Một hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia nhưng lại làm ở sân chùa. Đại biểu phần đông là tín đồ phật tử và khách hành hương… Lần đầu tiên quê hương và xuất xứ của Huyền Quang Tôn giả – vị thiền sư được xem là Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm được thảo luận và cũng là lần đầu tiên lễ hội chùa Côn Sơn được đề nghị định lại ngày phù hợp.
Một hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia nhưng lại làm ở sân chùa. Đại biểu phần đông là tín đồ phật tử và khách hành hương… Lần đầu tiên quê hương và xuất xứ của Huyền Quang Tôn giả – vị thiền sư được xem là Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm được thảo luận và cũng là lần đầu tiên lễ hội chùa Côn Sơn được đề nghị định lại ngày phù hợp.
Đó chính là Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy di sản Đệ tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang và Lễ hội Côn Sơn được Sở VH,TT&DL Hải Dương phối hợp Viện Nghiên cứu VHNT Việt Nam tổ chức nhân ngày Giỗ Huyền Quang Tôn giả 23 tháng Giêng.
Trong cái không gian mở ấy, khách hành hương có thể dự hội thảo một cách tự giác, như thể tự giác về Côn Sơn đi lễ sư tổ Huyền Quang để nương theo gương người mà sửa mình. Ấy cũng có thể là một thành công của hội thảo. Trong cái không gian rợp bóng cổ thụ và áo cà sa ấy, người ta đương bàn về giá trị của tư tưởng nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm. Việc ấy với Sở VH,TT&DL Hải Dương là quá sức, nên mới phải cậy đến các nhà khoa học, nhà sử học, nhà nghiên cứu thiền học… Thơ văn Huyền Quang được treo bên lề hội thảo, được viết lên đĩa sứ tặng đại biểu. Có lẽ đây là lần đầu tiên vị chân tu được xem là Đệ tam Tổ Trúc Lâm Thiền phái được vinh danh như một nhà văn hoá, một thi nhân giữa bát ngát gió xuân nồng nàn hương khói và vạn người trẩy hội.
Hẳn trong một cuộc hội thảo ngắn, người xứ Đông muốn làm một việc lớn là tôn vinh danh nhân và di sản văn hóa Côn Sơn gắn với Đức Tôn giả Huyền Quang. Gần bảy trăm năm có lẻ, một con người đã vào cõi huyền thoại với bao nghi án lịch sử và văn chương như Huyền Quang Lý Đạo Tái thật khó để nói hết chuyện vào trong một ngày. Chao ôi, cơ man nào là chuyện về ngài. Chuyện quê quán ông ở đâu, học hành đỗ đạt rồi ra làm quan trong triều và vì sao xuất gia đầu Phật, chuyện dính líu đến cung phi Điểm Bích thời xuất gia về Yên Tử vì sao mà vua Trần sau đó vẫn trọng vọng? Rồi thì chuyện tu hành, làm thơ… Bấy nhiêu câu chuyện mờ tỏ là bấy nhiêu điều cần làm sáng rõ. Điều mà người tổ chức hội thảo hướng đến là giá trị tư tưởng của nhân vật lớn Huyền Quang và vấn đề phát huy giá trị ấy cho thời nay ra sao. Khoa học đấy mà tính xã hội là ở đấy.
Khởi thủy, Lý Đạo Tái quê quán ở làng Vạn Tải, lộ Bắc Giang Hạ nay thuộc xã Thái Bảo huyện Gia Bình, Bắc Ninh. Tổ Huyền Quang tướng mạo khác người, tư chất thông minh, chí khí của một bậc trác việt.
Nhiều tham luận đều thống nhất quan điểm tôn vinh danh nhân văn hoá Huyền Quang. Ông là một nhà tu hành lỗi lạc và là một thi sĩ lớn của dân tộc thời đại nhà Trần. Tư tưởng nhập thế và giải thoát trong thuyết lý của Thiền phái Trúc Lâm mà tiêu biểu là Đệ tam Tổ Huyền Quang đã được lý giải một cách biện chứng gắn với hoàn cảnh lịch sử. Ngài sinh đúng ngày mùng Một Tết năm 1254 và mất 23 tháng Giêng của 80 năm sau. Năm Bảo Phù thứ 2 Lý Đạo Tái đỗ Trạng nguyên. Bao nhiêu người quyền quý ngay lập tức muốn gả con gái cho vị Tiến sĩ trẻ. Vua ban mệnh gả công chúa Liễu Nữ nhưng ngài không nhận. Ngài tận hiểu nhân tình thế thái mà chối từ tất cả, bởi lúc hàn vi nghèo khó, người làng không ai giao du, chưa nói gì đến hàng quý tộc. Bởi thế vùng Kinh Bắc còn có thơ rằng: Lúc nghèo thì chẳng ai nhìn/ Đến khi đỗ Trạng tám nghìn nhân duyên. Được bổ làm quan trong triều, nhiều lần phụng mệnh tiếp sứ Bắc nhờ tài thông kim bác cổ viện dẫn kinh nghĩa làu làu. Cho đến lúc theo nhà vua lên chùa Vĩnh Nghiêm huyện Phượng Nhãn nghe quốc sư Pháp Loa còn ít tuổi thuyết pháp, ngài ngộ ra tiền duyên mà than rằng: Làm quan là lên được Bồng Đảo, đắc đạo mới đến được Phổ Đà. Đó chính là cảnh tiên nơi trần thế. Phú quý vinh hoa cũng chỉ như chiếc lá đỏ mùa Thu, đám mây trắng mùa Hạ có gì luyến tiếc đâu. Nhiều