đã thực hiện nhiều mưu cao, mẹo giỏi: “Trí không bằng mưu, sức mạnh không bằng quyết đoán”; “Người giỏi thắng không cần thắng nhiều lần mà cần toàn thắng, cần đảm bảo thắng” (Viện Sử học, 1977, tr. 189). Đó là nghệ thuật quân sự, phép dùng binh tinh diệu, là sự biểu hiện sáng tạo tư tưởng dĩ đoản, chế trường mà Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã vận dụng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên- Mông xâm lược. Tư tưởng này đã được ông đưa tới đỉnh cao của nghệ thuật quân sự đương thời.
3. KẾT LUẬN
Có thể nói nghệ thuật quân sự trong 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên- Mông là đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân của dân tộc ta trong thời đại phong kiến mà người đề ra và vận dụng thiên tài chiến lược, chiến thuật chiến tranh nhân dân đó không ai khác là Hưng Ðạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông xứng danh là một trong những anh hùng kiệt xuất nhất của dân tộc qua mọi thời đại và được tôn vinh là một trong 10 vị danh tướng vĩ đại nhất của thế giới. Những hạt nhân tích cực, những quan điểm tiến bộđược chắt lọc từ tư tưởng yêu nước, tư tưởng “khoan thưsức dân” và tư tưởng quân sự thiên tài của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Bài học lấy dân làm gốc và tư tưởng “khoan thư sức dân” của ông không chỉ có giá trị trong lịch sử mà đến nay vẫn còn tỏa sáng.
PHẠM TRƯỜNG SINH
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học Xã hội số 4(176)