Sơ đồ tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn
Đền thờ Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi tên chữ là Ức Trai linh từ. Nguyễn Trãi (1380 – 1442), toạ lạc tại Thanh Hư Động, khu di tích danh thắng Côn Sơn (Cộng Hoà, Chí Linh, Hải Dương).
Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380 tại kinh thành Thăng Long; cha là Nguyễn Phi Khanh, nguyên quán ở làng Chi Ngại (nay thuộc Cộng Hoà, Chí Linh, Hải Dương); sau dời đến làng Ngọc Ổi, tức làng Nhị Khê (nay thuộc Thường Tín, Hà Nội); mẹ là Trần Thị Thái, con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.
Tuổi thơ, Nguyễn Trãi sống với ông ngoại ở Thăng Long; từ năm 1385 theo ông ngoại Trần Nguyên Đán về sống ở Côn Sơn. Năm 1390, sau khi Trần Nguyên Đán qua đời, Nguyễn Trãi trở về Nhị Khê. Được ông ngoại và cha trực tiếp dạy dỗ, rèn luyện, Nguyễn Trãi nổi tiếng tài, đức, có chí lớn và lòng thương dân vô hạn. Năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ), ra nhậm chức Ngự sử đài Chánh trưởng, dưới triều Hồ.
Năm 1407, giặc Minh xâm chiếm nước ta, theo lời cha dặn, ông mang nặng nợ nước, thù nhà. 10 năm bị giam lỏng ở thành Đông Quan (Hà Nội), Nguyễn Trãi đã soạn “Bình Ngô Sách” (kế sách diệt giặc Ngô), nung nấu chí giết giặc.
Năm 1417, Nguyễn Trãi đến Lam Sơn tụ nghĩa, dự hội thề Lũng Nhai, dâng Bình Ngô Sách cho Lê Lợi. Trong mười năm kháng chiến gian khổ, Nguyễn Trãi sát cánh cùng Lê Lợi nếm mật nằm gai, vạch kế hoạch chỉ huy cuộc kháng chiến. Ông viết thư dụ hàng giặc có sức thuyết phục mạnh hơn cả đạo quân; nhiều lần Nguyễn Trãi một mình vào trại giặc, thương thuyết với tướng nhà Minh, thực hiện kế sách “Tâm công”. Với kế sách ấy, nhiều thành trì cùng hàng vạn quân giặc đã bỏ vũ khí đầu hàng, giúp cho cuộc kháng chiến mau giành thắng lợi.
Năm 1427, đất nước ca khúc khải hoàn, Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô Đại Cáo”, tổng kết sự nghiệp Bình Ngô và toàn bộ tiến trình lịch sử quốc gia Đại Việt đến đầu thế kỷ XV. Đây là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ 2 của dân tộc. Thời bình, Nguyễn Trãi lại dốc lòng sửa sang việc nước, thực hiện lý tưởng cao cả là xây dựng “Nền thái bình muôn thuở” cho xã tắc, muôn dân. Làm quan đại thần trong triều nhưng Ông vẫn “Bình Dị, Cận Dân”, “Thanh Liêm, Trung Trực”, “Ăn Lộc Nước” lúc nào cũng lo “Đền Ơn Kẻ Cấy Cày”, chỉ mong sao “Khắp thôn cùng xóm vắng không còn tiếng hờn giận oán sầu”… Đó là cốt lõi cao cả nhất trong tư tưởng “Việc Nhân Nghĩa Cốt ở Yên Dân” của Nguyễn Trãi.
Bên cạnh sự nghiệp dựng nước, Nguyễn Trãi để lại cho dân tộc nhiều thành tựu văn hoá có giá trị trên các lĩnh vực: Khoa học, giáo dục, văn học, địa lý, lịch sử, quân sự… Với các tác phẩm tiêu biểu: Quân Trung Từ Mệnh Tập, Bình Ngô Đại Cáo, Văn bia Vĩnh Lăng, Dư Địa Chí, Quốc Âm Thi Tập, Ức Trai Di Tập… Các trước tác của Người kết tinh những tư tưởng tiến bộ nhất của thời đại, tinh hoa và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Toàn cảnh đền thờ Nguyễn Trãi
Năm 1437, Nguyễn Trãi về ở Côn Sơn giữ chức Đề cử chùa Tư Phúc (chức quan trông coi chùa Côn Sơn). Tại Côn Sơn, ông viết “Côn Sơn ca” để tỏ chí mình. Năm 1439, vua Lê Thái Tông trị kẻ lộng quyền, trọng dụng người tài đức, mời Nguyễn Trãi trở lại triều, phục hồi chức cũ, gia phong chức “Kiêm trung thư sảnh và coi việc quân dân 2 đạo Đông – Bắc”, trong thời gian này Nguyễn Trãi vẫn ở Côn Sơn, khi có việc mới về triều.