lần dâng biểu từ quan để xuất gia đầu Phật, ngài đã được vua phê chuẩn. Từ đó thụ giáo Pháp Loa quốc sư đặt Pháp hiệu Huyền Quang. Chọn kiếp tu hành, ngài cùng hai vị tổ du ngoạn khắp nước, được vua ban cho toà trầm hương để giảng kinh cho học trò, ban sắc chỉ truyền soạn chư phẩm kinh và khảo văn. Sách ngài viết không thể nào thêm bớt dù một chữ. Với quê hương, gia đình, ngài là người con hiếu nghĩa. Thiền Tông Việt Nam cổ vũ tranh đấu, kêu gọi chúng sinh không sợ những người cầm dao cầm kiếm trừ kẻ hung ác tàn bạo mới chính là người tu Đại Thừa. Cũng như Phật hoàng Trần Nhân Tông đề cao tư tưởng sống cõi tục mà ngộ đạo: Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết sức/Sơn lâm chẳng cốc hoạ kia thật cả uổng công. Thiền phái Trúc Lâm lấy sự giác ngộ trong lòng làm gốc mong muốn mang Phật đến cho mọi nhà, mọi người đồng thời gắn Phật với đời thực, với vận mệnh dân tộc. Sau khi chu du thiên hạ, Huyền Quang về trụ trì Côn Sơn tự sau khi trụ trì chùa Hoa Yên, rồi chùa Thanh Mai. Côn Sơn tự như là chốn về của Tổ Huyền Quang. Bia Côn Sơn đề năm Thiệu Phong thứ 17 (1356) ghi: “Xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhỡn có cổ tích danh lam là chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc vốn là nơi Tự pháp Đệ tam Tổ Trần triều Huyền Quang Ma Ha đại tôn giả trụ trì”.
Đạo hạnh của Huyền Quang cao siêu nên lớp lớp đệ tử về đây tu luyện. Tấm gương và tư tưởng nhập thế của ngài khiến người đời phải khâm phục và câu chuyện Điểm Bích chính là phép thử của người đương thời đối với vị chân tu. “Huyền Quang lão tăng sao sinh ra đã sắc sắc không không, như nước không gợn sóng, gương không phủ bụi trần. Như vậy là gạt bỏ ham muốn hay không có ham muốn?”. Cũng chính là Phật như vậy nên người đời mới tạo nên huyền thoại Điểm Bích cung nữ để mãi mãi về sau đạo hạnh ấy của ngài được sáng mãi, được nhà vua thêm tôn kính phong là Tự Pháp…
Từ xa xưa, hằng năm theo lệ vào ngày mất Đức Thánh Trần và ngày giỗ Huyền Quang, Côn Sơn và Kiếp Bạc đón triều đình và quần thần dân chúng muôn nơi kéo về lễ bái, trẩy hội. Núi Hun (Côn Sơn tự) và danh thắng Côn Sơn được Nhà nước xếp hạng đợt đầu tiên 1962. Bảy trăm năm nay lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc được xem như quốc lễ mang sắc thái tâm linh khác lạ với các lễ hội tâm linh khi phật tử hướng về cõi thực mà tu thân, giúp nước. Nhiều tham luận đề nghị đưa rừng Côn Sơn thành vườn Quốc gia để không gian văn hoá Côn Sơn thành nơi hành hương về chốn Tổ thiêng liêng mà ở đó mỗi người thành tâm sửa mình, đặng sống hoà hợp đạo – đời…
Sự nghiệp và thơ văn Huyền Quang sáng láng. Có những uẩn khúc cho đến nay người hậu thế vẫn chưa lý giải hết, nhưng hội thảo khoa học là thế, hãy nói những điều còn nghi vấn, chứng minh lý giải một chi tiết về con người và sự kiện thôi cũng đã có đóng góp. Cuộc hội ngộ như một sự hoà hợp đạo – đời để nhà khoa học cùng các vị tăng ni phật tử bên nhau đàm đạo về tiền nhân, làm sáng tỏ chân lý và tôn vinh một danh nhân, một di sản. Ông Cục trưởng Cục Di sản văn hoá Đặng Văn Bài bày tỏ: “Giá trị tư tưởng đạo đức của Thiền phái Trúc Lâm đã làm nên sự trường tồn của Phật phái. Các kiến trúc Phật giáo hài hoà di sản thiên nhiên làm tôn thêm vẻ đẹp không gian nơi này. Bàn cờ Tiên, Thanh Hư động, Thạch Bàn, chỉ có thể thành di sản khi có sự hiện diện của con người. Côn Sơn là chùa và danh thắng. Chùa cũng là bảo tàng kiến trúc, nơi bảo tồn cổ vật, bảo vật… Bác Hồ từng về Côn Sơn. Người tôn vinh tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi và đã chỉ thị biến Côn Sơn thành chốn Tùng Lâm. Ngôi nhà tranh Bác nghỉ trưa năm nào, cần thiết nên tư liệu hoá để lưu lại dấu tích khi Người về chốn Tổ Trúc Lâm…”.
Mừng là vài năm nay người Hải Dương mà trực tiếp là ngành VH,TT&DL đã đầu tư công sức trùng tu tôn tạo di tích thắng cảnh Côn Sơn. Hàng chục di tích đã được tôn tạo bài bản, với Bàn cờ Tiên, với Ngũ Nhạc linh từ, với đền thờ Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán… Thông trên núi Côn Sơn đã rợp bóng cổ thụ. Rừng Côn Sơn đã có tiếng suối reo… Tất cả để mà tôn vinh di sản văn hoá lớn của đất nước, gắn với Tam tổ Trúc Lâm…
Tân Linh (vanhoa)
Nguồn http://www.giacngo.vn