Chùa Thanh Mai được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ XIV), gắn với Đệ nhị tổ dòng thiền Trúc Lâm là Pháp Loa tôn giả.
Chùa Thanh Mai
1. Lịch sử chùa Thanh Mai
Chùa Thanh Mai thuộc xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa được xây dựng trên núi Phật Tích Sơn thuộc cánh cung Đông Triều. Núi Phật Tích Sơn còn gọi là núi Tam Ban (3 cấp núi nối liền nhau gồm: Chùa Hố Bấc trên đỉnh, khu Ba Dinh Bẩy và khu vực chùa Thanh Mai hiện nay).
Chùa Thanh Mai được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ XIV), gắn với Đệ nhị tổ dòng thiền Trúc Lâm là Pháp Loa tôn giả. Theo văn bia “Trùng tu Phật Tích Sơn Thanh Mai tự bi ký”, chùa Thanh Mai được xây dựng, mở rộng quy môn lớn ở thế kỷ XVII, XVIII. Năm 2005, chùa Thanh Mai được trùng tu tôn tạo tam quan, phật điện, tổ đường, nhà mẫu, đường lên chùa. Hiện nay, chùa nằm trên diện tích 5ha, gồm có năm đơn nguyên kiến trúc theo trục dọc là: Tam quan, nhà bia, phật điện, nhà tổ, tháp tổ. Chùa kiến trúc hình chữ Đinh ( J ) gồm 7 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Phía sau chùa là nhà tổ kiến trúc hình chữ nhị (=), thờ Trúc Lâm tam tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, phía sau nhà tổ là Viên Thông bảo tháp.
Hệ thống di vật tại chùa hiện còn bốn tấm bia đá niên đại từ thế kỷ XIV – XVIII trong đáng chú ý là tấm bia “Thanh Mai viên thông tháp bi”, khắc dựng năm Đại Trị thứ năm (1362). Bia cao 1,31m chiều rộng 0,81m, chiều dày 0,14m. Hai mặt bia khắc khoảng 5.000 chữ. Văn bia do Trung Minh biên tập dựa theo niên phả của Pháp Loa, Huyền Quang hiệu đính, Thiệu Tuệ viết chữ. Văn bia nói về thân thế và sự nghiệp của đệ nhị tổ thiền phái Trúc Lâm, nhưng qua đó có thể thấy được tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của Trúc Lâm tam tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Văn bia còn cho biết năm tháng xây dựng những công trình lớn, địa danh và hành trạng của nhiều nhân vật đương thời. Chùa Thanh Mai còn có 08 ngôi tháp cổ xây dựng từ thế kỷ XIV – XVIII, trong đó Viên Thông bảo tháp chứa xá lị của Đệ nhị tổ Pháp Loa tôn giả xây dựng từ thời Trần, năm 1718 và năm 2005 tháp được sửa chữa lại. Tháp cao khoảng 5m, xây dựng bằng đá ráp màu nâu xám. Ngoài ra chùa có 26 pho tượng bằng gỗ mít, sơn son thiếp vàng, niên đại cuối thế kỷ XX.
Lễ hội chùa Thanh Mai diễn ra từ mồng 1 đến mồng 3 tháng âm lịch, tưởng niệm ngày viên tích của Đệ nhị tổ Pháp Loa tôn giả. Lễ hội có các nghi lễ truyền thống như lễ khai hội, giảng kinh, chay đàn, mộc dục và các trò chơi dân gian như chọi gà, kéo co, cờ tường.
Năm 1992, chùa Thanh Mai được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.
2. Giá trị lịch sử, văn hóa
Sự xuất hiện của chùa Thanh Mai thời Trần đã chứng minh cho sự phát triển của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Về mặt địa lý, lịch sử, chùa Thanh Mai là một điểm nằm trong hệ thống những ngôi chùa thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, trên lộ trình Thăng Long – Chí Linh – Yên Tử. Cũng giống như chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai nằm ở một khu riêng biệt, rất xa dân cư, chính vì lý do này mà thiền phái Trúc Lâm đã chọn làm nơi tu thiền. Đáng tiếc, kiến trúc của ngôi chùa thời Trần cho đến nay không còn để chúng ta có chứng cứ vật chất chứng minh cho bình đồ và kết cấu kiến trúc ngôi chùa thời Trần. Những tấm bia hiện còn ở chùa Thanh Mai chứa đựng những nội dung quan trọng về lịch sử Phật giáo mà các tài liệu khác không chép, hoặc chưa kịp chép. Ví dụ theo nội dung bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi”, khắc năm Đại Trị thứ năm (1362) cho biết. “Nhà sư Pháp Loa đã được vua Trần Anh Tông cấp cho 100 mẫu rộng ở hương Đội Gia, cấp luôn cả canh phu (người cầy), lại lấy 25 mẫu ở hương Đại Từ cấp thêm vào số trên. Sau Trần Anh Tông lại cấp thêm 80 mẫu ruộng ở hương An Dinh cùng với canh phu. Năm 1312, Trần Anh Tông lại lấy 500 mẫu ruộng, thuộc trang niệm nhỏ cấp cho Pháp Loa”1.
Những ghi chép trên đã chứng tỏ chưa có một thời đại nào Phật giáo lại được Nhà nước ưu tiên đến như vậy. Có rất nhiều minh văn của các tấm bia trùng tu, công đức ở các triều đại sau đã chứng minh điều đó, kể cả thời kỳ chấn hưng Phật giáo thế kỷ XVII.
Nội dung văn bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” còn nhắc đến việc đúc tượng Thiên Thủ Đại Bi (tức là tượng Quan âm nghìn tay nghìn mắt). Ở Việt Nam bao giờ xuất hiện Quan âm nghìn mắt nghìn tay còn là vấn đề đang thảo luận, chúng ta chỉ biết tượng Quan âm nghìn tay nghìn mắt có niên đại chính xác là tượng ở chùa Bút Tháp, tạc năm 1658. Sự thật thì ở Việt Nam, tượng Quan âm nghìn tay nghìn mắt xuất hiện sớm hơn nhiều, nhưng bắt đầu từ lúc nào thì ta lại không rõ. Cho đến nay chúng ta đã tìm được ba bi ký thời Trần có đề cập tới loại tượng này. Bi ký sớm nhất là ở chùa Đại Bi Diên Minh (1327), tấm bia thứ hai là chùa Che (Phú Xuyên, Hà Nội) 1328. Bia Thanh Mai ở dòng thứ ba kể từ dòng cuối cùng ở mặt trước bia đoạn sau đây: “Đại Khánh bát niên Tân Dậu, Thượng phẩm Hoài ninh hầu thỉnh sư chú Thiên Thủ Đại bi nhất tôn”2. Nghĩa là “năm Đại Khánh thứ 8 là năm Tân Dậu (1321), thượng phẩm Hoài Ninh hầu xin sư (chỉ Pháp Loa) đúc một pho tượng Đại bi (tức Quan âm) nghìn tay”. Tượng Quan âm nghìn tay ở đây hẳn là tượng đúc bằng đồng. Như vậy căn cứ vào bi ký, chúng ta biết chắc rằng tượng Quan âm nghìn tay nghìn mắt đã tồn tại ở Việt Nam vào thời Trần, hay chính xác hơn là vào đầu thế kỷ XIV.
Cũng theo nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo thì loại tượng này xuất hiện dưới ảnh hưởng của Mật giáo. Như vậy nội dung ghi chép trên bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” ở chùa Thanh Mai, không những là tư liệu lịch sử chứng minh cho sự phát triển của lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà còn khẳng định một thông tin quan trọng là vào thời Trần trong điện thờ Phật giáo đã xuất hiện tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay.
Ngoài ta, bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” còn cung cấp những hiểu biết về chữ Hán cổ kiểu chữ Triện. Điều này chứng tỏ rằng kiểu chữ Hán hiện đại về sau du nhập nhiều hơn và được dùng phổ biến trên các văn tự của nhà nước phong kiến, lối chữ Triện cổ, vào thời Trần vẫn còn được dùng trong một số trường hợp.
Bia đá chùa Thanh Mai
Cùng với hệ thống di vật là những bản kinh văn, khoa cúng, các bản sách quý hiếm, chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt giữa một vùng đồi núi chập trừng. Những giá trị tinh thần, tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa rực rỡ đó luôn đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, được các thế hệ nối tiếp kế thừa ngày một phát triển và đang được các thế hệ thiền sư sau này truyền bá đến nhiều quốc gia trên thế giới.
3. Chứng minh giá trị nổi bật toàn cầu
Từ năm 2014, cùng với khu di tích danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai đang được UBND tỉnh Hải Dương làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới. Căn cứ vào các tiêu chí về giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới, bao gồm 10 tiêu chí, đối với quần thể di tích Thanh Mai – Côn Sơn – Kiếp Bạc, chúng tôi thấy phù hợp với tiêu chí (vi): có liên hệ trực tiếp hoặc có thể thể nhận thấy với những sự kiện hay các truyền thống sinh hoạt, với các ý tưởng hay các tín ngưỡng, với các công trình nghệ thuật hay văn học có ý nghĩa nổi bật toàn cầu.
Sau ba lần đánh thắng Nguyên Mông xâm lược, quân dân nhà Trần đã bước lên đỉnh cao của vinh quang. Mặc dù vậy Trần Nhân Tông vị vua anh hùng cũng đã dựa vào sức mạnh và ngoại giao làm cho “Nước lớn phải nể phục, nước nhỏ phải triều cống”. Tiếp đó Đức vua đã đi thuyết pháp đồng thời học hỏi ở nhiều cao tăng, trí thức trong nước và cả ở Chiêm Thành để thành lập Thiền phái riêng của quốc gia Đại Việt, gọi là Trúc Lâm Yên Tử. Năm 1299, “Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh”. Ông trở thành vị tổ thứ nhất của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Văn bia ở Đăng Minh Bảo tháp có ghi pháp hiệu của ba vị thánh tổ của dòng thiền Trúc Lâm như sau
Đệ nhất đại Thánh tổ: Nam Mô Ma Ha Yên Tử Sơn, Hoa Yên Thiền Viện, Huệ Quang Kim Tháp, Đệ Nhất Đại Thánh Tổ Trúc Lâm Đầu Đà, Tịnh Huệ Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông Vương Phật.
Đệ nhị đại Thánh tổ: Nam Mô Ma Ha Phật Tích Sơn, Thanh Mai Thiền Viện, Viên Thông Bảo Tháp, Đệ Nhị Đại Thánh Tổ Trúc Lâm Đầu Đà, Pháp Loa Tôn Giả, Quốc Tứ Đặc Phong Phổ Tuệ Tịnh Trí Giác Thiền Tọa Hạ.
Đệ tam đại Thánh Tổ: Nam Mô Ma Ha Côn Sơn, Chân Phúc Viện, Đăng Minh Bảo Tháp, Đệ Tam Đại Thánh Tổ Trúc Lâm Đầu Đà, Huyền Quang Tôn Giả, Quốc Tứ Đặc Phong Tam Giáo Trạng Nguyên Thiền Tọa Hạ.
Thiền phái Trúc Lâm được sáng lập trong hoàn cảnh nhà Trần hưng thịnh với ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, giang sơn được mở rộng, kinh tế phồn vinh, chính trị ổn định. Tư tưởng của “ Thiền Trúc Lâm lấy sự giác ngộ trong lòng làm gốc, mong muốn đưa Phật đến mọi nhà, mọi người đồng thời cũng gắn Phật với cuộc sống thực tại, với vận mệnh của dân tộc”. Và như vậy Thiền Trúc Lâm ra đời không để cứu vãn chúng sinh lầm than như các tôn giáo khác mà Thiền Trúc Lâm là phương tiện để hoàn thiện một giáo lý, một chân lý đốn ngộ và giải thoát bằng cách mỗi cá thể con người hãy làm việc thiện, hòa nhập mình trong khối đoàn kết của cộng đồng dân tộc: “ Hãy sống hòa với đời một cách thoải mái, từ đó vẫn có thể giác ngộ, đó là nguyên tắc của Thiền Trúc Lâm”.
Thiền phái Trúc Lâm là Phật giáo hướng nội, khai phóng, vị tha, nó mang đậm bản sắc dân tộc, tinh thần yêu nước chân chính, tinh thần nhập thế tích cực, kết hợp chặt chẽ Đạo với Đời, Đời với Đạo. Giáo lý của thiền phái Trúc Lâm được kết tinh bởi nhiều yếu tố và kế thừa, phát huy. Trên cơ sở kế thừa, Trúc Lâm Tam Tổ đã tập hợp lại thành các kinh văn, các bản sách quý giá như: “Thiền tâm thiết chủy ngũ lục”, “Đại Hương Hải ấn thi tập”, “ Tăng già toái sự”, “Thạch thất mỵ ngữ”, “Truyền Đăng Lục”, “Thượng Sĩ hành trạng”, “Bảo đỉnh hành trì”, “Phổ Tuệ ngữ lục”, “Khoa cúng Cửu Phẩm”… Đây là những cuốn sách dạy cho các tông môn và dân chúng của Thiền phái Trúc Lâm tu tập, sám hối và tu hành thập thiện.
Từ thế kỷ XV đến nay, Phật giáo có lúc thịnh lúc suy nhưng tư tưởng Thiền Trúc Lâm – Thiền nhập thế cứu đời vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay tư tưởng Thiền Trúc lâm vẫn được phát huy, để đời và đạo hòa làm một, củng cố tinh thần tự tôn dân tộc, hưng bang đất nước, lợi lạc quần sinh.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, chùa Thanh Mai đang được các cấp chính quyền, giáo hội Phật giáo và nhân dân quan tâm tôn tạo. Hy vọng trong tương lai không xa, chùa Thanh Mai sẽ là điểm đến hấp dẫn nhân dân, phật tử trong hành trình về thánh địa Phật giáo Yên Tử.
Chú thích:
1.Hà Văn Tấn, Chùa Việt Nam, Nvb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr.42.
2Hà Văn Tấn, Chữ trên đá, chữ trên đồng minh văn và lịch sử, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002
Lê Thị Bé – Bài đăng Tạp chí Văn hóa Thể thao & Du lịch, số 3 (114) tháng 5-2016