TRẦN QUỐC TUẤN – ANH HÙNG KIỆT XUẤT CỦA DÂN TỘC

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là nhà quân sự tài ba, nhà chính trị lỗi lạc, anh hùng kiệt xuất của đất nước và dân tộc Việt Nam. Ông thật sự xứng đáng với sự tôn vinh của nhân dân: Đức Thánh Trần!

Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228. Ông ra đời khi họ Trần vừa thay thế nhà Lý làm vua trong một đất nước đang đói kém, loạn ly. Trần Thủ Độ, một tể tướng tài giỏi của triều Lý, đầy mưu lược đã sắp đặt để giữ thế nước đang chông chênh thành bền vững. Bấy giờ, vị vua cuối cùng của triều Lý là Lý Chiêu Hoàng lên ngôi khi tuổi còn rất nhỏ. Trần Thủ Độ đã sắp đặt cho Chiêu Hoàng lấy chồng là Trần Cảnh. Một thời gian sau, Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng lên làm vua. Cuộc chuyển giao quyền lực triều chính giữa hai dòng họ Lý – Trần diễn ra một cách hòa bình. Nhưng trăm họ và tôn thất nhà Lý vẫn dị nghị là nhà Trần cướp ngôi nhà Lý. Trần Thủ Độ rất lo lắng. Bấy giờ, công chúa Thuận Thiên (chị gái của Chiêu Hoàng) lấy chồng là Trần Liễu (anh ruột của Trần Cảnh) đang có mang. Trần Thủ Độ đã ép buộc Trần Liễu nhường vợ cho Trần Cảnh để chắc chắn có một đứa con. Trần Liễu tức giận, nổi loạn. Trần Thủ Độ dẹp tan, nhưng tha chết cho Trần Liễu. Song điều này không làm yên lòng thù hận của Trần Liễu. Vì thế, khi con trai lớn lên, Trần Liễu kén thầy giỏi dạy cho con của mình thành bậc văn võ toàn tài, ký thác vào con mối thù khôn nguôi. Người con trai ấy chính là Trần Quốc Tuấn.

Thuở  nhỏ, có người đã khen Quốc Tuấn là bậc kỳ tài. Lớn lên, Trần Quốc Tuấn càng tỏ ra thông minh, xuất chúng, thông kim bác cổ, văn võ song toàn. Trần Liễu thấy con như vậy mừng lắm, những mong Quốc Tuấn có thể rửa nhục cho mình. Song, cuộc đời của Trần Quốc Tuấn đã trải qua một lần gia biến, ba lần quốc nạn, nhưng ông đã chứng tỏ là một bậc hiền tài. Mối thù của cha, ông không bao giờ đặt lên trên quyền lợi của dân nước, xã tắc. Ông đã biết dẹp thù riêng, vun trồng cho mối đoàn kết giữa tông tộc họ Trần, khiến cho nó trở thành cội rễ của những chiến công vang dội và oanh liệt chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta dưới triều đại nhà Trần để giữ yên toàn vẹn bờ cõi, non sông, đất nước.

Bấy giờ quân Nguyên sang xâm chiếm ViệtNam. Trần Quốc Tuấn đã giao hảo hòa hiếu với Trần Quang Khải. Hai người là hai đầu mối quan trọng của hai chi trong họ Trần, một người là con Trần Liễu, một người là con Trần Cảnh. Sự hòa hợp giữa hai người chính là sự thống nhất ý chí của toàn bộ vương triều Trần, đảm bảo đánh thắng quân Nguyên hung hãn.

Sự hòa hợp giữa hai vị đại tướng của triều Trần còn được biểu hiện ở hành động Trần Quốc Tuấn đã chủ động mời Trần Quang Khải sang thuyền mình trò chuyện, chơi cờ và sai người nấu nước thơm tự mình tắm cho Quang Khải như anh em ruột thịt… Hành động đó có ý nghĩa sâu sắc để giáo dục, củng cố tinh thần đoàn kết của vua quan triều Trần, của quân dân Đại Việt, trên dưới một lòng, đồng tâm, hiệp sức nhất tề đánh tan quân giặc xâm lược.

Một lần khác, Trần Quốc Tuấn đem việc xích mích trong dòng họ dò ý các con. Trần Quốc Tảng có ý khích ông cướp ngôi vua. Ông nổi giận định rút gươm toan chém Quốc Tảng. Do các con và những người tâm phúc xúm vào van xin, ông bớt giận dừng gươm, nhưng bảo rằng: Từ nay cho đến khi ta nhắm mắt, ta sẽ không nhìn mặt thằng nghịch tử, phản thầy này nữa!                     Trong chiến tranh, ông luôn hộ giá bên vua, tay chỉ cầm cây gậy một đầu bịt sắt. Thế mà vẫn có lời dị nghị, sợ ông sát hại vua. Ông bèn bỏ luôn phần đầu gậy bịt sắt đó đi, chỉ chống gậy không mỗi khi ở gần bên vua. Sự nghi ngờ về tấm lòng của ông dần cũng chấm dứt. Ông là người thông hiểu lẽ đời, chú ý cả tới những việc nhỏ thường ngày để tránh sự hiềm nghi, yên lòng quan, yên lòng dân, đoàn kết tất cả mọi người vì nghĩa lớn dân tộc. Cả cuộc đời của ông đã thể hiện một tấm lòng trung trinh son sắt vì vua, vì nước.

Vào thế kỷ XIII, trong 30 năm (1258 – 1288) quân dân nhà Trần đã ba lần đại thắng quân Nguyên Mông, viết nên trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Cho đến ngày nay, vẫn còn nguyên câu hỏi đặt ra cho lịch sử dân tộc ta. Đó là, vì sao và bằng cách nào, nước Đại Việt nhỏ bé, quân ít, dân không đông, tiềm lực có hạn lại đánh thắng một đội quân xâm lược khổng lồ, hùng mạnh, tàn bạo nhất trong lịch sử, có trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh đầy đủ và đã từng chinh phục các nước rộng lớn chạy dài suốt từ châu Á sang châu Âu?

Để lý giải triệt để điều này, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã và vẫn đang tiếp tục phân tích để ngày càng rõ hơn. Một trong những lý giải cho điều đó là nước Đại Việt đã biết vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự Dĩ đoản (binh), chế trường (trận) mà Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã tổng kết. Bài Hịch tướng sỹ của ông đã phần nào lý giải được vì sao nhà cầm quân tài ba Trần Quốc Tuấn có thể huy động được sức mạnh của tướng sỹ nhà Trần với khí thế Sát Thát, hào khí Đông A và tinh thần Đại Việt mạnh mẽ đến như vậy.

Các nhà nghiên cứu lịch sử đã có những công trình khoa học ở các cấp độ khác nhau tìm cách lý giải vấn đề này. Song, chúng ta đều thống nhất đánh giá rằng, tài nghệ quân sự tuyệt vời của Trần Quốc Tuấn đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng oai hùng của quân dân Đại Việt ở thế kỷ XIII. Chính vì tài nghệ và những công lao to lớn đó mà Trần Quốc Tuấn được các học giả quân sự nổi tiếng thế giới xếp vào danh sách những nhà quân sự tài ba của thế giới cùng với Nguyễn Huệ – Quang Trung và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời hiện đại.

Trần Quốc Tuấn chính là người đã biết kết hợp hài hoà và nhuần nhuyễn các yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hoà (tam tài). Trước một đội quân nhà nghề là đế quốc Nguyên Mông, để chiến thắng quân xâm lược, chúng ta phải có mưu lược và nghệ thuật quân sự tài giỏi. Trước hết, phải biết thu phục nhân tâm bằng chính sách khoan thư sức dân, làm nền tảng để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, khi có chiến tranh sẽ huy động được toàn bộ sức người, sức của, sức mạnh của khối đại đoàn kết đó để chiến thắng kẻ thù.

Với chính sách lòng dân không chia, cả nước góp sức chống giặc của Trần Quốc Tuấn đã tạo nền móng xây dựng quân đội thường trực và các đội dân binh, nhiều tầng, nhiều lớp để sẵn sàng ứng phó có hiệu quả, chống lại kẻ thù hùng mạnh. Cả nước nhất tề đứng dậy theo hiệu triệu của triều đình: “Tất cả các quận huyện trong nước nếu có giặc ngoài đến phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng”1.

Trần Quốc Tuấn chủ trương xây dựng quân đội: “Cần tinh chứ không cần nhiều, dù như Bồ Kiên có trăm vạn quân mà có làm được gì đâu”. Khi đề xuất chiến lược Lấy đoản chế trường cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, ông đã để ý nghiên cứu rất kỹ các trận đánh trong lịch sử Trung Quốc mà đội quân nhỏ thắng đội quân lớn để có thể áp dụng vào điều kiện cụ thể ở nước ta. Ví như trận Phì Thuỷ, một trăm vạn quân của Bồ Kiên đã bị quân đội nước Tấn nhỏ hơn đánh cho tan tác.

Trong quan niệm của Trần Quốc Tuấn, chất lượng quân đội được đặt lên hàng đầu và được coi là nhân tố đầu tiên quyết định cục diện chiến tranh. Chất lượng đội quân đó chỉ có thể phát huy cao độ sức mạnh khi có sự đồng lòng nhất trí của toàn quân. Hưng Đạo Đại vương từng nói với vua Trần Anh Tông: “Có thu phục được quân lính một lòng như cha con thì mới dùng được”. Dưới trướng của Trần Quốc Tuấn có đội quân do Phạm Ngũ Lão chỉ huy “đều một lòng thân yêu như cha với con. Đánh đâu tất thắng đó”.

Không chỉ biết thu phục nhân tâm từ người dân, người lính, Trần Quốc Tuấn không hề quên quan tâm đến đội ngũ tướng lĩnh, những người trực tiếp truyền cảm hứng của chủ tướng trước trận tiền. Trong Hịch tưỡng sỹ, ông viết: “Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm; quan nhỏ thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng, đi thuỷ thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui chơi”. Hơn thế, Trần Quốc Tuấn còn chỉ rõ cho các tỳ tướng, thuộc hạ của mình thấy được quyền lợi gắn kết của mình với tập đoàn vương hầu quý tộc nhà Trần để họ hăng say chiến đấu: “Ta cùng các ngươi bị bắt thì sẽ đau xót biết nhường nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng mất; chẳng những gia quyến của ta bị tan, mà vợ con các ngươi cũng khốn; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị giày xéo, mà phần mộ của cha mẹ các ngươi cũng bị quật lên; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục rồi đến trăm năm sau, tiếng dơ khôn rửa, tiếng xấu còn lưu, mà đến gia thanh các ngươi cũng mang tiếng là tướng bại trận”. Và khi chiến thắng được kẻ thù, thì: “Chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền, mà bổng lộc của các ngươi cũng đời đời được hưởng thụ; chẳng những gia quyến của ta được yên ấm gối chăn, mà vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão; chẳng những tông miếu của ta sẽ được muôn đời tế lễ, mà tổ tông các ngươi cũng được thờ cúng quanh năm”2. Không chỉ khích lệ về quyền lợi, lòng quyết tâm, Trần Quốc Tuấn còn xác định rõ lập trường cho các tướng sỹ: “Giặc với ta là kẻ thù không đợi trời chung, các ngươi cứ điềm nhiên không biết rửa nhục, không lo trừ hung, không dạy quân sỹ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà chịu đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc”.

Từ đó, ông kịch liệt phê phán thái độ cầu an của những kẻ: “Nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường, đãi yến ngụy sứ mà không biết căm”. Ông đã đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ làm tướng mà “lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con; hoặc lo làm giàu mà quên việc nước; hoặc ham săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát”. Hơn thế nữa, ông còn biết thổi vào hồn tướng sỹ lòng căm thù giặc sâu sắc: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xẻ thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù”3. Không chỉ có thế, Trần Quốc Tuấn còn yêu cầu quân dân phải nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên luyện tập võ nghệ: “Người người đều giỏi như Bàng Mông; nhà nhà đều là Hậu Nghệ; có thể bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai”.

Trần Quốc Tuấn đặc biệt quan tâm tới sức mạnh tinh thần của quân dân, tướng sỹ. Tinh thần đó là một trong những yếu tố cơ bản bảo đảm thắng lợi của cuộc chiến. Nên trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba, ông đã dự đoán được sự thất bại không thể tránh khỏi của kẻ thù. Trần Quốc Tuấn đã nói với vua Trần Anh Tông rằng: “Quân Nguyên, nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc đánh dẹp, mà quân họ thì ngại về đi xa; vả lại họ đã cạch về sự thất bại của Hằng Quán, không có lòng chiến đấu nữa. Cứ ý thần xem thì ta đánh tất được”4.

Hơn thế, Trần Quốc Tuấn quan tâm đến cả vấn đề chiến lược và chiến thuật. Ông yêu cầu các tướng lĩnh phải thấm nhuần và biết rút ra bài học kinh nghiệm sau mỗi trận đánh cụ thể. Quan điểm đó của ông đã được Trần Khánh Dư thể hiện trong lời tựa cho tác phẩm Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Trần Quốc Tuấn như sau: “Phàm người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết… Cho nên, Quốc công ta mới so sánh đồ bàn về phương pháp của các nhà chép thành một tập”5.

Nhất quán với tư tưởng chính trị lòng dân không chia, cả nước góp sức, Trần Quốc Tuấn đã tạo ra một thế trận khiến cho giặc Nguyên Mông bị đánh khắp nơi, cả phía trước lẫn phía sau. Đó chính là sự phối hợp tác chiến giữa những trận tập kích mạnh mẽ của đội quân chủ lực nhà Trần với những trận đánh du kích lẻ tẻ của các đội dân binh của Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền ở miền xuôi và của Hà Đặc, Hà Chương, Nguyễn Địa Lô, Nguyễn Lĩnh… ở miền núi. Thế trận trùng trùng điệp điệp đó đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, mất phương hướng, giảm sút tinh thần chiến đấu, ngày ăn không ngon, đêm ngủ không yên, và thất bại đến với chúng là điều đương nhiên.

Khi tâu trình với vua Trần Anh Tông về kế sách chống quân Nguyên Mông, Trần Quốc Tuấn đã nêu rõ: Việc chống giặc ngoài để giành thắng lợi thì mỗi thời một khác, thời sau không thể bắt chước thời trước mà phải xuất phát từ điều kiện cụ thể của từng thời mà có đối sách thích hợp. Trong Binh thư yếu lược, ông đã chỉ ra cặn kẽ: “Có chí mà chậm thì người sẽ tính trước ta, thấy mà không quyết định thì người sẽ phát trước ta, phát mà không nhanh thì người sẽ thắng trước ta. Khó được ấy là thời, dễ mất ấy là cơ, nên phải làm nhanh vậy”. Có thể coi đây chính là sự trải nghiệm, tìm tòi nguyên nhân thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm được ông rút ra. Lý luận về thời thế này của ông rất đáng để người sau suy ngẫm, không chỉ riêng trong lĩnh vực quân sự, mà còn có ý nghĩa chung cho các công việc khác trong đời người.

Năm 1300, Trần Quốc Tuấn ốm nặng, vua Trần tới thăm và hỏi ông về kế sách giữ nước. Trần Quốc Tuấn đã đúc kết kinh nghiệm trong suốt cuộc đời đánh giặc giữ nước của mình một cách súc tích: “Ngày xưa Triệu Vũ dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê dùng được người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm đến tận Mai Lĩnh là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước nhà góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy”6.

Tư tưởng trên đây là kết quả của sự chiêm nghiệm về lịch sử thăng trầm hàng ngàn năm của dân tộc ta, mà trực tiếp là ba lần kháng chiến chống tên đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, được Trần Quốc Tuấn tổng kết lại một cách khá đầy đủ. Đây cũng được coi là bài học lịch sử không chỉ có ý nghĩa hiện tại, mà còn để lại cho hậu thế suy ngẫm, kế thừa và phát huy lên tầm cao mới.

Để thực hiện phương châm chiến lược lấy đoản chế trường, Trần Quốc Tuấn tỏ ra rất linh hoạt và sáng suốt. Ông luôn bám sát thực tiễn diễn biến của cuộc chiến tranh để đề ra kế hoạch tác chiến, phương pháp và lối đánh thích hợp. Cụ thể khi phân tích lực lượng, Trần Quốc Tuấn có cái nhìn sáng rõ, chẳng hạn:

– Đại quân là quân lớn, quân đông, tức trường trận dùng để đánh những trận lớn.

– Đoản binh là quân nhỏ, quân ít dùng để đánh tập kích và phục kích.

Từ  thực tiễn cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của quân dân nhà Trần ở thế kỷ XIII, ta có thể hiểu dĩ đoản chế trường là dùng lực lượng nhỏ, quân ít để chế ngự đại quân hùng mạnh của quân Nguyên: Bằng cách tránh cái mạnh của địch là tác chiến bằng kỵ binh trong không gian rộng lớn, dùng cách đánh du kích của ta để công phá thành, đánh trên bộ, dụ quân kỵ binh của địch vào nơi rừng núi, hiểm yếu, chia cắt địch để tiêu diệt chúng…; đồng thời lợi dụng và khoét sâu cái yếu của địch và phát huy cái mạnh của ta là đánh trận thuỷ chiến, cướp lương thực, buộc địch phải dàn mỏng lực lượng trên khắp các địa bàn để tiêu diệt chúng. Có thể nhận thấy, thực chất của tư tưởng quân sự dĩ đoản chế trường của Trần Quốc Tuấn là dùng nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh, dùng trang bị kém đánh đối phương có trang bị mạnh, phát huy mặt mạnh của ta, hạn chế mặt mạnh của địch để đánh thắng chúng. Tư tưởng chỉ đạo tác chiến dĩ đoản chế trường được thực hiện trong suốt lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta và là một biểu hiện độc đáo của nghệ thuật quân sự ViệtNam.

Nước ta đất không rộng, người không đông, tiềm lực hạn chế, lại luôn phải đối phó với sự xâm lăng của các quốc gia lớn mạnh hơn mình gấp bội. Muốn đứng vững, tồn tại và phát triển với tư cách là một nước độc lập, tự chủ, không bị đồng hoá, không bị thôn tính và biến thành nước chư hầu của phong kiến phương bắc, cộng đồng người Đại Việt phải đoàn kết chặt chẽ, lựa chọn kế sách, tìm ra nghệ thuật giành thắng lợi trước kẻ thù. Dĩ đoản chế trường là một sáng tạo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam được hình thành từ thời Đinh, Lê, Lý đến thời Trần, được Trần Quốc Tuấn tổng kết, khái quát, vận dụng và phát triển với chất lượng mới. Trần Quốc Tuấn đã từng đòi hỏi người làm tướng phải biết: “Xem xét, quyền biến như đánh cờ vậy, tuỳ thời mà làm”, “lấy đoản chế trường”, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu. Ông viết: “Nếu giặc đến chậm như cách tằm ăn, không cần của dân, không cần được chóng, thì phải chọn dùng người giỏi, xem xét quyền biến như đánh cờ vậy, tuỳ thời mà làm, có thu được quân lính một lòng như cha con thì mới dùng được, và khoan thư sức dân để kế sâu gốc bền rễ. Đó là thượng sách để giữ nước”7.

Thực tiễn ba lần đại thắng quân Nguyên Mông là một điển hình cho sự vận dụng sáng tạo, hiệu quả tư tưởng dĩ đoản chế trường của Trần Quốc Tuấn. Năm 1288, quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ ba với 50 vạn quân, ngoài bộ binh và kỵ binh, còn có 500 chiến thuyền và một đoàn thuyền chở 70 vạn thạch lương. Trần Quốc Tuấn tự tin nhận định: “Năm nay đánh giặc nhàn”. Lần kháng chiến này, Trần Quốc Tuấn tổ chức trận địa phòng ngự tiêu hao địch, nhưng chủ động để chúng đi qua, chủ động dụ chúng vào vòng vây thế trận của ta. Tháng 1 năm 1288, Trần Khánh Dư đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ ở Vân Đồn, thọc một mũi dao vào tử huyệt của giặc, làm chúng không thể kéo dài cuộc chiến. Giặc vào Thăng Long nôn nóng tiêu diệt đối phương, nhưng không tìm thấy dấu vết quân Trần, chúng buộc phải lui về Vạn Kiếp và tính kế rút quân. Từ thế chủ động tiến công, giặc lâm vào thế bị động lui quân và rơi vào trận địa của quân Trần chờ sẵn. Quân thuỷ của giặc bị ta phá tan trong trận Bạch Đằng. Quân bộ của Thoát Hoan bị quân nhà Trần cùng dân binh truy kích đánh cho tơi tả trên đường rút lui qua biên giới. Khí thế Sát Thát của quân dân Đại Việt thời Trần đã được phát huy cao độ. Sỹ khí đó đã có sức lay động cả khối cộng đồng dân tộc ít người ở miền núi phía Bắc tham gia đánh giặc và quan trọng hơn đã khơi dậy cả sự đồng tâm hiệp lực của Hội đồng bô lão tại Hội nghị Diên Hồng lịch sử, lôi cuốn đến cả cậu bé Trần Quốc Toản thù giặc đến bóp nát quả cam vua ban lúc nào không biết… Điều đó một lần nữa khẳng định chân lý về lòng yêu nước của nhân dân ta trong truyền thống dân tộc. Đúng như, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống cực kỳ quý báu của dân ta.            Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”8. Sức mạnh truyền thống đó được Người chỉ rõ thêm:

Xét trong lịch sử Việt Nam

Dân ta vốn cũng vẻ vang anh hùng

Nhiều phen đánh bắc, dẹp đông

Oanh oanh liệt liệt con Rồng, cháu Tiên9.

Với ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, Trần Quốc Tuấn đã chứng tỏ là một vị tướng tài ba, anh hùng kiệt xuất. Tư tưởng dĩ đoản chế trường mà ông có công tổng kết không chỉ là những tri thức quân sự thuần tuý, mà nó được bảo đảm chắc thắng dựa trên lĩnh vực chính trị. Tránh cái thế “hăng hái lúc ban mai” của địch, làm cho đội kỵ binh địch bị dàn mỏng trên địa hình sông ngòi chật hẹp, lầy thụt mà không phát huy được tác dụng; Dùng kế thanh dã, triệt lương của giặc, đẩy chúng vào cái thế tàn lụi lúc buổi chiều; Lợi dụng sở đoản, kiềm chế sở trường của địch; khiến cho lối đánh sở trường đánh nhanh, thắng nhanh của giặc không thể thi thố được, dẫn đến lúng túng và thất bại. Phát huy sở trường của ta là quen đánh giặc ở vùng sông nước và ven biển, buộc địch phải bị động tác chiến theo ý đồ của ta. Đánh giá về giai đoạn lịch sử này, cố Tổng bí thư Trường Chinh viết: “Ưu điểm trội nhất của cuộc kháng chiến thời Trần là mưu mẹo giỏi”10. Trong cả ba lần rút lui chiến lược ở ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, đều nhằm mục đích từng bước tạo thế, tạo thời cơ để mở cuộc phản công chiến lược giành thắng lợi hoàn toàn. Dưới sự chỉ huy tài tình của Trần Quốc Tuấn, quân đội nhà Trần đã biết tận dụng thời cơ dù là nhỏ nhất để tạo ra cục diện mới ở từng thời điểm. Tận dụng lúc kỵ binh giặc đang chán nản, mệt mỏi, đó là lúc để quân ta phản công. Chiến thuật rút lui, tránh chỗ mạnh, nhằm vào chỗ yếu của địch, đã đưa quân Nguyên Mông vào tình thế lơ lửng không thể thi thố tài năng, muốn đánh mà không được đánh, dẫn chúng đến chỗ ngày càng mỏi mệt, suy yếu. Trong cả ba cuộc kháng chiến, Trần Quốc Tuấn đã nắm đúng thời cơ phản công và quan trọng hơn là chọn đúng hướng, đúng mục tiêu, biết tập trung binh lực đánh vào các cứ điểm quan trọng, nhưng sơ hở hoặc yếu của kẻ thù. Trong cuộc chiến tranh năm 1285 do địch rải quân ra chiếm đóng, nên lực lượng của chúng bị dàn mỏng, thế chiến lược bị phân tán. Đó chính là cơ hội để ta phản công… Rút kinh nghiệm hai cuộc chiến lần trước, lần thứ ba quân của Thoát Hoan đã tập trung, co cụm, không phân tán lực lượng, mà bố trí thành các tập đoàn quân lớn tại khu vực có vị trí chiến lược quan trọng để hạn chế sự phản công của quân ta. Trong thế mạnh bố trí chiến lược mới của địch năm 1288, Trần Quốc Tuấn đã sớm nhìn thấy điểm yếu của địch là vấn đề lương thực. Nếu ta triệt được lương thực của địch thì sẽ phá được thế mạnh đó. Thực tiễn chiến tranh đã chứng minh cho nhận định sáng suốt đó của ông. Chúng ta đã tập trung một lực lượng vừa phải và đã đánh tan tác đoàn quân chở lương của địch ở Vân Đồn. Từ đây, thế trận tập trung của giặc bắt đầu bị phá vỡ. Đó là kết cục báo trước sự thất bại tiếp theo của kẻ thù. Bình luận về các sự kiện này, Trương Phổ, học giả thời Minh trong sách Nguyên sử kỷ sự bản mạt cho rằng: “Trấn Nam Vương Thoát Hoan tiến binh, vua An Nam Trần Nhật Huyên (chỉ Thượng hoàng Trần Thánh Tông) đem quân đánh lại, quân Thoát Hoan tuy có ngựa mạnh, rong ruổi nhanh như chớp, đánh thành, phá ấp, nhưng giữa đường quay giáo lui, quân lính tan nát trong chốn quân kia, Toa Đô, Lý Hằng đồng thời tử chiến… Thoát Hoan xuất quân lần nữa, Nhật Huyên chạy đi để rồi đón lúc về, đánh lúc mệt, quân Nguyên lại thất bại”. Trương Phổ đã chỉ ra đích danh nguyên nhân thắng lợi của quân đội nhà Trần: “Đó là vì quân kia tránh cái thế hăng hái lúc ban mai, đánh cái thế tàn lụi lúc buổi chiều, giấu mình nơi biển khơi, phục binh nơi ải hiểm, quân Nguyên tuy hùng hổ kéo đến, chưa từng thắng được một trận. Có thể nói là Nhật Huyên có tài dùng binh vậy”11. Đó chính là nghệ thuật quân sự, phép dùng binh của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ông đều lợi dụng được địa hình, khí hậu, thuỷ văn có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Các cuộc rút lui chiến lược của quân Trần đều theo đường thuỷ làm cho kỵ binh địch trở nên bất lực. Các trận thắng quyết định của quân Trần thường là thuỷ chiến, ở vùng sông nước, mà đỉnh cao là trận Bạch Đằng Giang lịch sử. Đó chính là tiếp nối chiến thắng vang dội Bạch Đằng Giang năm xưa khi Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: Tài năng của Trần Quốc Tuấn biểu hiện ở sự nhận thức rất rõ dân ta là nguồn sức mạnh giữ nước. Nguồn sức mạnh đó phải được xây dựng, bồi dưỡng lâu dài trong thời bình cũng như trong thời chiến, bằng nhiều chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội để tạo cho thế nước ở đỉnh cao muôn trượng, đủ sức đè bẹp quân thù nguy hiểm.

Công lao của Trần Quốc Tuấn không chỉ là người góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống xâm lược thời Trần đi đến thắng lợi, mà những tư tưởng quân sự – chính trị của ông vẫn còn sống mãi với thời gian và vẫn phát huy tác dụng cho hậu thế trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là nhà quân sự tài ba, nhà chính trị lỗi lạc, anh hùng kiệt xuất của đất nước và dân tộc Việt Nam. Ông thật sự xứng đáng với sự tôn vinh của nhân dân: Đức Thánh Trần! Nhân dân đã lập đền thờ ông tại Côn Sơn – Kiếp Bạc (Đền Kiếp Bạc), huyện Chí Linh – nơi ông lui về ở ẩn sau khi chỉ huy quân dân Đại Việt chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba và vĩnh biệt cõi đời, đi vào cõi vĩnh hằng…

TRẦN HỒNG LƯU

TS. Đại học Kinh tế Đà Nẵng.

_____________________

Chú thích

1. Xem: Nguyễn Tài Thư (chủ biên), 1993. Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập I, Nxb. Khoa học xã hội, tr.189.

2. Sđd, tr.190.

3. Sđd, tr.191.

4. Đại Việt sử ký toàn thư, 1971. Tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 63-64.

5. Sđd, tr.94-95.

6. Thơ văn Lý Trần, tập II, quyển Thượng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 396

7. Đại việt sử ký toàn thư, 1985. Tập II. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.89.

8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, 1996. Tập VI. Nxb. Chính trị quốc gia, tr.171.

9. Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 3, tr.227-228

10. Trường Chinh, 1964. Kháng chiến nhấts định thắng lợi, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.8.

11. Dẫn theo: Bộ quốc phòng, Viện lịch sử quân sự Việt Nam, 2000. Trần Hưng Đạo nhà quân sự thiên tài, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.252.

Trả lời