Cuối tháng 7 năm 1442, vua Lê Thái Tông đi duyệt võ ở thành Chí Linh, vào thăm Nguyễn Trãi tại Côn Sơn; khi về triều nhà vua bị đột ngột băng hà ở Lệ Chi viên (Gia Bình, Bắc Ninh). Bọn gian thần khép Nguyễn Trãi tội sai vợ là Nguyễn Thị Lộ giết vua. Ông bị kết án tru di tam tộc. Ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (tức ngày 19/9/1442) ông và ba họ bị sát hại thảm khốc. Phải 22 năm sau, năm 1464, Vua Lê Thánh Tông mới minh oan cho Nguyễn Trãi, ban tặng tước Tán trù bá, ca ngợi ông bằng câu thơ bất hủ:
“Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”
(Tấm lòng của Ức Trai sáng như sao Khuê)
Nguyễn Trãi không chỉ là nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao thiên tài, mà còn là nhà văn hoá vĩ đại, trí tuệ uyên bác, nhân cách cao thượng. Người là kết tinh tài năng, khí phách và truyền thống đạo lý tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam; là vị anh hùng có công hàng đầu trong sự nghiệp Bình Ngô khai quốc mở nền bình trị, đồng thời là bậc danh nhân đi tiên phong trong sự nghiệp chấn hưng văn hoá dân tộc.
Đền thờ Nguyễn Trãi
Vậy nên, ngàn năm ghi tạc, vạn đại lưu danh, dân tộc nhớ ơn, người người ngưỡng mộ. Mấy trăm năm qua, từ các đấng quân vương như Vua Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông… các danh sĩ thời phong kiến như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… đến các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta thời nay đều tôn kính sự nghiệp, công đức của Nguyễn Trãi. Năm 1980, kỷ niệm 600 năm sinh của Tiên sinh, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã vinh danh Nguyễn Trãi là Danh nhân Văn hoá thế giới.
Nghi môn nội đền thờ Nguyễn Trãi
Côn Sơn cố hương của Nguyễn Trãi, là vùng đất linh thiêng, có chùa Thiên Tư Phúc (trời ban phúc) là Quốc Tự của các triều đại: Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Ngày nay, Côn Sơn trở thành là Di sản văn hoá đặc biệt của quốc gia. Côn Sơn không những là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng mà còn là vùng đất có bề dầy lịch sử, văn hoá, bởi nhân dân và các bậc vua chúa, hiền triết, kẻ sĩ…của mọi triều đại đều về đây suy tư, học hỏi ở các bậc tiền nhân về việc đạo, việc đời, phép trị nước… Tiêu biểu là: Vua Trần Nhân Tông – điều ngự giác hoàng đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm; Thiền sư Pháp Loa tôn giả; Thiền sư Huyền Quang tôn giả; Quan đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán; nhà giáo Chu Văn An; Các vua Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông và Trung thư thị lang, Hàn lâm học sĩ Quốc Tử Giám – Nguyễn Phi Khanh… Ở thời đại chúng ta, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cam go, ác liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước, linh hồn của cuộc kháng chiến, đã về thăm Côn Sơn, tưởng niệm Nguyễn Trãi để tiếp thêm ý chí, sức mạnh quyết tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đến thắng lợi cuối cùng.
