Sáng ngày 30 tháng 10 năm 2024 (tức ngày 28/9 âm lịch), tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kiếp Bạc, Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc phối hợp cùng UBND xã Hưng Đạo long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 736 năm ngày mất của Đức Nguyên Từ Quốc Mẫu Thiên Thành Thái Trưởng công chúa – Phu nhân của Trần Hưng Đạo.
Tham dự nghi lễ có Ông Nguyễn Duy Đăng – chủ tịch UBND xã Hưng Đạo; bà Nguyễn Thị Thùy Liên – Trưởng ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc; các đồng chí Bí thư, Trưởng các thôn Vạn Yên, Dược Sơn, Bắc Đẩu cùng cán bộ, nhân viên Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc và đông đảo du khách thập phương tham dự.
Lễ tưởng niệm được tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống bao gồm: Lễ cáo yết, Lễ rước bộ, Lễ dâng hương tưởng niệm, Lễ tế. Đúng 7h sáng, diễn ra lễ rước bộ của làng Dược Sơn, Bắc Đẩu và Vạn Yên từ đền Nam Tào, đền Bắc Đẩu rước lễ về đền Kiếp Bạc. Lễ phẩm rước gồm lễ chay, lễ mặn và đủ các sản vật địa phương… Lễ rước được cử hành trong không khí trang nghiêm, lộng lẫy cờ hoa, nghi trượng cùng tiếng trống chiêng, đàn sáo rộn rã của phường bát âm. Tiếp đó là Lễ dâng hương tưởng niệm 736 năm ngày mất của Đức Trần Triều Nguyên Từ Quốc Mẫu Thiên Thành Thái Trưởng công chúa.
Lãnh đạo và nhân dân dự lễ tưởng niệm 736 năm
ngày mất của Nguyên Từ Quốc Mẫu Thiên Thành Thái Trưởng công chúa
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Duy Đăng – Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo đại diện Ban tổ chức đọc diễn văn Lễ tưởng niệm nêu rõ về tiểu sử, công đức của Đức Quốc Mẫu Trần Triều.
Nguyên Từ Quốc Mẫu Trần Triều húy là Anh, hiệu là Thiên Thành Thái trưởng công chúa; con gái trưởng của vua Trần Thái Tông. Sinh ra và lớn lên trong hoàng cung, được nuôi dưỡng và trưởng thành dưới sự giáo dục khuôn phép của hoàng tộc, Đức Quốc Mẫu có phẩm hạnh nhân từ mẫu mực, tư chất tài hoa, quyền quý của bậc vương nhi dòng tôn thất.
Năm Tân Hợi, niên hiệu Nguyên Phong thứ nhất (năm 1251), công chúa Thiên Thành sánh duyên cùng Quốc Công Hưng Đạo Đại Vương. Từ đó, Đức Quốc Mẫu rời chốn hoàng cung, cùng phu quân kinh bang, tế thế khắp thiên hạ; đồng cam cộng khổ, sát cánh, phụng sự bên Quốc Công; nuôi dưỡng các con, chăm lo việc nước, tham gia kháng chiến. Bốn người con trai là Hưng Vũ vương, Hưng Hiến vương, Hưng Nhượng vương, Hưng Trí vương, cùng 2 vương cô là Khâm từ Bảo thánh Hoàng Thái Hậu và Nữ Đại Hoàng Anh Nguyên Quận chúa, dưới sự chăm sóc của Quốc Mẫu đều trở thành những tướng tài kiệt xuất, những vị liệt nữ trâm anh thế phiệt của đất nước, lập công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Người xưa ca tụng tài khéo dạy con của Quốc Mẫu:
Nhị hậu điển hình phương hoa quy ngọc diệp,
Tứ vương huân nghiệp đức thụ xuất kim chi.
Có nghĩa là: “Hai cô con gái tượng trưng cho hoa thơm, lá ngọc,
Bốn người con trai làm nên nghiệp lớn tựa cành vàng.”
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông của quân dân Đại Việt ở thế kỷ 13, đã ghi danh công lao to lớn của Đức Quốc Mẫu, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Năm 1285, 1288 quân Nguyên Mông kéo sang xâm lược nước ta lần thứ 2 và lần 3, Quốc Mẫu được vua Trần giao trực tiếp quản lý, hướng dẫn các gia đình quý tộc đi lánh nạn và vận động nhân dân làm kế thanh dã (vườn không, nhà trống) nhằm tiêu hao sinh lực địch.
Tại đại bản doanh Vạn Kiếp, Quốc Mẫu phụ trách hậu cần, lo việc quân lương, tổ chức sản xuất, bố trí, cắt đặt kho lương thảo, tận dụng địa thế núi rừng, sông ngòi hiểm yếu để phòng bị, tích trữ lương thảo khí giới, phục vụ quân doanh trong mọi tình thế. Dân gian còn truyền tụng câu ca:
Trâu thì Mẫu thả Huyền Đinh
Lợn thì Mẫu thả cánh đồng Trung Quê.
Ngày nay, khu vực thung lũng phía Đông Nam thuộc làng Bến, làng Gạo, làng Thanh Tân, Thanh Tảo, Trung Quê còn nhiều di tích, địa danh gắn liền với tên gọi các kho hậu cần, quân lương của Quốc Mẫu như: Chùa Gạo, Hố Lợn, Lòng Thuyền, Bãi Tàn, Bãi Quạt, Nghè Dím, Đông Hoàn…
Đặc biệt, tài năng cũng như công lao của Đức Quốc Mẫu còn được biết đến trong việc trồng và làm thuốc nam để chữa bệnh cho nhân dân và chữa thương cho quân sỹ. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, Hưng Đạo Đại vương và Thái Y viện nhà Trần rất coi trọng việc sử dụng các cây thuốc trong nước. Tại Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo đã giao cho Đức Phu Nhân Quốc Mẫu trực tiếp chỉ đạo trồng vườn thuốc nam trên núi Dược Sơn. Vườn thuốc của Đức Quốc Mẫu đã dùng chữa bệnh, trị thương cho nhiều binh sĩ, bảo vệ sức khoẻ cho quân và dân Đại Việt, góp phần vào chiến thắng chống giặc ngoại xâm. Dược Sơn là vườn thuốc quốc gia đầu tiên của nước ta mà cho đến nay vẫn là “độc nhất vô nhị”. Dân trong vùng truyền rằng, thuốc trồng ở núi Dược Sơn có công dụng kỳ lạ, không có thứ thuốc nào sánh kịp.
“Dược lĩnh hoa thơm cỏ lạ thường
Biết chăng chăng biết thuốc thần tiên”
Hơn 7 thế kỷ qua, ngày giỗ Đức Quốc Mẫu, con dân đất Việt có tục đến đền Kiếp Bạc xin thuốc của Quốc Mẫu về chữa bệnh, mong cầu trường thọ, sức khỏe bình an. Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên có chép: “Các châu huyện Lạng Giang bị bệnh chẩn đậu, nhiều người kêu cầu đều ứng nghiệm”. Các loại thuốc do Quốc Mẫu bào chế được dân gian coi là tiên dược. Nghề làm thuốc Nam ở Dược Sơn cũng có nguồn gốc từ đây và được lưu truyền đến tận ngày nay.
Đức Nguyên Từ Quốc Mẫu Thiên Thành Thái Trưởng công chúa đã trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu, điển hình của người phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà, xứng danh với câu ca:
“Quốc sắc khuynh thành thiên hạ hữu
Anh linh liệt nữ thế gian vô”
Nghĩa là: Trong thiên hạ, người phụ nữ có sắc đẹp làm nghiêng nước, nghiêng thành đã từng có; nhưng người phụ nữ có công đức giúp nước, cứu dân trở thành anh hùng, Thánh nữ thì vô cùng hiếm có.
Ngày 28, mùa thu tháng 9 năm Mậu Tý (1288), Đức Quốc Mẫu từ trần tại tư dinh Vạn Kiếp. Với công lao to lớn trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ giang sơn, đất nước, Vua Trần sắc phong tước hiệu Nguyên Từ Quốc Mẫu, Thiên Thành Thái trưởng công chúa, sắc chỉ cho nhân dân tạc tượng, phụng thờ tại đền Kiếp Bạc.
Lễ tưởng niệm 736 năm ngày mất của Đức Nguyên Từ Quốc Mẫu – Thiên Thành Thái trưởng công chúa với các nghi lễ được tổ chức trang trọng, chuẩn hóa theo đúng nghi thức truyền thống góp phần tuyên truyền, quảng bá những nét đẹp văn hóa của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn- Kiếp Bạc. Đây không chỉ là dịp giao lưu, tăng cường tình đoàn kết, quảng bá, giới thiệu về khu di tích trong quá trình tỉnh Hải Dương cùng với tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới mà còn góp phần gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị khu di tích phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống, bồi đắp ý chí vươn lên cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa tỉnh Hải Dương ngày càng phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Kết thúc buổi lễ diễn ra lễ tế trang nghiêm của các cụ cao niên làng Vạn Yên, Dược Sơn tại nội tự đền Kiếp Bạc, mong cầu Quốc Mẫu phù hộ, độ trì, che chở cho muôn dân được ấm no hạnh phúc, mong cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh.
Lễ tế của các cụ cao niên thôn Vạn Yên, Dược Sơn
Lễ giỗ Mẫu được tổ chức trang trọng, linh thiêng theo nghi thức truyền thống, tôn vinh công lao to lớn và đức hạnh của Đức Quốc Mẫu, thể hiện lòng thành kính, sự tri ân của hậu thế đối với các bậc tiền nhân có công lao với nước với dân. Đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc tại khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc