CHẶNG ĐƯỜNG 30 NĂM BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA CÔN SƠN – KIẾP BẠC

Ngày 22/02/1994, UBND tỉnh Hải Hư­ng (nay là tỉnh Hải Dương) ra Quyết định số 153/QĐ-UBND thành lập Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc. Ban có chức năng quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường 30 năm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc với sự đổi thay toàn diện, căn bản. Các giá trị di sản văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc đã được gìn giữ, lưu truyền cho muôn đời sau!

Toàn cảnh Khu di tích Côn Sơn

* Di sản văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc trước khi thành lập Ban Quản lý di tích (trước năm 1994)

Côn Sơn – Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương) là một trung tâm văn hóa, tín ngưỡng lớn của đất nước. Nơi đây, gắn liền với các danh nhân hiền sĩ, các bậc quân vương, anh hùng dân tộc ở các triều đại. Theo văn bia, thư tịch cổ cho biết Côn Sơn – Kiếp Bạc được xây dựng từ thời Trần; quy mô kiến trúc của hai khu di tích Côn Sơn và Kiếp Bạc được xây dựng rất rộng, gồm nhiều công trình kiến trúc lớn, bề thế, nguy nga lộng lẫy. Trải qua biến cố của lịch sử và sự khắc nghiệt của thiên nhiên vùng nhiệt đới, các công trình kiến trúc to lớn ở Côn Sơn, Kiếp Bạc đã hư hại và mất mát khá nhiều. Trước năm 1994, phần còn lại của di tích không lớn so với các hạng mục công trình vốn có trong lịch sử và hầu hết được trùng tu, tôn tạo vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như: Chùa Côn Sơn, nhà Tổ, tháp Huyền Quang và khu nhà tăng ni (khu Côn Sơn); nghi môn đền, hai nhà Thành Các và Đền chính (khu Kiếp Bạc)… Các hạng mục này, nhìn chung đã và đang bị mối mọt, dột nát, xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết các công trình nguyên gốc được xây dựng từ thời Trần – Lê đã bị h­­­ư hỏng hoặc bị chôn vùi dư­­­ới lòng đất, một số phong tục lễ nghi văn hoá cổ truyền nguy cơ bị thất truyền…

Sau hòa bình lập lại, năm 1955 di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia đợt đầu. Việc quản lý di tích được giao cho chính quyền địa phương, lúc này là huyện Chí Linh (nay là thành phố Chí Linh). Để trông coi, địa phương đã thành lập tổ bảo vệ di tích gồm những người cao tuổi ra trông non, bảo vệ. Năm 1980, di tích được chuyển về Bảo tàng tỉnh Hải Hưng (nay là Bảo tảng tỉnh Hải Dương) quản lý. Lúc này, lực lượng chuyên môn của Bảo tàng còn mỏng, thiếu cán bộ. Hạ tầng cơ sở của khu di tích như đường, điện, bến bãi… hầu như chưa có gì.

 * Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc, chặng đường 30 năm (1994 – 2024)

Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể:

Trước thực trạng các di tích đã xuống cấp, hư hại nghiêm trọng, công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đặt ra bức thiết hàng đầu. Ngay sau khi thành lập, đơn vị đã tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức nghiên cứu xây dựng quy hoạch, kế hoạch trùng tu, tôn tạo di tích, trình các cấp có thẩm quyền để phân kỳ thực hiện. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã đầu tư nhiều tỷ đồng cho việc trùng tu, tôn tạo hàng loạt các hạng mục công trình ở cả 2 khu di tích, đồng thời nâng cấp cải tạo mới nhiều công trình phục vụ du khách theo hướng phát triển phục vụ du lịch, văn hóa và lễ hội. Giai đoạn từ 1995 – 2010, đã trùng tu, tôn tạo Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện chùa Côn Sơn và tòa Tiền tế đền Kiếp Bạc. Xây dựng hoàn thiện đền thờ Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; đền thờ quan Tư đồ Trần Nguyên Đán; Ngũ Nhạc linh từ; xây dựng đền – chùa Nam Tào, Bắc Đẩu. Cải tạo gần 5km đường dải nhựa thuộc nội bộ di tích Côn Sơn, các bãi đỗ xe, các công trình cấp nước sạch, công trình đường điện sinh hoạt, nhà vệ sinh, trồng cây cải tạo môi trường cảnh quan di tích, xây nhà làm việc và đón tiếp khách….