Cầu Thấu Ngọc
Cả cuộc đời kinh bang tế thế khắp thiên hạ, Nguyễn Trãi vẫn không nguôi nhớ về Côn Sơn, gắn bó với Côn Sơn, Ông coi đây là: “Hương Lý”, “Cố Lý” (làng cũ). Với phong cảnh thiên nhiên thanh tịnh, tươi đẹp; với rừng thông, suối reo, mây ngàn gió núi, đầy hương sắc; cùng chốn Thiền Môn siêu thoát thấm đẫm tư tưởng từ bi của đạo Phật, nhân nghĩa của đạo Nho, cần kiệm liêm chính của đạo Giáo – Côn Sơn…đã góp phần tạo nên cốt cách thanh cao, lòng nhân nghĩa, trí thông tuệ kiệt xuất của Nguyễn Trãi. Côn Sơn là nơi Nguyễn Trãi nung nấu ý chí đền nợ nước, trả thù nhà, để soạn thảo “Bình Ngô Sách”; là nơi Ông sáng tạo nhiều công trình văn hoá bất hủ và những áng văn thơ kiệt tác để lại cho chúng ta hôm nay. Vì thế trong tâm trí nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, nói đến Côn Sơn là mọi người nghĩ đến Nguyễn Trãi và ngược lại, nói đến Nguyễn Trãi là nghĩ đến Côn Sơn.
Ngày 14 tháng 12 năm 2000, đền thờ Nguyễn Trãi, tên chữ là Ức Trai linh từ, được khởi công xây dựng tại Côn Sơn. Ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (tức ngày 22/9/2002) đền thờ Nguyễn Trãi được khánh thành. Ức Trai linh từ toạ lạc trên một vị trí đắc địa dưới chân núi Ngũ Nhạc, Kỳ Lân hướng Nam ghé Đông 29010’. Minh đường của đền nhìn ra hồ Côn Sơn, nơi có núi Phượng Hoàng chầu vào. Thế của đền thờ Nguyễn Trãi là:
Tựa vào sừng sững tổ sơn
Nhìn ra trập trùng An Lạc
Hữu bạch hổ là cổ sơn Kỳ Lân
Tả thanh long là linh sơn Ngũ Nhạc
Liền kề dòng suối ngân nga
Bốn phía rừng thông bát ngát.
Đền thờ Nguyễn Trãi trong quá trình hoàn thiện
Đền thờ Nguyễn Trãi xây dựng trên diện tích 10.000m2 với 15 hạng mục công trình. Đền chính kiến trúc chữ công (工), theo phong cách thời hậu Lê. Hoành phi, câu đối trong đền nội dung thể hiện tâm hồn, nhân cách cao đẹp, tài năng và công đức lớn lao của Nguyễn Trãi. Gian Tiền tế bài trí ban thờ công đồng ở chính giữa, bên trái là ban thờ Sơn thần, bên phải là ban thờ Thổ địa. Trung từ đặt ban lễ trình. Hậu cung bài trí tượng thờ Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi bằng đồng, cùng ban thờ song thân phụ mẫu.
Ức Trai linh từ uy nghi, nằm giữa không gian thiên nhiên đầy thơ mộng của Động Thanh Hư, nơi sinh thời Nguyễn Trãi đã từng sống, có bàn đá rêu xanh, có nền nhà cũ, cầu Thấu Ngọc, có gió thổi thông reo, suối chảy rì rào…, càng tô điểm thêm, rạng rỡ thêm khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn.
Cảnh quan đền thờ Nguyễn Trãi
Cầu đá đền thờ Nguyễn Trãi
Tưởng niệm ngày mất của Nguyễn Trãi (16 tháng 8 âm lịch), đã trở thành nguồn gốc lễ hội truyền thống mùa thu Côn Sơn. Trong dịp lễ hội diễn ra nhiều nghi lễ, hoạt động phong phú như: Lễ rước văn, lễ tưởng niệm, lễ tế và các trò chơi dân gian: cờ tướng, đấu vật cùng các hoạt động văn nghệ như hát chèo, hát quan họ, thư pháp nghệ thuật… trong đó lễ tế Nguyễn Trãi là sinh hoạt tâm linh quan trọng có ý nghĩa to lớn mang tính cộng đồng sâu sắc. Nghi thức tế do các cao niên chi họ Nguyễn, dòng họ Nguyễn Trãi ở Chúc thôn và Chi Ngãi thực hiện nên còn hàm chứa tình cảm thiêng liêng của con cháu dành cho tổ tiên mình. Năm 2012, Lễ hội truyền thống Côn Sơn đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là dịp để tưởng nhớ, tri ân bậc khai quốc công thần, kinh bang tế thế. Từ đó, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Ức Trai linh từ đã tô thắm thêm sự linh thiêng của núi rừng Côn Sơn. Hiện nay, danh thắng Côn Sơn đang trên hành trình trở thành Di sản thế giới.
Lễ rước văn đền thờ Nguyễn Trãi
Lễ tế đền thờ Nguyễn Trãi
Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc