Trải qua hơn 700 năm tồn tại phát triển, Côn Sơn - Kiếp Bạc là một trong những trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng lớn của đất nước. Đây là nôi sản sinh và hội tụ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của cư dân đồng bằng Bắc bộ và các vùng miền trong cả nước.
Côn Sơn - Kiếp Bạc là hai khu di tích Quốc gia đặc biệt. Nơi đây gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp của nhiều danh nhân nổi tiếng: ba vị Phật tổ của thiền phái phật giáo Trúc Lâm thời Trần: Đệ nhất tổ Hoàng đế Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Đệ nhị tổ Pháp Loa tôn giả, Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả, Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi... Uy đức của họ đã góp phần hun đúc lên hồn thiêng sông núi, để lại tiếng vang muôn thủa. Trải qua hơn 700 năm tồn tại phát triển, Côn Sơn - Kiếp Bạc là một trong những trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng lớn của đất nước. Vì vậy, đây là cái nôi sản sinh và hội tụ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của cư dân đồng bằng Bắc bộ và các vùng miền trong cả nước. Từ phong tục tập quán đến các nghi lễ truyền thống, các trò chơi, diễn xướng, làng nghề… đều mang đậm bản sắc văn hoá của xứ Đông.
Liên quan đến khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc còn có hệ thống di tích phong phú như: Đền Sinh, Đền Hoá, Đền Nam Tào, Đền Bắc Đẩu, Chùa Mít, Đình Thanh Tảo, Nghè Dím, Nghè Nẫm cùng hệ thống di tích gắn với những chiến công hào hùng của dân tộc qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Quốc gia Đại Việt của các triều đại như: hệ thống sông Lục Đầu, núi Phượng Hoàng, Núi Ngũ Nhạc, núi Côn Sơn, núi Dược Sơn, khu di tích đền chùa Trung Quê, Hang Tiền, Hố Thóc, Xóm Hống, Xưởng Thuyền, Hành Cung, Sông Vang...
Gắn với hệ thống di tích lịch sử văn hoá và cảnh quan thiên nhiên này là kho tàng văn hoá phi vật thể phong phú về loại hình, đa dạng về chức năng, chứa đựng trong đó là dấu ấn, tình cảm của lớp người lao động bình dân đến tư tưởng tri thức của các bậc hiền tài, các vị quân vương, thánh thần tiêu biểu của các triều đại phong kiến.
Hệ thống di sản văn hoá phi vật thể ở khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc qua nghiên cứu sưu tầm có thể thống kê, phân loại ra một số loại hình cơ bản như sau:
1. Phong tục tập quán: ăn, ở, mặc, tang ma, cưới xin…
2. Lễ hội truyền thống: Lễ hội đền Kiếp Bạc, lễ hội chùa Côn Sơn, Lễ hội đền chùa Trung Quê, Lễ hội đền Sinh, đền Hoá...trong đó có các nghi lễ: Tế, Rước, Hầu Thánh, Ban ấn, Cúng đàn Mông Sơn, Hội hoa đăng...; các trò chơi dân gian như đua thuyền, hội quân trên sông Lục Đầu, đánh vật, chọi gà, bắt vịt, nấu cơm thi, múa rồng, cờ người...
3. Nghề cổ truyền: làm gốm, chữa bệnh, cắt thuốc, chài lưới, nông nghiệp...
4. Văn hoá ẩm thực: làm cỗ chay, cỗ mặn, làm bánh tiến, gỏi cá chép sông Thương, nem hến...
5. Nghệ thuật dân gian: hát văn, hát chèo, hát xẩm, truyện cổ tích, truyền thuyết, đồng giao...
6. Tri thức dân gian: thầy lang, thầy bói, thầy đồ, hệ thống di sản hán nôm, hoành phi câu đối...
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN MỸ THUẬT TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC
TÌNH YÊU CÔN SƠN TRONG THƠ NGUYỄN TRÃI
LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG MÙA XUÂN CÔN SƠN- KIẾP BẠC
71 NĂM VĂN HÓA HẢI DƯƠNG KẾ THỪA - PHÁT TRIỂN
VAI TRÒ CỦA ĐỨC THÁNH TRẦN TRONG ĐỜI SỐNG TÂM LINH QUA LỄ HỘI ĐỀN KIẾP BẠC (19/1/2015)
PHẢ HỆ DÒNG HỌ NGUYỄN TRÃI VÀ VẤN ĐỀ HỘI THẢO KHOA HỌC Ở KHUYẾN LƯƠNG