BAN QUẢN LÝ DI TÍCH CÔN SƠN – KIẾP BẠC DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM 713 NĂM NGÀY MẤT ĐỆ NHẤT TỔ PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG

       

Đệ nhất tổ thiền phái phật giáo Trúc Lâm Trần Nhân Tông 

 

          Trần Nhân Tông (1258 – 1308) là vị hoàng đế anh minh, đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả của mình. Suốt một thời tuổi trẻ, người anh hùng Trần Nhân Tông đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền dân tộc, một lòng dựng xây và phát triển đất nước. Lịch sử và chính những trang văn còn lại đã xác nhận vị thế Trần Nhân Tông trên tư cách hoàng đế – danh nhân văn hóa tiêu biểu của dân tộc.

Trần Nhân Tông từng được tiếp nhận tư tưởng Phật giáo từ ông nội Trần Thái Tông (1218 – 1277), vua cha Trần Thánh Tông (1240 – 1290) và đặc biệt chịu ảnh hưởng sâu đậm từ Tuệ Trung Thượng sĩ (1230 – 1291)… Tâm thế Trần Nhân Tông sớm hướng đến cửa Phật nhưng kể từ khi lui về làm Thái thượng hoàng thì mọi điều kiện, cơ duyên mới thật sự chuyển hóa thành hành động, việc làm cụ thể. Ðây là cả một quá trình, một sự vận động, đan xen, đổi thay, tiếp nối trong nhận thức qua nhiều năm trời. Trên thực tế, Trần Nhân Tông quyết định nhường ngôi cho Hoàng thái tử Thuyên (Trần Anh Tông) vào đầu năm Quý Tỵ (1293).

Ðến mùa thu năm sau (Giáp Ngọ, 1294), Thượng hoàng đã xuất gia ở hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình) nhưng liền đó vẫn đích thân đi đánh dẹp phía tây và tiếp tục chỉ bảo, răn dạy vua Anh Tông. Phải đến tháng 8 năm Kỷ Hợi (1299), Thượng hoàng mới chính thức “từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh”, lấy đạo hiệu Hương Vân Ðại Ðầu Ðà (còn được tôn xưng Giác Hoàng Ðiều Ngự), trở thành vị tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử… Từ đây bắt đầu một chặng đời mới với việc tu hành, viết sách, giảng kinh ở chốn non thiêng Yên Tử, vân du các nơi, sang tận Chiêm Thành cầu học đạo (chuyến đi năm Tân Sửu, 1301, từ tháng 3 đến tháng 11 mới trở về), đồng thời cùng triều đình bàn việc quốc sự, góp phần ổn định hòa bình của đất nước.

Quan trọng hơn, Trần Nhân Tông đã khơi nguồn, đặt nền móng và cũng là người thiết kế, hướng đạo, phát triển tư tưởng Phật giáo, tổ chức giáo hội, đào tạo tăng ni, phật tử. Sách Ðại Việt sử ký toàn thư cũng như Tam tổ thực lục đều chép việc Trần Nhân Tông từng mở hội Vô lượng pháp ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền lụa để chẩn cấp dân nghèo trong nước và giảng kinh Giới thí… Riêng sách Tam tổ thực lục ghi chép khá kỹ lưỡng cuộc đời Trần Nhân Tông với ý nghĩa một tiểu truyện thiền sư, khởi đầu từ việc ngài sinh ra gắn với điềm lạ, cuộc đời hành đạo có nhiều công tích, để lại nhiều thơ văn và cuối cùng là cái chết thanh thản, “hóa thân”, “trở về” theo đúng quan niệm “sinh ký tử quy” của Phật giáo…

Trên phương diện sáng tác, Trần Nhân Tông còn để lại nhiều tác phẩm in đậm tư tưởng Phật giáo, khơi nguồn cảm hứng đề vịnh cảnh chùa đất Phật, ngợi ca công tích bậc cao tăng như Tán Tuệ Trung Thượng sĩ (Ca ngợi Thượng sĩ Tuệ Trung) và trực tiếp viết tiểu truyện về sư thầy với tác phẩm Thượng sĩ hành trạng (Hành trạng của thượng sĩ Tuệ Trung)…

Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc dâng hương tưởng niệm 713 năm

ngày mất Đệ nhất tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông

 

          Đối với Côn Sơn, ngay từ khi thành lập tông phái, đệ nhất tổ Trần Nhân Tông đã chọn Côn Sơn làm nơi hành đạo, giáo độ tăng đồ. Dưới thời đệ nhất tổ, cơ sở kiến trúc thờ tự ban đầu ở Côn Sơn còn nhỏ hẹp với tên gọi liêu Kỳ Lân. Trần Nhân Tông trong quá trình đi tìm người kế tiếp dòng phái, chính tại Côn Sơn Điều Ngự đã thụ giới Tỳ kheo và giới Bồ Tát và ban pháp hiệu cho Pháp Loa. Bia “Viên Thông Thanh Mai Tháp Bi” có ghi: “khi trở về liêu Kỳ Lân núi Linh Sơn (Côn Sơn), Điều Ngự xuống tóc, trao áo tu hành cho Sư (Pháp Loa)…Năm Ất Tỵ, niên hiệu Hưng Long thứ 13 (1305), Điều Ngự đích thân truyền giới Thanh văn và Bố Tát cho Sư tại liêu Kỳ Lân (Côn Sơn)”. Theo “Tam Tổ thực lục”, Nhân Tông đã soạn nhiều tác phẩm kinh sách Phật giáo. Trong đó, tác phẩm Thạch thất mị ngữ được Điều Ngự viết lúc rời viện (Kỳ Lân) khi về ở núi. Như vậy, dưới thời đệ nhất tổ, chùa Côn Sơn với tên gọi liêu Kỳ Lân đã được Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành, giáo hóa tăng đồ. Đặt cơ sở nền móng cho sự phát triển đạo pháp của dòng Phật Giáo Trúc Lâm.

Lễ dâng hương thể hiện được lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc của thế hệ ngày nay đối với bậc Thánh nhân, đồng thời là hoạt động ý nghĩa của khu di tích đặc biệt Côn Sơn – một trung tâm Phật giáo Trúc Lâm thời Trần.

Tin bài, Ảnh: Phòng Nghiệp vụ

Trả lời