Năm 2010, Ban Quản lý di tích đã tham mưu, nghiên cứu và hoàn thành quy hoạch tổng thể khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó đến nay, căn cứ vào Quy hoạch tổng thể công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích được đặc biệt quan tâm đẩy mạnh, nhiều dự án được triển khai thực hiện như xây dựng cầu Thấu Ngọc trên suối Côn Sơn, tu bổ, tôn tạo đền Kiếp Bạc; hoàn thành tuyến đường từ Quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc, tôn tạo tòa Cửu Phẩm liên hoa, tả hữu tiền hành lang chùa Côn Sơn, lầu thờ Quán Thế Âm Bồ Tất chùa Côn Sơn… Nhìn tổng thể, các hạng mục công trình tu bổ, tôn tạo và xây dựng trong những năm qua đều đạt yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, hòa nhập cảnh quan chung theo nguyên tắc bảo tồn di tích, lưu giữ được các nét đặc trưng văn hóa truyền thống của dân tộc, đạt được sự bền chắc tồn tại lâu dài, được các nhà chuyên môn, các cán bộ nghiên cứu khoa học và nhân dân đánh giá cao.

Hiện nay, Ban Quản lý di tích tiếp tục triển khai các hạng mục của dự án Tu bổ, tôn tạo đền Kiếp Bạc (Sân lễ hội, Cổng tứ trụ, Đường thần đạo, Thủy đình…); triển khai dự án Bảo tồn khu di tích lịch sử Côn Sơn – Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch, gồm các hạng mục cải tạo Viên Lăng, kè Hồ Kiếp Bạc, xây dựng bãi xe phía Tây Côn Sơn, cải tạo Hồ Bán nguyệt, vườn tháp, vườn Lâm Tì Ni Côn Sơn…). Hoàn thiện đề án phục hồi dòng chảy suối Côn Sơn, đề án xây dựng nhà trưng bầy Trần Hưng Đạo tại Kiếp Bạc, Xây dựng tượng đài chiến thắng quân Nguyên Mông trên đỉnh núi Trán Rồng và hệ thống đường bậc lên núi Trán Rồng đi núi Bắc Đẩu, Từ Cũ…

Bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo di tích công tác xếp hạng di tích được thực hiện khẩn trương. Năm 2012, đã lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, công nhận bảo vật quốc gia (Bia Thanh Hư Động, bia Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi, Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn) nhằm tạo hành lang pháp lý cao nhất cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Hiện nay, Hồ sơ quần thể di tích “Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” đã được UBND 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đệ trình lên UNESCO đề nghị công nhận là Di sản thế giới.

Hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể:

Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể Côn Sơn – Kiếp Bạc rất phong phú và đa dạng. Bên cạnh việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, việc bảo tồn, phục dựng dựng, lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể là nhiệm vụ bức thiết. Trong đó lễ hội truyền thống Côn Sơn – Kiếp Bạc với nhiều hình thái văn hoá phi vật thể đặc sắc được coi là thuần phong, mỹ tục độc đáo góp phần làm nên bản sắc văn hoá đa dạng và tốt đẹp của cư dân đồng bằng Bắc bộ. Năm 2006, trước thực trạng nhiều nghi lễ, diễn xướng truyền thống và phong tục tốt đẹp có nguy cơ bị thất truyền, các yếu tố tiêu cực, mê tín dị đoan trong lễ hội vẫn tồn tại, UBND tỉnh Hải Dương đã xây dựng đề án tổ chức lễ hội truyền thống Côn Sơn – Kiếp Bạc giai đoạn (2006 – 2010). Thực hiện đề án cho đến nay, lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc đã được phục dựng thành công với các nghi lễ, diễn xướng truyền thống như: Lễ tưởng niệm Đức Thánh Trần, lễ rước bộ, lễ hội quân trên sông Lục Đầu, lễ ban ấn, diễn xướng hầu Thánh; lễ cầu an – hội hoa đăng trên sông Lục Đầu tại lễ hội mùa Thu Kiếp Bạc. Trong lễ hội mùa xuân Côn Sơn như: Lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ Mông sơn thí thực, lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ; lễ tưởng niệm danh nhân Nguyễn Trãi, Quan đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán và các trò chơi dân gian đặc sắc như: đu tiên, chọi gà, vật dân tộc, hát chèo, hát quan họ… Hàng năm đều bổ sung, nâng cấp chất lượng và mở rộng quy mô trình diễn qua từng lễ hội làm phong phú thêm nội dung lễ hội như: Liên hoan Pháo đất tỉnh Hải Dương, Hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày, lễ giỗ Đức Thánh Trần, Tuần Văn hóa, du lịch và Xúc tiến thương mại trong lễ hội mùa Xuân, mùa Thu. Vì vậy, Lễ hội truyền thống Côn Sơn – Kiếp Bạc đã hoàn thiện dần các giá trị văn hoá vốn đang bị mai một, thất truyền. Công tác tổ chức lễ hội được duy trì tốt hàng năm theo đúng nghi thức truyền thống được nhân dân và các cấp chính quyền đánh giá cao. Năm 2013, lễ hội chùa Côn Sơn, lễ hội đền Kiếp Bạc đã được đ­­­ưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

img_8811.jpg

Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống nhiều hoạt động thuộc lĩnh vực bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể cũng được triển khai như việc phục dựng duy trì, tổ chức các sự lệ cổ truyền tại khu di tích; tư liệu hóa nghề làm bánh tiến Thánh tại đền Kiếp Bạc, kết hợp với Đài truyền hình Trung ương, Đài truyền hình tỉnh tổ chức các phóng sự, phim tài liệu giới thiệu nguồn gốc, nội dung, giá trị di sản văn hóa Côn Sơn, Kiếp Bạc….

Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu:

Côn sơn – Kiếp Bạc có hệ thống di sản tư liệu quý giá gồm 21 văn bia từ thời Trần thế kỷ XIII đến thời Nguyễn thế kỷ XX (trong đó có 02 văn bia được xếp hạng bảo vật quốc gia), 05 minh chuông, 40 hoành phi, hơn 100 câu đối, cùng với hệ thống thần tích, thần sắc, sắc phong, các bản kinh sách, thơ văn về khu di tích… Đây là tư liệu gốc phản ánh lịch sử hình thành và phát triển khu di tích trong các giai đoạn lịch sử. Di sản tư liệu có tác dụng không nhỏ cho công tác tu bổ, tôn tạo của khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc. Hiện nay, các di sản tư liệu này đều được bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Toàn bộ văn bia, minh chuông, hoành phi câu đối đã được dịch thuật và in thành sách di sản Hán Nôm để quảng bá đến nhân dân, du khách tham quan. Các tư liệu giấy được bảo quản kĩ càng và số hóa giới thiệu trên trang thông tin điện tử của cơ quan để tiện cho công tác quảng bá, phát huy giá trị.

Công tác nghiên cứu khoa học, thuyết minh tuyên truyền di tích:

Công tác nghiên cứu khoa học luôn được đặt lên hàng đầu. Kết quả khoa học làm cơ sở, tư liệu quan trọng để xây dựng hồ sơ trùng tu, xây dựng các công trình, phục vụ việc hoàn thiện bài trí thờ tự và thuyết minh tuyên truyền về di tích. Với tầm quan trọng như vậy, những năm qua đơn vị đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học như: Điều tra nghiên cứu về các nghi lễ, diễn xướng cổ truyền khu vực Côn Sơn, Kiếp Bạc; nghiên cứu và công bố thành công các đề tài như: “Vạn Kiếp trong lịch sử chống ngoại xâm từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII”, “Hậu duệ Nguyễn Trãi từ sau vụ án Lệ Chi Viên năm 1442 đến nay”, “Hệ thống thờ tứ vị vương tử vùng đông bắc” “Lễ hội truyền thống chùa Côn Sơn”, “Lễ hội truyền thống đền Kiếp Bạc”, “Hệ thống di tích thuộc Thiền Phái Trúc Lâm trên đất Hải Dương”, “Khảo sát hệ thống di tích thờ Đức Thánh Trần ở vùng Đồng bằng bắc bộ”… Xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Bảo vật quốc gia Bia “Thanh Hư Động”, bia “Côn Sơn tư phúc tự bi chùa Côn Sơn”, Hồ sơ bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn. Đồng thời công bố nhiều bài viết trên các báo, tạp chí chuyên ngành như tập chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lịch sử quân sự, Văn Hiến Việt Nam, Xưa và Nay, Thế giới Di sản. Tham gia viết bài tại các hội thảo của các bộ ngành, trung ương tổ chức…

Công tác thuyết minh, tuyên truyền di tích được đẩy mạnh. Đơn vị đã xây dựng trang web: consonkiepbac.org.vn; trang Fanpage Du lịch Côn Sơn – Kiếp Bạc nhằm tuyên truyền, quảng bá Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc đến đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Từng bước thực hiện thuyết minh điện tử, triển khai mã quát QR giới thiệu nội dung về di tích.

Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Từ thực tiễn kinh nghiệm cho thấy công tác xã hội hóa luôn phải gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực. Những năm qua, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện công tác này nhằm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân tham gia đóng góp xây dựng di tích; xây dựng mối quan hệ mật thiết với các tổ chức xã hội, các “cơ cánh” (đoàn lễ) của nhân dân ở các địa phương trong và ngoài nước để huy động các nguồn lực, kinh phí… Vì thế, nguồn kinh phí nhân dân đóng góp cho tu bổ di tích, tổ chức lễ hội hàng năm không ngừng tăng. Theo thống kê từ năm 2010 đến nay, nhiều hạng mục công trình bằng nguồn vốn do nhân dân đóng góp đã hoàn thành, như: công trình tu bổ, tôn tạo đền Kiếp Bạc; công trình phục hồi tòa Cửu Phẩm liên hoa chùa Côn Sơn; tượng thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát bằng ngọc Nephrit; công trình nhà ăn đền Kiếp Bạc…

Trong tổ chức lễ hội, Ban tổ chức lễ hội đã thực hiện thành công và hiệu quả công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá trong lễ hội. Nhà nước cùng nhân dân chung góp kinh phí, tham gia tổ chức, thực hiện các nghi lễ, diễn xướng. Mỗi năm lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc nhận được sự đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong việc cung tiến lễ phẩm, hoa nghi, cung tiến hoa đăng, pháo hoa… lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, công tác cải tạo cảnh quan môi trường cũng được nhân dân tích cực tham gia đóng góp bằng cách công đức tiền, cây xanh, hoa, cùng hàng nghìn ngày công…

* Vai trò các cấp, các ngành ở trung ương và địa phương trong việc phối hợp tạo điều kiện cho Ban Quản lý di tích thực hiện tốt nhiệm vụ

Để thực hiện tốt công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc thường vụ tỉnh ủy Hải Dương qua các thời kỳ đã quán triệt tư tưởng chỉ đạo về nhận thức, coi đây là khâu đột phá để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng vị trí, tầm vóc và giá trị đặc biệt về di sản văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc. Huy động mọi nguồn lực và phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ di tích. Điều này được thể hiện rõ trong các nghị quyết qua các kỳ Đại hội đảng bộ tỉnh.

Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương cùng các Bộ ngành trung ương những năm qua nhiều dự án về Côn Sơn – Kiếp Bạc đã được phê duyệt và tổ chức thực hiện thắng lợi. Các cấp chính quyền và nhân dân luôn quan tâm, dành tình cảm cho di tích. Đơn vị cũng duy trì tốt mối quan hệ với chính quyền, nhân dân địa phương, trụ trì chùa Côn Sơn và các cơ quan, ban ngành của tỉnh, của thành phố Chí Linh, đặc biệt các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Công tác phối kết hợp thực hiện có hiệu quả như: việc tuyên truyền, phát động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh lịch sự, tích cực tham gia lễ hội và các sự lệ của di tích; tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp… tham gia công tác tu bổ, tôn tạo di tích…

* Về tổ chức bộ máy cán bộ

Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc không ngừng được kiện toàn, lớn mạnh. Ban đầu, khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc trực thuộc Bảo tàng Hải Hưng (nay là Bảo tàng Hải Dương). Thời gian đầu lực lượng chuyên môn còn mỏng, thiếu cán bộ. Năm 1994, Ban được thành lập, nhân sự gồm 01 trưởng ban, 01 phó ban và 12 nhân viên. Cơ cấu tổ chức gồm Ban lãnh đạo và các tổ quản lý di tích theo khu vực. Năm 2007, UBND tỉnh ra quyết định công nhận Ban QLDT là đơn vị sự nghiệp cấp 2. Cơ cấu tổ chức của Ban được kiện toàn gồm Ban lãnh đạo (01 trưởng ban, 02 phó ban) và 5 phòng chức năng. Năm 2017, cơ cấu của Ban được kiện toàn. Ban thành lập thêm 3 phòng chuyên môn cơ cấu tổ chức của Ban gồm 8 phòng chức năng. Trải qua 3 đời Lãnh đạo Ban, số lượng đội ngũ viên chức, người lao động từ 14 nhân viên lên đến 92 người (năm 2024); từ 05 phòng ban (năm 1994) đến hiện tại Ban gồm 08 phòng chức năng.

Hiện tổng số viên chức, người lao động của đơn vị gồm 94 ng­­­ười (trong đó có 40 viên chức, 33 hợp đồng 111, 21 hợp đồng thường). Trình độ chuyên môn có 01 tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 35 đại học, cao đẳng. Lý luận chính trị: 15 trung cấp chính trị, còn lại là sơ cấp. Đoàn thể cơ quan hoạt động hiệu quả. Hiện nay, Chi bộ Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc có 30 đảng viên trực thuộc Đảng bộ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Cơ sở vật chất ban đầu của đơn vị rất thiếu thốn, tạm bợ, chưa có phòng làm việc… Đến nay, đơn vị đã xây dựng khu nhà Khách, phòng làm việc, nhà ăn tại 02 Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, trang bị 23 máy tính (18 máy tính bàn và 5 máy tính xách tay) cùng hệ thống máy móc như máy photo, máy tin, máy scan… cho các viên chức và người lao động thuộc các phòng chuyên môn để làm việc. Các di tích trong khu di tích xuống cấp dần được phục dựng, tôn tạo lại cùng với cảnh quan môi trường được cải tạo. Từ năm 2010, thực hiện quy hoạch tổng thể khu di tích của Thủ tướng Chính phủ, Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc được đầu tư xây dựng ngàng càng khang trang, tố hảo. Mỗi năm, khu di tích đón hàng triệu lượt khách về tham quan, chiêm bái…

* Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc từ khi hình thành cho đến nay, đã khẳng định vai trò và giá trị đặc biệt trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Các giá trị văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng… ở nơi đây đều xuất phát từ truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Trải qua suốt quá trình lịch sử, hệ thống di sản văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc được chắt lọc, bổ sung, phát huy ngày càng phong phú, hoàn chỉnh tốt đẹp hơn, góp phần tạo nên sắc thái văn hóa dân tộc. Với những kết quả công tác tu bổ, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên đã làm thay đổi diện mạo khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc một cách toàn diện, bền vững. Hiện nay, khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cùng với Yên Tử, Vĩnh Nghiêm đang trên hành trình được công nhận là Di sản thế giới. Khẳng định được vị thế, vai trò, những giá trị nổi bật toàn cầu của một trong những trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của cả nước.

Nhìn lại chặng đường 30 năm trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc, có thể khẳng định những thành tạo đạt được là to lớn và toàn diện; Có được kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình xây dựng và phát triển của Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc trong 30 năm qua và là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân viên của Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Nguyễn Thị Thùy Liên

Trưởng ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc

…………………………………….

Để lại một bình luận