TỨ VỊ VƯƠNG TỬ

Tứ vị vương tử – con trai Trần Hưng Đạo, đều là danh tướng lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Năm 1284, Hưng Vũ Vương Nghiễn, Hưng Hiến Vương Uất, Hưng Nhượng Vương Tảng, Hưng Trí Vương Hiện, đốc suất 20 vạn quân các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn đến hội ở Vạn Kiếp, theo quyền điều khiển của Hưng Đạo Vương để chống quân Nguyên”. Trong trận Vạn Kiếp (năm 1285), Hưng Đạo Vương giao chiến với Thoát Hoan và Lý Hằng, đánh bại giặc. Lý Quán đem quân hộ vệ Thoát Hoan chạy về Bắc. Đến châu Tư Minh, Hưng Vũ Vương đuổi kịp, dùng tên tẩm thuốc độc bắn trúng Lý Quán, Quán chết. Quân Nguyên tan vỡ lớn. Trong dịp định công dẹp giặc vào tháng 4 năm Kỷ Sửu (1289) Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn được phong Khai quốc công. Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng phong làm Tiết độ sứ, cả bốn vị đều được ghi tên vào sách Trung hưng thực lục và được vẽ tranh. Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, sau khi đánh giặc Nguyên, về ở xã Chương Mỹ, huyện Thuỷ Đường (tức huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) xưa thuộc tỉnh Hải Dương, chiêu tập lưu dân làm ăn yên ổn. Khi mất được dân lập đền thờ phụng. Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng là con trai thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Từ nhỏ, ông đã là người “Tính khí mạnh mẽ, thích trừ bọn bạo nghịch”. Cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285), ông tập hợp quân từ trang ấp của mình để tiếp ứng kịp thời cho mặt trận Vạn Kiếp, góp phần chiến thắng quân Nguyên, được vua Trần ban đất lập ấp ở Tĩnh Bang (Quảng Ninh), trấn giữ vùng Cửa Suốt – miền Đông Bắc, cửa ngõ của Tổ quốc. Năm 1287, Trần Quốc Tảng trấn giữ các đồn Sa, Từ, Trúc ở biên giới, giáp châu Tư Minh, chặn đường tiến công của quân Nguyên. Sau khi chiến thắng quân Nguyên Mông, bình công xét thưởng, Trần Quốc Tảng được phong làm Tiết độ sứ. Năm 1297, Trần Quốc Tảng vâng mệnh vua Trần Anh Tông cầm quân đi đánh sách Sầm Tử (ở miền núi Thanh Hoá). Tháng 3 năm 1313, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng từ trần, vua Trần Minh Tông truy tặng chức Thái uý, sắc chỉ cho nhân dân lập đền thờ tại Cửa Ông (Quảng Ninh); lại gia phong Thượng đẳng thần Hưng Vũ Vương.

Để lại một bình luận