TƯ LIỆU HÁN NÔM VỀ ĐỆ NHỊ TỔ PHÁP LOA

Tư liệu Hán Nôm, nhất là văn bia ở Quần thể Di tích Yên Tử và phụ cận, tiêu biểu là văn bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi”, khắc năm Đại Trị thứ 5 (1362) đời Vua Trần Dụ Tông, ở chùa Thanh Mai, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương trực tiếp phản ánh các hoạt động Phật giáo nói chung, từng sự kiện, nhân vật cụ thể, trong đó có nhiều sự kiện liên quan đến thân thế và cuộc đời hoạt động của ba vị sư tổ Trúc Lâm Yên Tử, trong đó có Pháp Loa.

           1.Tư liệu Hán Nôm với thân thế, sự nghiệp của Pháp Loa

Pháp Loa ( 1284- 1330) tên là Đồng Kiên Cương, quê ở thôn Đồng Hòa, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Văn bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi ghi: “Sư sinh giờ Mão, ngày 17 tháng 5 năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6, tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, giang Nam Sách. Khi xưa vào tháng 8 năm Quý Mùi (1283), mẹ sư là Vũ thị, đêm nằm mộng thấy dị nhân trao cho kiếm thần, bà vui mừng ôm vào lòng, đến khi thức giấc, bà biết có thai. Ngày sinh Sư, khắp nhà tỏa mùi hương thơm, hồi lâu mới hết. Cha dòng dõi tĩnh hạnh, họ Đồng, hiệu Thuần Mậu, mẹ họ Vũ, hiệu Từ Cứu. Tục danh của Sư là Kiên Cương. Lúc còn nhỏ đã có thiên tư dĩnh ngộ, không nói lời ác, không ăn chất cay nồng và ôi tanh…”

Năm 1304, ông xuất gia theo Điều Ngự, được đặt tên là Thiện Lai. Ban đầu ông được gửi đến học với Hòa thượng Tinh Giác ở Quỳnh Quán, sau đó thường đi theo Điều Ngự dự các buổi giảng. Năm 1305, ông được Điều Ngự cho thụ giới Thanh văn và Bồ Tát, đặt pháp danh là Pháp Loa. Năm 1306, được cử làm giảng chủ ở chùa Báo Ân, Siêu Loại, Bắc Ninh. Năm 1307 ông và một số đệ tử khác được Điều Ngự giảng cho nghe bộ Đại Tuệ Ngữ lục. Trong năm đó, trên đỉnh Ngọa Vân, ông được Điều Ngự giao cho y bát và tâm kệ. Đến mồng 1 tháng Giêng năm Mậu Thân (1308) ông được chính thức trao pháp y, giữ cương vị tổ thứ hai của phái  Trúc Lâm.

Văn bia Thanh Mai Viên Thông tháp viết :“ Năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 ( 1304), Sư (Pháp Loa) 21 tuổi. Chính năm này, Nhân Tông Điều Ngự Đầu Đà đi khắp các miền, trừ bỏ những đền thờ dâm thần, bố thí phép chữa bệnh cho những người nghèo bị mắc bệnh, cùng với mục đích là tìm người nối dòng pháp. Khi xa giá Điều Ngự đến Nam Sách giang, thì Sư đi chơi xa, bỗng cảm thấy tâm phiền muộn nên quay về, vừa lúc ấy gặp Điều Ngự đến thôn mình, Sư bèn làm lễ xin xuất gia”.

Sau khi gặp Pháp Loa, Đầu Đà đã tin tưởng và muốn truyền pháp. Năm 1308, Pháp Loa được chính thức ủy làm Tổ thứ hai của phái Trúc Lâm. Việc kế thế của Pháp Loa được tiến hành bằng một buổi lễ trọng thể: “Ngày mộng Một tháng Giêng năm Mậu Thân niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308) Sư phụng mệnh nối dòng pháp Trúc Lâm, trụ trì Cam Lộ đường chùa Siêu Loại. Mở đầu buổi lễ truyền thừa Tổ vị, Điều Ngự cho tấu đại nhạc, thắp hương thơm, dẫn Sư lễ tổ đường, rồi ra điểm tâm. Sau khi điểm tâm, Điều Ngự lại sai tấu nhạc, đánh trống pháp, tập họp đại chúng tại pháp đường. Bấy giờ Vua Anh Tông ngự giá đến chùa. Vì vua là Đại thí chủ của Phật Pháp, nên khi phân ngôi chủ khách, Vua đứng vào vị trí khách tại pháp đường. Còn Quốc Phụ Thượng tể thì cùng các quan đứng dưới sân, Điều Ngự lên tòa thuyết pháp. Giảng xong, Điều Ngự bước xuống dắt Sư lên tòa, đứng đối diện chắp tay thăm hỏi. Sư đáp lạy. Điều Ngự trao pháp y cho Sư mặc. Điều Ngự ngồi vào ghế Khúc lục ở một bên rồi nghe Sư thuyết pháp. Rồi đem chùa Siêu Loại của Sơn môn Yên Tử giao cho Sư, sai Sư là người kế thế trụ trì, làm tổ đời thứ hai của phái Trúc Lâm” (Thanh Mai Viên Thông tháp bi).

Trong thời kỳ này, Phật giáo phát triển mạnh mẽ, với số người xuất gia rất đông: “Tháng 9 năm Hưng Long thứ 21 (1313) Sư phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, quy định các chức cho tăng sĩ trong cả nước và dựng hơn 100 ngôi chùa. Chư tăng trong nước từ đó mới có sổ bộ, đều do Sư quản lý. Bấy giờ Sư độ hơn nghìn người. Về sau cứ ba năm độ tăng một lần, mỗi lần khoảng nghìn người….”

Chùa Vĩnh Nghiêm đã trở thành chốn Tổ của giáo hội Trúc Lâm, chứa đầy đủ hồ sơ của tăng ni cả nước. Trong thời kỳ này, nhiều chùa, tháp cũng được xây dựng. Đến năm 1329, đã xây dựng hai khu chùa lớn là Báo Ân và Quỳnh Lâm, năm ngọn tháp và hai trăm tăng đường, ông còn xây dựng các am như Hồ Thiên, Chân Lạc, An Mã…, mở rộng chùa Thanh Mai và Côn Sơn. Các đồ đệ của Pháp Loa cũng cho xây dựng nhiều tháp, chùa ở khắp nơi: “Ngày 13 tháng 6, Thái Thượng hoàng xuống chiếu sai Sư soạn sách “Tham Thiền chỉ yếu”, nhân thể ban thêm cho Sư tên hiệu là Minh Giác. Sư tạo lập các am Hồ Thiên, Chân Lạc.

Trong năm này, Sư muốn đúc 1.000 pho tượng Phật… Sư đã tạo hơn 1300 tượng Phật lớn nhỏ, hai bộ tượng sơn mài, hơn 100 tượng bằng đất, dựng hai ngôi chùa lớn và 5 ngôi tháp, lập hơn 200 tăng xá, độ hơn 15000 tăng ni, in bộ kinh Đại Tạng. Những đệ tử đắc pháp hơn 30 người đã liệt kê ở lược đồ…” ( Thanh Mai Viên Thông tháp bi).

Pháp Loa được giới quý tộc ủng hộ nhiều. Đây là thời kỳ quý tộc đua nhau xuất gia hay thụ giới tại gia. Nhờ sự giúp đỡ của giới quý tộc này, thế lực kinh tế của các cơ sở Giáo hội Trúc Lâm cũng rất lớn. Pháp Loa được Anh Tông cho nhiều mẫu ruộng ở làng Đội Gia, cấp luôn cả người canh tác :“Tháng 11, năm Nhâm Tý niên hiệu Hưng Long 20 (1312), vua Anh Tông ban chiếu mời Sư vào chùa Tự Phúc trong đại nội, giảng Đại Tuệ ngữ lục. Nhân đó Vua lấy bạc trong kho trị giá 50 nghìn quan tiền, giao cho Sư bố thí cho những người nghèo, ban cho thuyền công và những người chèo thuyền để sư tiện đi lại hàng ngày. Sư từ chối không nhận vua Anh Tông lại sai trích ra một khu ruộng 500 mẫu ruộng ở trang Niệm Như để Sư làm của thường trụ tam bảo… (Thanh Mai Viên Thông tháp bi).

Ngoài việc dựng chùa, tô tượng, Pháp Loa cũng rất quan tâm và chú trọng đến việc in kinh sách, mở giảng các lớp thuyết pháp về Phật pháp. Pháp Loa đã giảng các bộ như Truyền Đăng Lục, Tuyết Đậu Ngữ Lục, Đại Tuệ ngữ lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, Thiền Lâm Thiết chủy ngữ lục…và giảng các kinh Kim Cương, Viên Giác, Thủ Lăng Nghiêm, đặc biệt là Hoa Nghiêm. Bấy giờ có phong trào nghe giảng kinh Hoa Nghiêm. Năm 1311, Pháp Loa kế tiếp Điều Ngự cho in kinh Đại Tạng. Pháp Loa đã ủy quyền cho Bảo Sát, một đệ tử của Điều Ngự trông coi việc khắc in. Việc khắc in đã hoàn thành vào năm 1319. Trong năm đó, Pháp Loa đã kêu gọi tăng nhân và mọi người chích máu in hơn 5000 kinh Đại Tạng, lưu trữ tại Quỳnh Lâm: “Tháng 7, Sư phụng chiếu đến cúng chay Nhân Tôn nhân dịp lễ Vu Lan, rồi lên tòa giảng yếu chỉ kinh Hoa Nghiêm. Năm Tân Hợi, niên hiệu Hưng Long thứ 19 (1311), phụng chiếu khắc lại bản kinh Đại Tạng, Sư nhờ Bảo Sát chủ trì việc này. Tháng 4, Sư về trụ trì chùa Siêu Loại, giảng Truyền Đăng Lục…

Tháng 11 năm Nhâm Tý, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1312). Vua Anh Tông ban chiếu mời Sư vào chùa Tự Phúc trong Đại nội giảng Đại Tuệ Ngữ lục…Ngày mồng 1 tháng 2 năm Quý Sửu, niên hiệu Hưng Long thứ 21 (1313), Viện chủ La Già là tổ Long Đàm, mời Sư về chùa, giảng Thiết Lâm thiết chủy ngữ lục, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục và kinh Duy Ma. Sư khai đường thuyết giảng. Vua Anh Tông đến nghe thuyết pháp… Tháng 12, Sư kêu gọi tăng chúng và cư sĩ chích máu in Đại Tạng kinh hơn 5000 quyển, để lại viện Quỳnh Lâm. Anh Tông tự chích máu mình viết Đại Tạng kinh cỡ nhỏ gồm 20 hộp, ban cho Sư…”

Năm 1322, Pháp Loa đã cho khắc ván in quyển Tứ Phần luật, in hơn 5000 bản, rồi mời Quốc sư Tông Kính ở núi Tiên Du và Quốc sư Bão Phác ở núi Vũ Ninh về giảng ở chùa Siêu Loại. Pháp Loa cho khắc in một số tài liệu do ông biên soạn như Kim cương tràng đà la ni kinh thoa chú. Ông cũng biên soạn một số sách Pháp Hoa kinh khoa sớ, Bát Nhã tâm kinh khoa sớ…Trong thời kỳ Phật giáo Pháp Loa, Phật giáo phát triển lan rộng trong mọi tầng lớp, số chùa, am tháp được xây dựng nhiều, số tăng ni đệ tử đông, những đệ tử đắc pháp hơn 30 người, Pháp sư có 6 người: “Các đệ tử của Sư có: Quang ở Côn Sơn, Ngung ở Quế Đường, Huy ở Ngân Sơn, Ngân ở Diễn Châu, Thuần ở Nhân Kiệt, Nhãn ở Quỳnh Lâm, Nguyên ở Siêu Loại, Quản ở Trúc Đường, Na ở Hồ Thiên, Sang Khảng ở Quỳnh Lâm, Quang ở Tuyết Am, Tính ở Quang Am, Chỉ ở Ngạnh Minh, Trang ở Cổ Châu. Đệ tử trên 3000 người đều liệt kê trong đồ tịch”.

Sau khi tìm được người kế thừa đạo pháp, Trần Nhân Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm ( Bác Giang) làm lễ kiết hạ. Sau khi giảng hết khóa hạ Điều Ngự Trần Nhân Tông vào núi Yên Tử đến nằm ở Am Ngọa Vân và hóa tại đây. Khi Trần Nhân Tông hóa, Pháp Loa làm lễ hỏa táng, xây tháp mộ ở núi Yên Tử, dâng tôn hiệu cho ngài là “ Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật” gọi là Trúc Lâm Đệ Nhất Tổ và nối tiếp lên làm vị Tổ thứ 2 Thiền phái Trúc Lâm. Pháp Loa được Trần Nhân Tông truyền cho đạo pháp đã đi khắp nơi thuyết pháp, giảng bộ sách “Thuyền Uyển Truyền Đăng Lục”.

Năm Quý Sửu (1313) Pháp Loa đến chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) trụ trì, xây dựng nơi đây thành trung tâm Phật giáo, đào tạo Tăng đồ và xếp đặt Tăng chức, chỉ đạo các chùa trong cả nước.

Được sự ủng hộ rất lớn của Nhà vua và các giới quý tộc, Pháp Loa đã cho xây dựng và mở mang nhiều chùa tháp. Riêng năm 1314, ông cho xây dựng 33 cơ sở điện thờ Phật, gác chứa kinh…Chính trong thời kỳ này trên cơ sở chùa Quỳnh Lâm cũ, năm 1316, Pháp Loa cho thành lập “Viện Quỳnh Lâm” – như một học viện Phật giáo đầu tiên ở nước ta được ra đời từ đây. Những năm cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, cùng với chùa Vân Yên (Hoa Yên) ở Yên Tử, chùa Báo Ân ở Siêu Loại (Bắc Ninh), thiền viện Quỳnh Lâm do Pháp Loa trụ trì là một trong ba trung tâm Giáo hội Trúc Lâm thời Trần. Nhiều hội lớn được tổ chức tại đây như hội : “Thiên Phật” tổ chức vào năm 1325, hội kéo dài bảy ngày bảy đêm.

Năm 1328 Thiền sư lại cho đúc một pho tượng Di Lặc và tâu xin nhà Vua cho được rước tượng từ nền điện lên bảo tọa để dát vàng. “Niên hiệu Khai Thái năm thứ nhất (1324), ngày 12 tháng 11 năm Giáp Tý, Bảo Từ Hoàng Thái hậu xin với Phổ Tuệ Minh giác tôn giả, Tổ thứ hai dòng Trúc Lâm cho dựng tượng Di Lặc cao 6 thước. Tư đồ Văn Huệ vương và Thượng Trân Thái trưởng công chúa xin cúng chín nghìn lạng hoàng kim để đúc pho tượng ấy. Con trai trưởng của công chúa Nhật Trân là Thuận Ứng cúng 50 mẫu ruộng ở trang Hoa Lưu để cúng làm của tam bảo chùa Quỳnh Lâm. Tư đồ Văn Huệ Vương thiền sư, Thượng Trân thái trưởng công chúa cúng 300 mẫu ruộng ở Cự Linh, Gia Lâm lại cúng ruộng ở trang Vân Động, tất cả cộng là một nghìn mẫu và một nghìn nam nữ gia nô vào chùa Quỳnh Lâm. Vào năm Khai Thái thứ 5(1328) tháng 3 năm Mậu Thìn, Bảo Từ Hoàng Thái Hậu, Bảo Huệ Quốc mẫu mời sư đến chùa Quỳnh Lâm tập hợp sư sãi mười phương diễn giảng Đại Thừa chân kinh, lại lập đàn chay 10 ngày cầu cho Trần Anh Tông Hoàng đế Bồ Tát. Minh Tông Hoàng đế Bồ Tát phê chuẩn lời tâu của sư chùa cho cấm quân đến kéo tượng Phật Di Lặc đặt lên điện và thếp vàng.

Ngày 13 tháng 2 năm Canh Ngọ, niên hiệu Khai Hựu thứ 2 (1330) Pháp Loa từ chùa Vĩnh Nghiêm về Viện Quỳnh Lâm, đem những điều mà Điều Ngự Trần Nhân Tông đã truyền trước đây là giá trạng và tả tâm kệ truyền cho sư Huyền Quang dậy rằng phải gìn giữ lấy, đến ngày 3 tháng 3, Pháp Loa cầm bút viết kệ xong, không bệnh qua đời, Thái Thượng hoàng gia phong hiệu cho Sư là Tịnh Trí Tôn giả, gọi là Pháp Viên thông.

Với các hoạt động của Pháp Loa (1284-1330) vào thời đại nhà Trần, chùa Quỳnh Lâm trở thành một Thiền viện, một cơ sở Phật học quy mô, bề thế, nơi đào tạo rất bài bản người tu Phật thông qua kinh sách và mọi nghi thức thụ giới nghiêm ngặt của nhà chùa. Cách thức giảng tập đạo Thiền tại chùa Quỳnh Lâm không khô khan trừu tượng, cũng không thụ động theo lối thầy nói trò nghe, mà diễn ra như những sinh hoạt văn nghệ dân gian lý thú, có đối thoại, có diễn xướng, có lời ca. Quan điểm Phật giáo chiếm ưu thế ở các bài giảng của Pháp Loa là tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nó nặng phần nhập thế, hiện hữu và không cứng nhắc trong tư duy, cũng không xóa bỏ mất bản ngã. Tại đây Phật giáo đã được điều chỉnh bởi tinh thần thực tiễn. Dưới hình thức một Thiền viện, chùa Quỳnh Lâm thời Lý – Trần thực chất là một hình ảnh thu nhỏ của một sự dung hợp văn hóa, bắt nguồn từ mạch sống của một xã hội đang tự giác kéo giãn những rằng buộc khắt khe về hệ tư tưởng, làm cho đời sống an lạc kéo dài, tâm hồn dân chúng thảnh thơi tự tại và mọi tiềm năng ngày càng nảy nở. Người hoằng dương Thiền phái chính là Pháp Loa.

Pháp Loa Thiền sư năm 1316, đã tôn tạo mở rộng chùa Côn Sơn, xây dựng nơi đây thành tăng viện đào tạo tăng ni, giảng kinh thuyết pháp. Sau đó Huyền Quang từ năm 1329 về trụ trì ở Côn Sơn, xây nhiều công trình, trong đó có Am Bạch Vân trên núi Côn Sơn. Văn bia “Côn Sơn Tư Phúc tự” cho biết các hoạt động Phật giáo Trúc Lâm này, như kinh kệ được truyền tụng, mạng lưới sơn môn ở khắp nơi,…Cụ thể như, kinh Phật được Phật giáo Trúc Lâm sử dụng là kinh Hoa Nghiêm, kinh Thủ Lăng. Văn bia còn cho biết chính Pháp Loa thiền sư từng truyền giảng nhiều kinh Phật này, cùng các kinh kệ khác như Kinh Sử ngoại thư, Đại tạng tiểu thừa, Thiền Lâm Thiết chủy ngữ lục, Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục,…

Bài vị của tổ thứ hai được khắc trên bia là Pháp Loa Đồng Kiên Cương ghi: “Nam Việt lịch đại Trần triều Yên Tử Trúc Lâm Đệ nhị Thánh tổ Phật Tích Thanh Mai viện Viên Thông bảo tháp, Pháp Loa Tôn giả Phổ Huệ tịnh Trí Giác Thánh tổ thiền tọa hạ”.

2. Pháp Loa với Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử

Phật giáo Trúc Lâm khá phổ biến, được lưu truyền rộng rãi và tôn nghiêm nhờ danh tiếng của ba vị sư tổ, trong đó có vị Đệ nhị Pháp Loa. Văn bia núi Dục Thúy, Ninh Bình (Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký) khắc năm Thiệu Phong thứ ba (1343) ghi lại sự kiện dựng tháp này như sau: “Hôm bắt tay vào việc, sư Đức Uyên lại chiêm bao thấy Đức Trúc Lâm Phổ Tuệ (tức Pháp Loa, vị tổ thứ hai dòng thiền Trúc Lâm) kết ấn giữ cho tháp yên vững… Tháp xây bốn tầng, đêm tỏa hào quang, kẻ xa người gần đều trông thấy rõ. Tất cả những việc ấy, có việc nào không phải do phép mầu nhiệm của đức Phật ta”.

Cũng bài văn bia này còn cho biết khi nhà sư Trí Nhu xây dựng tháp này, là người “theo hầu đức Phổ Tuệ, thâm hiểu tôn chỉ của phái Trúc Lâm, tu thân khổ hạnh, bỏ được lễ nghi phiền phức giơ hai bàn tay không mà làm nên việc lớn…”

Hầu hết các bộ kinh được văn bia nhắc đến ở trên từng được Pháp Loa trì tụng đều được khắc ván tại chùa Vĩnh Nghiêm mà hiện còn một số bộ tiêu biểu. Đó là các bộ kinh như Hoa Nghiêm Kinh, Khai Thánh chân kinh, Di Đà kinh, Tì khâu ni giới, Quan Thế Âm kinh, Bản nguyên chân kinh, Đại thừa chỉ quán, Thiền tông bản hạnh, Sa di ni uy nghi, Tịnh độ sám nguyện,…

Trong số tên sách kể trên thì Hoa Nghiêm kinh là tên gọi tắt của Kinh Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm. Đại phương quảng là phá sở chứng, Phật là người năng chứng, đã chứng được cái lý của Đại phương quảng.

Di Đà kinh ( tức kinh Di Đà), tên gọi tắt của kinh Phật thuyết A Di Đà. Di Đà là danh hiệu Phật thành tựu nhờ ngài cứu giúp tế độ tất cả chúng sinh. Danh hiệu đức Di Đà có loại 4 chữ : Adi đà Phật, 6 chữ Nam mô Adi đà Phật, loại 9 chữ : Nam mô bất khả tư nghị Quang Như Lai, 10 chữ: Quy mệnh tận thập phương vô ngại Quang Như Lai…

Bản nguyên chân kinh: Bản có nghĩa là Nhân, Nguyên ở Nhân địa lập ra Nguyện này, ngày nay đắc được quả, cho nên đối với quả mà nói là Bản nguyện. Thêm nữa “Bản” có nghĩa là “Căn” tức thệ nguyện căn bản. Tâm của Bồ tát rất quảng đại, thệ nghuyện cùng vô lượng. Chỉ có nguyện dùng là căn bản nên gọi là Bản nguyện.

Tóm lại, tài liệu Hán nôm, nhất là tài liệu văn bia thời Trần có nhiều giá trị trực tiếp phản ánh về cuộc đời, hoạt động của Thiền sư Pháp Loa, cũng như cống hiến và ảnh hưởng của Thiền sư nói riêng, Phật giáo Trúc Lâm nói chung đối với các trung tâm Phật giáo đương thời, trong đó có chùa Vĩnh Nghiêm.

PGS.TS ĐINH KHẮC THUÂN

Nguồn: Tạp chí Thế giới Di sản, số 4- 2017 (127).

Trả lời