ĐỨC THÁNH TRẦN – MỘT VỊ THẦN TRỊ THỦY

Theo dòng chảy của thời gian, khi người ta có việc phải đến “kêu cầu” ở “cửa” Ngài, thì không mấy người còn biết được rằng Ngài đã từng là một thiên tài quân sự (cả ở lĩnh vực lý luận và thực tiễn). Như vậy, từ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đến Đức Thánh Trần là cả một quá trình chuyển hóa đầy sáng tạo của dân gian

 

LTS: Ngày xưa, khi tiếng pháo gọi xuân bắt đầu ngập ngừng nổ, con người như tỉnh giấc và tâm tư thoáng phiêu diêu vào cõi “hư sinh”. Công việc nhà nông tạm được xếp lại để chuẩn bị đón một chu trình thời gian mới. Người ta cảm thấy gần gũi hơn với thế giới phi vật thể, thế giới thần thánh và nhất là với các kiếp đời đã qua (tổ tiên). Trong sâu thẳm của tâm hồn Việt, người cha thiêng liêng và người mẹ vũ trụ luôn được cầu viện tới – Đức Thánh Trần và Mẫu Liễu – mà không ai cần quan tâm tới ngày hội gắn riêng với các Ngài. Để hiểu rõ thêm một khía cạnh về Đức Thánh Trần trên dòng chảy của tư duy dân gian, Ban biên tập Tạp chí Di sản văn hoá xin giới thiệu với bạn đọc một vài nhận thức mới của tác giả Võ Hoàng.

Trong hệ thống thần điện của người Việt, Đức Thánh Trần có một vị trí và vai trò khá đặc biệt: Từ một anh hùng dân tộc có thật trong lịch sử với những chiến công hiển hách (2 lần chỉ huy quân đội đánh thắng giặc Nguyên – Mông – kẻ thù xâm lược khét tiếng nhất thời Trung cổ, không phải chỉ đối với riêng nước Đại Việt nhỏ bé, mà còn là nỗi kinh hoàng của nhiều cường quốc hùng mạnh hơn), Ngài bước vào không gian thiêng liêng của đời sống tâm linh dân gian trong hình ảnh một vị thần có thể diệt trừ được tà ma và bệnh tật, đặc biệt là bệnh tật của phụ nữ và trẻ em. Theo dòng chảy của thời gian, khi người ta có việc phải đến “kêu cầu” ở “cửa” Ngài, thì không mấy người còn biết được rằng Ngài đã từng là một thiên tài quân sự (cả ở lĩnh vực lý luận và thực tiễn). Như vậy, từ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đến Đức Thánh Trần là cả một quá trình chuyển hóa đầy sáng tạo của dân gian, để rồi phần “lịch sử cụ thể” có thể bị mờ nhạt, nhưng phần “hiển thánh” của Ngài thì ngày một linh thiêng, đậm nét, và nếu tiếp tục bóc tách các lớp văn hóa chúng ta sẽ được thấy ở Ngài nhiều vai trò khác nhau, trong niềm tin tưởng và tôn thờ của biết bao thế hệ người Việt.

Như rất nhiều vị thần linh khác, sự ra đời của Đức Thánh Trần trong con mắt dân gian mang đầy vẻ huyền diệu và khác thường, cho dù cha mẹ Ngài đều là “người trần mắt thịt” (cha là An Sinh vương Trần Liễu, mẹ là Lý Thị Nguyệt – tức Thuận Thiên công chúa): “Khi trước An Sinh vương phu nhân, nằm mơ thấy một ông thần “tinh vàng tướng ngọc” tự xưng là Thanh Tiên đồng tử phụng mệnh Ngọc Hoàng xuống xin đầu thai, nhân thế có mang. Đến lúc sinh ra, Vương có hào quang sáng rực cả nhà và có mùi hương thơm ngào ngạt”(1). Trần Đại Vương bình Nguyên toàn biên chép: “Đại Vương húy là Quốc Tuấn, sinh ngày 10 tháng 12 năm Kiến Trung thứ 2 (1226). Lúc đầu Thiện Đạo quốc mẫu (Lý Thị Nguyệt, Thuận Thiên công chúa) mơ thấy một vị “kim tinh ngọc tưởng” nói là Thanh Y đồng tử phụng mệnh Ngọc Hoàng thượng đế trao cho ấn kiếm, lại có “tam bảo ngũ tài” nguyện làm con. Sau khi tỉnh dậy, quốc mẫu có thai. Lúc sinh hào quang sáng rực cả nhà, mùi hương tỏa khắp. Ngày hôm sau có đạo sĩ gõ cửa xin gặp. Yên Sinh vương nói: “Tiên sinh từ xa đến có việc gì?”. Đạo sĩ đáp: “Đêm qua xem thiên văn thấy có vì sao sa vào đây, vậy xin đến yết kiến”. Yên Sinh vương sai bế con ra cho đạo sĩ xem. Đạo sĩ nhìn dung mạo Quốc Tuấn liền quỳ xuống bái và nói: “Vị nhi đồng này ngày sau tất sẽ giúp nước cứu đời, làm quốc gia rạng rỡ”. Nói xong không thấy đạo sĩ đâu nữa”(2). Là người “nhà trời” nên những công trạng mà Trần Hưng Đạo lập được lúc sinh thời cũng dần được thần thánh hóa bằng những huyền thoại, trong đó dân gian tập trung đặc biệt vào câu chuyện liên quan đến Phạm Nhan và thanh kiếm thần. Hầu như mọi truyền thuyết dân gian về Đức Thánh Trần mà chúng ta đã được biết hầu hết đều gắn với thanh kiếm thần của Ngài. Xuất thân là một võ tướng nên thanh kiếm, chứ không phải bất kỳ vật dụng nào khác, là vật bất ly thân của Ngài cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để có được một sức mạnh trong tâm linh dân gian thì đó không đơn giản chỉ là một thanh kiếm giết giặc mà phải trở thành một thanh kiếm thần, để có thể chống lại được tà ma ác quỷ, mà hiện thân của quỷ chính là Phạm Nhan. Phạm Nhan còn có tên là Nguyễn Bá Linh, là con của Long Vương (chính là rắn thần) và một người phụ nữ nước Nam (ở Đông Triều), cho dù bà này đã có chồng là một lái buôn người Phúc Kiến. Cũng có chuyện cho rằng, Nguyễn Bá Linh là con của người lái buôn ấy. Nhưng cho dù là con của ai, Bá Linh cũng là đại diện cho cái ác, cho sự phản bội, cho tà ma… đáng phải trừng trị, lên án. Mô típ “rồng/rắn phủ” khá phổ biến trong dân gian, kết quả của những “mối tình” này thường là những người – rắn có sức mạnh siêu phàm, và đó chính là những thủy thần trong thần điện dân gian. Tuy nhiên, biểu tượng rắn trong dân gian luôn có tính 2 mặt, như yếu tố nước của dòng sông (vừa mang lại lợi ích, vừa gieo tai họa cho con người): Những vị luôn cứu nhân độ thế thì sẽ trở thành phúc thần (như Linh Lang…), và có những kẻ phản nước, hại dân, thường trở thành tà thần, như Phạm Nhan: “… Nguyễn Sĩ Thành chết rồi lại được sống lại, tự nói ra việc trên thiên đình rằng: Đông Triều có người con gái là vợ tên khách buôn Phúc Kiến, nằm mộng giao cấu với con long tinh, đẻ ra con làm loạn tặc nước Nam. Thượng đế nghe thấy thế, lập tức sai Thanh Y Đồng Tử xuống trần thế để trị giặc đó. Bấy giờ bà phu nhân Trần Liễu nằm mộng thấy đứa bé mặc áo xanh chạy vào trong bọc mà sinh ra Quốc Tuấn. Đến khi quân Nguyên sang xâm lược nước Nam, có tên Nguyễn Bá Linh làm tướng, là con người con gái Đông Triều, quả nhiên bị Quốc Tuấn bắt được ở An Bang, rồi giết đi”(3). Truyền thuyết ở vùng đền Dầm (Thường Tín – Hà Tây) còn chỉ rõ rằng Phạm Nhan là một thủy quái rất hiểm độc, hung ác và có nhiều phép lạ. Phạm Nhan rất khó bị tiêu diệt vì cứ chém đầu nọ thì lại mọc đầu khác. Tà thuật của Phạm Nhan khiến người ta nhớ tới hình ảnh của dòng nước sông, tuy mềm mại và không có hình thể cố định, nhưng vào mùa lũ nó lại có sức mạnh to lớn vô cùng khiến cho con người khó lòng kiểm soát nổi, bởi cứ chắn được chỗ nọ lại bị bục ra ở chỗ kia… Và, như vậy hình ảnh Trần Hưng Đạo vung kiếm chém Phạm Nhan phần nào gần gũi với tích truyện ông Hoàng Lệ Mật chém rắn, một biểu tượng xa xưa về việc trị thủy. Trong bối cảnh này Phạm Nhan không còn là một tên phản bội “cõng rắn cắn gà nhà”, mà là một loài thủy quái luôn dâng nước tạo nên lụt lội. Còn thanh kiếm (hay gươm) không đơn thuần chỉ là binh khí, mà đã trở thành vật linh tượng trưng cho chớp, cho sấm sét – một biểu tượng của lửa. Do vậy: “Nhúng gươm xuống nước cũng là biểu thị thế lưỡng phân Nước – Lửa: Lửa trị nước, nước rút, nghi lễ chống lụt”(4). Truyền thuyết dân gian đã cho chúng ta thấy rằng không chỉ một lần Trần Hưng Đạo thực hiện nghi lễ chống lụt. Người dân vùng Kiếp Bạc tới nay vẫn nhớ được rằng, khi thiên hạ đã thái bình, trong một lần dạo chơi trên sông Thương, Trần Hưng Đạo đã thả thanh kiếm của mình xuống dòng sông, đời sau truyền lại, với hành động này Ngài mong nhờ nước sông rửa sạch mọi vết nhơ bẩn của trận mạc, và nơi đó đã hiện lên một bãi bồi có hình thanh kiếm, như để ghi dấu sự tích này, Giờ đây “thanh kiếm thần” đó vẫn còn nằm trước cửa đền Kiếp Bạc(5). Như vậy, có thể đưa ra một giả thiết rằng: Đức Thánh Trần còn là một vị thần chống lụt trong tâm thức dân gian. Chúng tôi cho rằng, có lẽ trước thời Trần, về việc trị thủy thì Nhà nước quân chủ chưa có sự quan tâm đầy đủ, cũng có thể đã cố gắng rất nhiều nhưng chưa thu được kết quả như ý. Đến thời Trần, việc này đã được Nhà nước đặc biệt chăm lo: “Mậu Thân, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 17 (1248)… Tháng 3, lệnh các lộ đắp đê phòng lụt, gọi là đê quai vạc, từ đầu nguồn đến bờ biển, để ngăn nước lũ tràn ngập.

Đặt chức Hà đê chánh phó sứ để quản đốc. Chỗ đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo giá trả lại tiền. Đắp đê quai vạc là bắt đầu từ đó”(6). Trong hoàn cảnh ấy, Trần Hưng Đạo đã từ một anh hùng trong cuộc chiến tranh giữ nước trở thành người anh hùng trong công cuộc xây dựng đất nước. Có thể, Trần Hưng Đạo đã không chỉ đánh thắng giặc ngoại xâm, mà còn cùng với nhân dân chế ngự được phần nào dòng chảy hung dữ của sông Hồng vào mùa nước lên (như đắp đê chẳng hạn). Và dân gian đã đồng nhất việc đắp đê thành công với việc chém được đầu Phạm Nhan – một loài thủy quái. Sau khi Trần Hưng Đạo qua đời, cuộc đời và sự nghiệp của ông đã được huyền thoại hóa, để ông trở thành một vị thánh trong tín ngưỡng dân tộc, luôn hiển linh để giúp dân trị thủy, trị bệnh. Nếu điểm lại các di tích thờ Đức Thánh Trần ở châu thổ Bắc Bộ, chúng ta sẽ thấy rằng ở những vùng ven sông, ven biển có số lượng di tích thờ Ngài tập trung đậm đặc hơn. Cho dù đó là địa bàn hoạt động chính của Ngài lúc sinh thời, và vương triều Trần có nguồn gốc xuất thân từ dân chài, nhưng nếu dân gian không tin rằng uy đức của Ngài cùng với sức mạnh huyền linh của thanh kiếm thần mà Ngài vẫn luôn mang theo bên mình không có khả năng trấn áp được mọi loài thủy quái, thì có lẽ người ta đã không tự nguyện và tự động lập đền thờ Ngài ở những nơi cạnh sông, sát biển nhiều đến như vậy. Bởi tính “thực dụng” nông dân của người Việt được thể hiện rất rõ rệt trong ứng xử với thần linh: Vị thần nào theo họ là “thiêng”, thì phải thỏa mãn được những lời cầu xin của họ, sẽ luôn được lập đền, miếu thờ. Mà, một trong những lời cầu xin quan trọng nhất của những cư dân Việt cổ sống ở ven sông, ven biển luôn là sông có đủ nước nhưng không được gây ra lũ lụt, và “trời yên, biển lặng”, để những vụ mùa của họ luôn được bội thu. Có lẽ tín ngưỡng Đức Thánh Trần đã đáp ứng được phần nào nhu cầu tâm linh của những người dân nơi đây. Khi mà điều kiện khoa học kỹ thuật lúc bấy giờ chưa cho phép họ có được khả năng điều tiết nguồn nước, nên trong ý thức của người dân thì cần thiết phải có một vị thần đứng ra để bảo trợ việc này. Xuất phát từ bối cảnh lịch sử cụ thể của xã hội Đại Việt thời Trần (chính quyền đương thời rất coi trọng và đã đưa ra những chính sách khuyến khích việc đắp đê, làm thủy lợi và khai hoang) với những chiến công có lẽ không chỉ ở chiến trường, mà gắn với anh hùng Trần Hưng Đạo, thì trong dân gian còn nhìn thấy ở Ngài hình ảnh của một vị thần trị thủy.

