ANH HÙNG DÂN TỘC, DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI NGUYỄN TRÃI

Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380 tại kinh thành Thăng Long; cha là Nguyễn Phi Khanh, nguyên quán ở làng Chi Ngại, nay thuộc phường Cộng Hoà, thị xã Chí Linh, sau khi dời đến làng Ngọc Ổi, tức Nhị Khê, (nay là huyện Thường Tín, Tp. Hà Nội); mẹ là Trần Thị Thái, con gái qua Tư đồ Trần Nguyên Đán.

Tuổi thơ, Nguyễn Trãi sống với ông ngoại ở Thăng Long; từ năm 1385 theo ông ngoại về ở Côn Sơn.

Năm 1390, sau khi Trần Nguyên Đán qua đời, Nguyễn Trãi trở về Nhị Khê sống với cha. Được ông ngoại và cha trực tiếp dạy dỗ, rèn luyện, Nguyễn Trãi nổi tiếng tài đức và có chí lớn. Năm Canh Thìn (1400) đỗ Thái học sinh, năm sau ra nhậm chức Ngự sử đài chánh trưởng, dưới triều Hồ.

Năm 1407, giặc Minh xâm chiếm nước ta, theo lời cha dặn, ông mang nặng nợ nước, thù nhà, bao đêm trăn trở kế Bình Ngô, ngày đêm nung nấu chí giết giặc.

Thoát khỏi vòng kiềm toả của giặc, ông đến Lam Sơn tụ nghĩa, dự hội thề Lũng Nhai, dâng Bình Ngô sách ở Lỗi Giang. Trong mười năm kháng chiến gian khổ, Nguyễn Trãi luôn sát cành cùng Lê Lợi nếm mật nằm gai, bàn mưu, vạch kế hoạch chỉ huy cuộc kháng chiến; đồng thời có những đóng góp xuất sắc trên mặt trận ngoại giao – binh vận, viết nhiều bức thư có sức thuyết mục mạnh bằng cả đạo quân, nhiều lần dũng cảm vào tận trại giặc, trực tiếp thương thuyết với tướng nhà Minh, thực hiện kế hoạch “Tâm công” vô cùng lợi hại.

Năm 1427, đất nước ca khúc khải hoàn, Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi viết “Bình Ngô Đại cáo”, tổng kết tài tình sự nghiệp Bình Ngô và toàn bộ tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc đến đầu thế kỷ XV. Đó là bản tuyên ngôn độc lập, là áng thiên cổ hùng văn vô tiền khoáng hậu, người Việt Nam ai đọc lên cũng xúc động tự hào. Thời bình, Nguyễn Trãi lại dốc lòng sửa sang việc nước, thực hiện lý tưởng nhân văn cao cả là xây dựng “nền thái bình muôn thuở” cho xã tắc, muôn dân; trước sau vẫn “tiên ưu, hậu lạc”, làm quan triều đình vẫn “bình dị, cận dân”, vẫn “thanh liêm, trung trực”, “ăn lộc nước” lúc nào cũng lo “đền ơn kẻ cấy cày”, chỉ mong sao “khắp thôn cùng vóm vắng không còn tiếng hờn giận oán sầu”, “dân giầu đủ khắp mưừoi phương”. Đó là cái cốt lõi, là cái cao cả nhất trong tư tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi.

Bên cạnh sự nghiệp dựng nước, Nguyễn Trãi để lại cho dân tộc nhiều thành tựu văn hoá có giá trị trên các lĩnh vực: Khoa học, giáo dục, văn học, địa lý, lịch sử, quân sự… Với các tác phẩm tiêu biểu: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô Đại cáo, Văn bia Vĩnh Lăng, Dư Địa chí, Quốc âm thi tập, Ức Trai di tập… Những trước tác của Nguyễn Trãi kết tinh những tư tưởng tiến bộ nhất của thời đại, tinh hoa và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Sau sự cố về lễ nhạc với Lương Đăng, năm 1437, Nguyễn Trãi thoái triều về Côn Sơn, viết bài Côn Sơn ca để tỏ chí mình. Năm 1439, vua Lê Thái Tông đã 17 tuổi, mạnh tay trị kẻ lộng quyền, trọng dụng người tài đức, vời Nguyễn Trãi trở lại triều, phục hồi chức cũ, “kiêm trung thư sảnh và coi việc quân dân 2 đạo Đông Bắc”, Nguyễn Trãi làm bài biểu tạ, hết lòng với trọng trách, nhưng vẫn ở Côn Sơn, khi có việc mới về triều.

Tháng 3 năm Đại Bảo thứ 43 (1442) Nguyễn Trãi làm Đề điệu kỳ thi tiến sĩ, đây là kỳ thi đại khoa được tổ chức chính quy đầu tiên thời Lê sơ. Cuối tháng 7 năm 1442, vua Lê Thái Tông đi duyệt võ ở thành Chí Linh, có vào thăm Nguyễn Trãi tại Côn Sơn; khi về chẳng may đột tử ở Lệ Chi viên (Bắc Ninh); đêm đó vợ ba Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ hầu bên vua. Bọn gian thần khép Nguyễn Trãi tội sai Nguyễn Thị Lộ giết vua, kết án tru di tam tộc, Ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (tức ngày 19/9/1442) ông và ba họ bị giết hại thảm khốc. Phải 22 năm sau, năm 1464, Vua Lê Thánh Tông mới chính thức minh oan cho Nguyễn Trãi, ban tặng tước Tán trù bá, ca ngợi ông bằng câu thơ bất hủ:

Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”

                    (Tấm lòng của Ức Trai sáng như sao Khuê).

Nguyễn Trãi không chỉ là nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao thiên tài, mà còn là nhà văn hoá vĩ đại, trí tuệ uyên bác, nhân cách cao thượng. Người là kết tinh tài năng, khí phách và truyền thống đạo lý tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam, là vị anh hùng có công hàng đầu trong sự nghiệp Bình Ngô khai quốc mở nền bình trị, đồng thời là bậc danh nhân đi tiên phong trong sự nghiệp chấn hương văn hoá dân tộc.

Vậy nên, ngàn năm ghi tạc, vạn đại lưu danh, dân tộc nhớ ơn, người người ngưỡng mộ. Mấy trăm năm qua, từ các đấng quân vương như Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông… các danh sĩ thời phong kiến như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… đến các vị lãnh tụ của Đảng và Nhà nước ta thời nay đều đánh giá rất cao sự nghiệp, công đức của Ức Trai.

Năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm sinh của Tiên sinh, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận Nguyễn Trãi là Danh nhân Văn hoá thế giới

Để lại một bình luận