Việc Đức Thánh Trần chém được đầu Phạm Nhan không chỉ khẳng định quyền lực siêu phàm của Ngài trong cuộc chiến đấu với tà thần, với cái ác, mà còn như một cơ sở để cho người dân mỗi khi đau ốm, hoạn nạn – nhất là phụ nữ và trẻ em – lại tìm đến để mong nhận được một sự trợ giúp huyền diệu nhưng cũng không kém hiệu quả của Ngài: “Đàn bà sinh sản đau yếu, hoặc con gái hiếm muộn thường cho là bệnh Phạm Nhan làm, hoặc là tiền kiếp phu thê ghen tuông, hoặc là bị thạch tinh cốt khí yêu ma quỷ quái ám ảnh mà thành bệnh. Người có bệnh đem vàng hương trầu rượu đến cửa điện lễ bái, nhờ thanh đồng kêu khấn xin Thánh trừ tà cho”(7). Còn đối với những đứa trẻ hay bị ốm đau sài đẹn, dân gian cho là khó nuôi, sẽ được bố mẹ chúng bán khoán cho Đức Thánh Trần trong vòng 12 năm, có khi người ta còn đổi họ cho con mang họ Trần, bởi người ta tin rằng dưới sự bảo trợ của Ngài đứa trẻ sẽ khỏe mạnh và chóng lớn, tà ma quỷ dữ sẽ không làm hại được nó. Thật ra, mức độ khỏi bệnh của những bệnh nhân đến đâu, chúng ta không thể kiểm chứng và khẳng định, và y học hiện đại chắc chắn sẽ không chấp nhận hình thức chữa bệnh kiểu này, nhưng chúng tôi cho rằng niềm tin và tục lệ ấy đã tồn tại khoảng 7 thế kỷ, tới bây giờ người ta vẫn tiếp tục bán khoán con cho Đức Thánh Trần, những người bị bệnh vẫn tiếp tục đến đền Kiếp Bạc cầu khẩn Ngài…, như vậy hẳn nhận thức này phải tìm được một cái “lý” trong dân gian thì mới có thể tồn tại lâu dài và sống động như vậy. Một trong những quan niệm của người xưa thì sự ổn định cuộc sống còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố sức khỏe. Nhưng, trong một môi trường thiên nhiên tương đối khắc nghiệt và một xã hội mà trình độ phát triển còn rất hạn chế, thì ốm đau, bệnh tật là điều không thể tránh khỏi, nếu không muốn nói là rất phổ biến. Những khi bị đau ốm họ thường cho là do âm dương không cân bằng, âm thịnh hơn dương, là do bị quỷ ám nên mới sinh ra tật bệnh. Vậy thì muốn khỏi bệnh phải bổ sung phần khí dương bị thiếu hụt. Và, Đức Thánh Trần đã thực sự trở thành cứu tinh của họ. Đền Kiếp Bạc (thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) là một trung tâm thờ Đức Thánh Trần lớn nhất, được dựng theo thế tựa vào núi Rồng, phía trước mặt nhìn ra một không gian thoáng đãng, thẳng xuống là sông Lục Đầu, hai bên đền có núi Nam Tào và Bắc Đẩu tạo thế tay ngai. Với vị thế như vậy đền Kiếp Bạc là một biểu hiện rõ rệt trong tâm thức dân gian về việc Đức Thánh Trần như một hóa thân của Ngọc Hoàng thượng đế. Do vậy Ngài đã hội tụ được một nguồn dương khí lớn, có thể trị được tà ma, tiếp thêm sinh lực cho những sinh linh yếu ớt, giúp họ có thêm sức mạnh để chiến thắng bệnh tật. Điều này đã giải thích tại sao tài chữa bệnh cứu người của Đức Thánh Trần lại đặc biệt ứng nghiệm với bệnh của phụ nữ và trẻ em, bởi những người này thường mang âm khí nhiều, theo dân gian khi được tiếp thêm dương khí thì âm dương cân bằng, ma quỷ không làm hại được nữa, và bệnh tật sẽ lui.

Qua thời gian, với sự bồi đắp của tâm thức liên tưởng dân gian, khiến cho Đức Thánh Trần như đã tích tụ được một vài yếu tố của anh hùng văn hóa, do vậy mà vai trò của Ngài trong đời sống tâm linh người Việt đến nay chưa hẳn đã phát lộ hết dưới mắt các nhà nghiên cứu. Một vài nhận xét vừa nêu trên mới chỉ là những giả thiết bước đầu được đặt ra, nhằm cung cấp thêm một hình ảnh mới của một đại nhân thần. Nếu gạt bỏ được lớp sương mù huyền thoại có thể chúng ta sẽ đến gần hơn với sự thật lịch sử, và như vậy những nhận thức về một nhân vật lịch sử kiệt xuất của dân tộc sẽ được bổ sung ngày một đầy đủ hơn./.

Võ Hoàng

Chú thích:
1) Phan Kế Bính: Nam Hải dị nhân, Nxb. VHTT, H, 2002, tr. 38.
2) Dẫn lại theo Hoàng Giáp: Cửu Thiên Vũ Đế – Trần Hưng Đạo, trong kỷ yếu hội thảo khoa học: Thời Trần và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên quê hương Nam Hà – Sở VHTT Nam Hà 1996, tr. 258.
3) Hoàng Giáp, tlđd, tr. 257.
4) Trần Quốc Vượng: Theo dòng lịch sử (Những vùng đất, thần và tâm thức người Việt), Nxb. VHTT, H. 1996, tr. 20-21.
5) Đền Kiếp Bạc và truyền thuyết – Hội Văn học nghệ thuật Hải Hưng, 1994.
6)  Đại Việt sử ký toàn thư – Nxb. KHXH, H,1998, tập II, tr. 21.
7) Phan Kế Bính: Việt Nam phong tục, Nxb. VHTT, H. 2001, tr.387

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận